Bãi rác bản Khoang có lẽ khổng lồ số 1 vùng Tây Bắc, rộng 3ha, chiếm trọn "lòng chảo" dưới những ngọn núi sừng sững như trường thành. Mức độ ô nhiễm ở đây thật khủng khiếp!
Ti tỉ con ruồi lộng hành
Than ôi! Những đống rác ở Thủ đô Hà Nội vốn dĩ đã ô nhiễm vô cùng tận. Người Thủ đô đã phải sống dở chết dở với cái mùi xú uế tanh tưởi lẫn những chua ngoét xộc vào mũi đầu độc sức khoẻ thì cách Hà Nội đúng 320 cây số, giữa những núi đồi bạt ngàn cỏ cây hoa lá lẫn với rừng ban trắng trời tháng 3 lại có một "ổ" ruồi lộng hành dọc ngang, phá vỡ cái thơ mộng của vùng Tây Bắc.
Mới chỉ cách bãi rác tầm hơn cây số mà những mùi khó ngửi đã xộc đến tận mũi. Anh bạn đi cùng một tay bịt mũi, một tay phây phẩy đuổi ruồi. Nhưng khi tiến lại sát cạnh bãi rác, sự kinh hoàng mới thực sự là khởi đầu cho tất cả những điều tôi sắp kể dưới đây.
Vừa mới chạm chân tới cửa ngõ bãi rác bản Khoang, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, chúng tôi đã không chịu được cái mùi lạ. Cả hai đều nôn oẹ bởi thứ mùi tanh nồng ngai ngái của trăm thứ kinh khủng trộn lại. Tôi xốc cậu bạn đứng dậy, quyết đi thẳng vào trung tâm "ổ" ruồi để mục sở thị của vùng đất mà người bạn địa là "hang ổ ma cà rồng".
Tôi không dám tả ra đây những thứ có thể khiến bạn đọc lợm giọng nhưng cứ thử tưởng tượng 3ha rác nằm gọn dưới những dãy núi đá giữa cái thời tiết lúc nắng lúc mưa, lúc hanh hao và trời lành lạnh thì mới thấy nào là xác động vật thối rữa phân hủy, nào là rau củ quả bỏ đi nhung nhúc những con bọ to phân nửa chiếc đũa đang bò lan khắp đường đi lối lại.
Tiến vào sâu chút nữa thì người thần kinh thép cũng bủn rủn chân tay. Môi phải mím chặt, tai và hai lỗ mũi phải nhét bông gòn vì... ruồi. Lời cảnh báo của ông Lù Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần: "Vào đấy, cẩn thận ruồi chui vào bụng" là không sai. Ông còn bảo, ruồi bay nhung nhúc hàng ti tỉ con, không chỗ nào thiếu bóng dáng ruồi.
Sống nhờ rác
Ấy vậy mà có vài chục người sống nhờ bãi rác khổng lồ khủng khiếp này, họ đã sống ở đây hàng chục năm trời. Có những người ăn ngủ tại đây và phó mặc tính mạng mình cho... rác. Khi tôi giơ máy ảnh, tất cả đều quay đi hoặc kéo cái nón che khuất hết mặt. Tôi hiểu vì sao họ làm thế.
Khi cuộc trò chuyện đã trở nên thân mật hơn, thì những người làm nghề bới rác ở đây mới tiết lộ những bí mật nghề nghiệp. Ở bãi rác này, số lượng người tìm bới không nhiều so với những nơi khác, nhưng sự liều lĩnh vì miếng cơm manh áo thì chắc chắn không đâu địch được.
Không khẩu trang, không bao tay giầy ủng, người đàn bà tên là Khén ở xã Chiềng Sinh vượt hơn chục cây số đến bản Khoang để mong thu lượm vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Bà Khén bảo: "Biết là bẩn, là ô nhiễm nhưng không có nghề nghiệp nên phải ra đây nhặt chai vỏ nhựa để bán. Sức khoẻ còn thì cứ làm, bao giờ ốm yếu hẵng hay".
Có những đứa trẻ chỉ hơn 10 tuổi, khuôn mặt gầy gò đen đủi, mặc quần đùi đứng giữa bãi rác mùa đông lạnh chỉ để gom cho kỳ được một bao chai nhựa. Bé ấy bảo tên là Choán, Choán bảo: "Bố em mất sớm, mẹ em ốm liên miên, thằng em trai lại bị mù bẩm sinh nên em phải ra đây bới rác. Có ngày em kiếm được 100 nghìn đấy".
Một cụ già ngưỡng tuổi 70 cùng đứa cháu gái ở tuổi 18 ngồi bên mép bãi rác chờ xe rác tập kết, bảo tôi: "Không làm giàu từ bãi rác này được nhưng cũng đủ sống. Từ đồ nhựa đến sắt thép bà cháu tôi thu hết. Hai năm trước, có người may mắn vớ được 3 cây vàng đấy".
Cậu thanh niên và lũ nhóc đang ngồi ăn nhót chấm muối vọng sang khẳng định: "Đúng đấy, người ấy không biết tên là gì vì nhặt được vàng thì sướng quá nên chạy về nhà. Sau này, cũng nhiều người nhặt được tiền, nhưng không nhiều. Chúng tôi cứ cố bới rác, bẩn cũng bới vì biết đâu sẽ có ngày phát tài".
Theo ông Lù Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần: "Ngày cao điểm có đến vài chục người tham gia bới rác, cứ xe ra đổ là họ ùa vào. Số đông trong họ là bà con dân tộc bản địa, chúng tôi không gọi đây là nghề nhưng cũng là một cách mưu sinh chính đáng".
Bò khinh cỏ, "nghiện" rác
Đó là sự thật đang diễn ra ở bãi rác bản Khoang, từng đàn trâu bò lục tục kéo nhau ra bãi chỉ để ăn... rác. Tôi chú ý, thấy trâu bò ăn cả nilon và bao tải. Tổng thảy đàn bò lên tới hàng trăm con lớn nhỏ, chúng cày chũi tung cả bãi rác để kiếm ăn. Một bà trung tuổi ngồi cạnh đống chăn bông làm nghề chăn bò thuê bảo: "Hình như trâu bò bây giờ khinh cỏ rồi, chúng "nghiện" ăn rác lắm. Cứ thả ra là chúng tự tìm đến bãi rác".
Lạ một điều, đàn bò ăn rác không gầy gò ốm yếu mà ngày càng béo tốt. Chúng ăn tất cả các loại rác, từ rác sinh hoạt cho đến chất thải công nghiệp, y tế. Núi đồi đầy cỏ chúng không ăn, người dân cũng không cần mảy may suy nghĩ. Bởi đơn giản, rác đang là thức ăn vỗ béo cho đàn bò.
Ở bãi rác bản Khoang, đàn bò có đủ thứ để ăn suốt đêm ngày. Ở đâu đó, người ta nói đến tiêu chuẩn VietGap, Global Gap về chất lượng trồng trọt và chăn nuôi, thì ở đây đàn bò đang sống trong môi trường với thức ăn "chuẩn" của riêng chúng.
Phía sau đàn bò, những đứa trẻ và cả những người đã có tuổi đang hì hục tìm bới cho mình những thứ có thể bán được. Tôi chợt nhớ đến sự so sánh thân phận con người với đàn bò mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết trong tuyệt phẩm "Du mục".