Theo báo cáo tạm thời của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) tại cuộc họp bàn về khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra ở Durban, 2011 là năm thứ 10 nóng nhất được ghi nhận cho tới thời điểm này mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng của La Nina.
Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện vào nửa cuối năm 2010 và tiếp tục cho đến tháng 5/2011 và nó có liên hệ chặt chẽ với các kiểu thời tiết bất thường trong suốt năm 2011.
Tháng 1 đã ghi nhận trận lũ lụt tồi tệ nhất tại thủ đô của tiểu bang Queensland, Brisbane, Úc kể từ năm 1974. Theo WMO, một thảm họa sạt lở đất kinh hoàng đã xảy ra ở một khu vực miền núi khoảng 60 km về phía bắc Rio de Janeiro, Brazil làm ít nhất 900 người thiệt mạng. Mưa lớn cũng gây ra ngập lụt ở nhiều khu vực trên thế giới trong năm 2011 bao gồm các bộ phận của miền nam châu Phi, Trung Mỹ và miền nam châu Âu.
Sạt lở đất ở Rio de Janeiro vào tháng Giêng qua vệ tinh
Tuy nhiên, đáng chú ý hơn cả là trận lũ lịch sử ở Đông Nam Á đã cướp đi sinh mạng của 650 người ở Thái Lan và nhiều người khác ở các nước láng giềng Myanmar và Campuchia. Cũng theo WMO, lượng mưa từ tháng 6 đến tháng 9 ở miền bắc và miền trung Thái Lan đã lên đến 80%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình hàng năm. Tình hình lên đến đỉnh điểm vào tháng 10 khi mà nước mưa ở phía bắc dồn xuống kết hợp với thủy triều dâng cao đã làm ngập toàn bộ thủ đô Bangkok Thái Lan.
Cố đô Auytthaya trong trận lũ lịch sử
Năm 2011 cũng chứng kiến sự bất thường về thời tiết ở Mỹ. WMO đã thống kê 14 sự kiện biến đổi khí hậu ở Mỹ mà họ ước tính thiệt hại lên tới 1 tỉ USD. Tuyết rơi dày trên toàn miền nam và miền trung bao gồm Oklahoma, Kansas và Missouri vào tháng 2.
Tháng 4 và tháng 5 cũng là một trong các thời điểm lốc xoáy hoạt động dữ dội nhất được WMO ghi nhận và sông Mississippi lũ cũng lên cao nhất trong vòng 80 năm trở lại đây. Trong khi đó, cách 600 dặm về phía tây Texas hạn hán đang hoành hành và cháy rừng lại bùng phát.
“Nghiên cứu khoa học của chúng tôi là có cơ sở và nó chứng minh rõ ràng rằng thế giới đang nóng lên”, Michel Jarraud - Tổng thư ký WMO cho biết.
Hình ảnh lũ lụt tồi tệ nhất kể từ năm 1933 Mississippi từ vệ tinh
Nhiệt độ mùa hè ở bang Lone Star trung bình 30,4 độ C đến -3 độ C, cao hơn mức trung bình hàng năm và cao nhất trong số các bang của Mỹ.
Trong khi đó, nhiều tiểu bang miền đông bắc và các bộ phận của miền nam Canada được ghi nhận đã trải qua một năm lũ lụt nghiêm trọng nhất với sự xuất hiện của cơn bão Irene vào cuối tháng 8, và ngay sau đó là cơn bão nhiệt đới Lee.
Cơn bão Lee tấn công vào miền nam Canada
Cũng ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là châu Phi, ước tính khoảng 12 triệu người có nguy cơ bị chết đói. Ở phía đông bắc Kenya, lượng mưa nhiều hơn trong sáu tuần (402 mm) so với mức trung bình hàng năm và đã dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng về mùa màng.
Hạn hán ở châu Phi - ảnh do Nasa chụp từ vệ tinh
Năm 2011 là một trong những năm nóng nhất trong vòng 15 năm kể từ năm 1997 – với việc băng tan vào mùa hè ở Bắc Cực.
Chính hoạt động của con người đã làm tăng nhiệt độ của trái đất và nó đang nhanh chóng tiến tới một mức độ mà các nhà khoa học tin rằng có thể bắt đầu cho một sự thay đổi khí hậu mới trên quy mô toàn cầu.
Các số liệu cuối cùng về thời tiết năm 2011 sẽ được WMO xuất bản vào tháng ba năm sau.
Kim Oanh
(Dịch)