Đó là lời kể của cựu tù Phú Quốc Phùng Xuân Nghị (SN 1946 ở Hữu Văn, Chương Mỹ, Hà Nội). 17 tuổi đi bộ đội, ông Nghị là lính đặc công thuộc quân khu 5, đóng ở Quảng Ngãi. Lính đặc công thường đi trước mở đường nên gặp nhiều hi sinh, mất mát.
Ông Nghị kể, đêm giao thừa năm 1968, đơn vị nhận nhiệm vụ tấn công vào một căn cứ của Mỹ ở Quảng Ngãi. Gần giữa đêm, đặc công cắt hàng rào dây thép gai, đợi lệnh xông vào. “Theo lệnh cấp trên, đúng giao thừa năm Mậu Thân là chúng tôi nổ súng. Sau khi cắt hàng rào, mở lối vào, chúng tôi nằm đợi tới giờ nổ súng mà lòng nôn nao lắm. Cảm giác nhớ Tết ở quê, cảm giác hồi hộp khi tấn công địch cứ lẫn lộn”.
Ngay đêm ấy, ông Nghị trúng một viên đạn xuyên từ bả vai xuống giữa lưng, tới khi tỉnh dậy thì ông biết mình bị bắt. “Chúng chuyển tôi ở nhiều nhà tù khác nhau. Từ Đà Nẵng rồi ra Biên Hòa, tới năm 1971 thì chúng đày ra Phú Quốc. Nhưng vì tôi là thương binh, thuộc loại tù binh nan y tàn phế nên chúng thường xuyên mang đi mang lại. Trong 3 năm, chúng tôi được đưa ra Phú Quốc rồi lại đưa về tới 3 lần”.
Ông Nghị kể, những người tù bị thương như ông được nhốt riêng ở một khu vì thường hay đấu tranh, phản đối những chính sách của địch.
Từ năm 1971 đến năm 1973, ông và khoảng 600 người khác bị giam ở khu D9 Phú Quốc. Địch đã đưa cả khu D9 ra một đảo hoang, chưa có người ở bao giờ. Nhà nền xi măng, xung quanh cỏ vẫn mọc um tùm. Vì mới xây trên đảo hoang nên giếng nước cũng không có. 600 tù nhân mỗi ngày chỉ được chở cho vài phi nước.
“Lúc chúng tôi mới ra, địch còn phát áo có tẩm hóa chất, gây ngứa rất khó chịu. Hễ đấu tranh là chúng đánh. Chúng thường lấy thang giường vẫn nguyên 4 cạnh vuông sắc để đánh. Những anh em khỏe bị bắt đi lao động phục vụ mục đích quân sự mà phản đối thì bị đánh tới rũ xương.
Từ rũ xương ấy đúng lắm. Chúng đánh mềm nhũn ra, không tự đi được phải 3 – 5 người túm tụm dìu nhau về. Tôi còn nhớ chị Thược ở Quảng Trị, bị nó đánh 4 lần gãy xương. Hay như anh Sang, chỉ bị một vết thương ở bàn chân mà cuối cùng phải tháo khớp tới háng”.
Ông Nghị nhớ lại, trước tình hình anh em thương binh bị tù đày hay bị đánh đập, quần áo bị ngâm tẩm hóa chất, lương thực bị cắt xén, cấp ủy nhà lao D9 đã lên kế hoạch tuyệt thực để đấu tranh. Nhưng tới ngày thứ 6, cấp ủy thấy những anh em thương binh, sức khỏe yếu không thể chịu đựng được nhịn ăn quá lâu ngày nên quyết định phải đấu tranh cao hơn nữa.
Ông Nghị khi ấy làm bí thư một phân đoàn nhà lao, bản thân bị thương, teo một tay phải nhưng vẫn kiên quyết nhận nhiệm vụ
Sau khi có người tù tự
Trước thái độ kiên quyết đấu tranh của chiến sĩ cách mạng, địch đã phải chịu nhượng bộ. Buổi chiều hôm ấy, địch đã gọi những người đại diện ra thỏa hiệp các yêu sách.
Ngày 26/3/1973, ông Nghị cùng 150 anh em thương binh bị bắt tù đày ở Phú Quốc được trả tự do trên muột chuyến bay vào đất liền. Sau đó, chúng đưa các chiến sĩ ra bờ sông Thạch Hãn. “Ra tới bờ sông Thạch Hãn nhưng chúng tôi vẫn nhất quyết không xuống chiếc tàu có cắm cờ ngụy, bắt họ phải thay cờ rồi mới đi. Nhìn thấy anh em mình bên kia bờ, chúng tôi nhảy luôn xuống sông, định tự bơi vào.
Nhưng vì trên tàu có nhiều thương binh nặng nên cán bộ mình hô nhảy xuống vớt thương binh lên. Khi vào bờ rồi, chúng tôi chỉ ôm lấy đồng đội mình vừa cười, vừa khóc” – ông Nghị vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại ngày tự do bên dòng sông lịch sử.