Tân Hiệp Phát lại “đổ thêm dầu vào lửa”
Hậu “kỳ án con ruồi 500 triệu”, mới đây, Ban lãnh đạo Tân Hiệp Phát đã có công văn xin lỗi gửi tới người tiêu dùng, gia đình anh Võ Văn Minh (bị cáo) và các bên liên quan về những phiền toái và ảnh hưởng bị liên quan từ sự việc vụ án “con ruồi trong chai nước”.
Cụ thể, ngày 19/12/2015, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đã ký văn bản gởi các đối tác, đại lý phân phối tập đoàn này thông tin về vụ án cưỡng đoạt tài sản của anh Võ Văn Minh.
Đồng thời nhấn mạnh quan điểm: Doanh nghiệp luôn bảo đảm tuân thủ pháp luật, không thỏa hiệp với mọi hành vi sai trái.
“Sự việc ông Võ Văn Minh vướng vào vòng lao lý có liên quan hình ảnh sản phẩm, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty Tân Hiệp Phát. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc này.
Ban Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát thành thật xin lỗi tới Quý đối tác, Nhà phân phối, Đại lý, Người tiêu dùng và đặc biệt là gia đình ông Võ Văn Minh về những phiền toái và những ảnh hưởng liên quan đến Quý vị trong thời gian vừa qua”, bà Phương nói.
Những tưởng lời xin lỗi này sẽ phần nào đó xoa dịu sự phẫn nộ của nhiều người dân Việt sau vụ xét xử nhưng theo chuyên gia tư vấn thương hiệu Đặng Thanh Vân, Sáng lập viên và Giám đốc điều hành Công ty Thanhs:
“Lời xin lỗi này khá muộn và lại sẽ là một hành động "đổ thêm dầu vào lửa.
Lời xin lỗi nên được đưa ra NGAY SAU THỜI ĐIỂM KHỦNG HOẢNG giai đoạn đầu, kèm sau đó là các hành động cụ thể như: tới thăm gia đình anh Minh; tài trợ học bổng cho con anh…
Đồng thời, hãng nên xây dựng các chương trình thiện nguyện trị giá 500 triệu hoặc 1 tỷ đồng tới những người dân nghèo tại thị trường mục tiêu của thương hiệu.
Công ty cũng cần cam kết thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; mời chuyên gia vào cuộc để đánh giá…” – bà Vân nói.
Với mong muốn các thương hiệu Việt có khả năng cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế, bà Đặng Thanh Vân - người có 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tư vấn xây dựng thương hiệu và thực hiện truyền thông dành cho doanh nghiệp SMEs Việt, cho rằng:
Sự việc xảy đến với Tân Hiệp Phát thực sự rất đáng tiếc cho cả 3 phía: Anh Minh, người tiêu dùng và công ty Tân Hiệp Phát.
Câu chuyện “con ruồi” bùng lên vào thời điểm cuối năm trước và đã được giới truyền thông mổ xẻ nhiều khía cạnh đa chiều.
Hầu hết các phân tích đều hướng theo phương án Tân Hiệp Phát đã không đánh giá hết vai trò của truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội trong kinh doanh hiện đại.
Vì vậy, cách thức xử lý vấn đề chậm và không "xoa dịu" được sự phẫn nộ của công chúng dành cho kẻ yếu thế.
Các tuyên bố tẩy chay Tân Hiệp Phát và phê phán thương hiệu xuất hiện dày đặc trên các diễn đàn và mạng xã hội trong 2 ngày qua… là một minh chứng cho điều đó.
Tác giả của cuốn sách "10 bước cất cánh thương hiệu" này cho rằng: Tân Hiệp Phát đã mất nhiều năm với rất nhiều công sức, nỗ lực mới đưa doanh nghiệp đạt đến vị thế cạnh tranh ngang ngửa trên thị trường Việt Nam với các thương hiệu toàn cầu khác.
“Doanh thu sụt giảm đến 2.000 tỷ năm 2015 chưa phải là kết cục cuối cùng. Đây là kết quả rất đáng suy nghĩ. Chúng ta luôn mong muốn thương hiệu Việt cạnh tranh được và trở thành thương hiệu toàn cầu...
Trong quá trình tăng trưởng đó, không thể không có những giai đoạn khủng hoảng, đổ vỡ hoặc mắc phải sai lầm. Điều này thương hiệu toàn cầu nào cũng từng gặp phải.
Nếu như sau cú ngã ngựa này; Tân Hiệp Phát vẫn cố gắng sức bám trụ, thay đổi quan điểm sứ mệnh và hành động hướng về khách hàng thì tôi mong rằng: Mỗi người chúng ta hãy cùng ủng hộ cho thương hiệu, ít nhất bằng việc... không tẩy chay” – bà Vân chia sẻ.
Tân Hiệp Phát xin lỗi người dùng: “Chỉ là đạo đức giả”
Trao đổi với PV, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang - người đã đặt nền móng cho marketing và Branding ở Việt Nam nói:
“Tân Hiệp Phát nếu muốn xin lỗi thì nên xin lỗi người dùng về chất lượng sản phẩm, chứ xin lỗi vì sự phiền toái thì không có giá trị gì hết”.
Ông Quang cho rằng: Lá thư gửi Quý đối tác, nhà phân phối, đại lý phân phối, trong đó, Tân Hiệp Phát thông tin tóm tắt về vụ án cưỡng đoạt tài sản của ông Võ Văn Minh (Cái Bè, Tiền Giang) kèm theo lời xin lỗi chẳng khác nào hành động “vuốt đuôi”, đạo đức giả.
“Trước đó, lẽ ra Tân Hiệp Phát nên bãi nại, rút lại đơn kiện, chứ không khởi kiện. Giờ họ đã truy tố rồi, họ còn đạo đức giả… Dùng từ “đạo đức giả”, không ngoa ngôn chút nào” – ông Quang nói.
Theo ông Quang, lời xin lỗi đúng đối với Tân Hiệp Phát trong trường hợp này phải là lời xin lỗi về chất lượng sản phẩm, đó là nguyên nhân chính, vì cho tới giờ, các sự cố liên quan tới chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát vẫn còn tiếp tục xảy ra.
“Còn việc xin lỗi vì không được giảm án cho anh Minh hay xin lỗi về sự phiền toái là không đúng. Lấy chuyện này bắc qua chuyện kia là xảo ngôn” – ông Quang nhấn mạnh.
Bình luận về vụ toà xử anh Võ Văn Minh, theo vị chuyên gia thương hiệu này, nếu vụ việc xảy ra ở Mỹ hay trong một Tập đoàn thương hiệu đa quốc gia, có lẽ sự việc đã diễn biến theo một hướng khác.
Ông Quang phân tích: Thứ nhất, anh Minh đã mua sản phẩm, đã trả tiền và công ty Tân Hiệp Phát đã giao hàng, kết quả là giao 1 sản phẩm độc hại, nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng...
Nếu trời tối hay anh Minh là người khiếm thị, anh Minh uống chai nước dẫn đến ngộ độc, thậm chí ung thư hay tử vong... đấy là tội ngộ sát.
Thứ hai, cần xem xét tới mức bồi thường. Với sự nguy hiểm tính mạng và sức khoẻ như vậy, liệu 500 triệu có đủ cho tính mạng con người hay không?
Ngay cả ở Việt Nam đã có tiền lệ khi toà xử oan sai, sau đó đã phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nhiều tỷ đồng...
Thứ ba, nếu có sự phá hoại từ bên thứ ba, nếu cơ quan điều tra phát hiện thì vụ việc sẽ được nhìn nhận khác đi, dù sao anh Minh có quyền yêu cầu bồi thường rủi ro về an toàn sức khoẻ và tính mạng của một người tiêu dùng...
May mắn là anh đã phát hiện ra lỗi sản phẩm.
“Có lẽ vụ xử này sẽ còn kéo dài, sẽ có kháng cáo, sẽ có nhiều dư luận bức xúc...
Vụ việc càng kéo dài thương hiệu Tân Hiệp Phát càng đi xuống, không dừng lại ở mức thiệt hại 2.000 tỷ đồng cho Tân Hiệp Phát, mà còn tệ hại hơn nhiều...” – chuyên gia Quang kết luận.