Điều đó luôn đau đáu trong lòng khiến ông Thận ròng rã mười mấy năm trường ôm đơn đi kêu oan cho người dưng...
Không thể nào quên được!
Căn nhà nhỏ của ông Nguyễn Thận nằm cách quốc lộ 1 chừng 200m, thuộc địa phận xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Đã nhiều năm nay, ngôi nhà này là nơi lui tới của những người dân trong xã, trong số đó không ít người là học trò của ông.
Trong căn nhà nhỏ ấy có một bộ bàn ghế đã bạc hết màu sơn, bong tróc và nhiều chỗ trơ ra màu xám của gỗ.
Ở cái bàn này là nơi ông Thận hì hụi viết từng lá đơn, phân tích từng tình huống pháp lý liên quan đến hai vụ án rúng động xảy ra trên địa bàn chỉ nhằm để minh oan cho một gia đình mà ông tin rằng bị oan.
Hồ sơ đầu tiên cho rằng chị Nguyễn Thị Nhung chủ mưu giết nạn nhân Dương Thị Mỹ (thôn 2, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân) vì ghen tuông, khi phát hiện lá thư hẹn hò của nạn nhân Mỹ và ông Sáng (chồng chị Nhung).
Nhung và cả gia đình bị bắt từ lời khai của Huỳnh Văn Nén, em rể chị Nhung, khi ấy được xác định là nghi can sát hại bà Lê Thị Bông (năm năm sau khi xảy ra vụ án vườn điều).
Ông Nguyễn Thận kể rằng sau khi bị bắt và bị giam, chị Nhung được phát hiện ung thư nên chuyển qua bệnh viện ung bướu.
“Khi ấy, tôi và gia đình lên bệnh viện thăm Nhung, cô ấy phải truyền hóa chất nên rụng sạch tóc, đó là những tháng ngày đau đớn của một người bệnh tật lại còn mang trong mình nỗi oan khuất ngút trời.
Trước lúc lâm chung, Nhung cầm lấy tay tôi mà dặn rằng: “Thầy hãy minh oan cho con”.
Hình ảnh người phụ nữ bệnh tật, kiệt sức gần đất xa trời với nỗi uất hận nghẹn lòng ấy khiến đến giờ tôi vẫn không thể nào quên được”.
Người đàn ông nhỏ bé, gầy gò Nguyễn Thận ngồi lọt thỏm trong chiếc ghế bạc màu sơn, dưới hiên căn nhà nhỏ ngậm ngùi kể về cơ duyên ông từ một người dưng trở thành người lặn lội đêm ngày, đi từ Nam ra Bắc kêu oan cho một gia đình có đến ba thế hệ bị bắt giam oan khuất về một tội mà họ không hề thực hiện.
Trước khi được chuyển sang làm công tác chính quyền, công tác Đảng ở xã Tân Minh, ông Thận từng là một nhà giáo:
“Khi chuyển công tác, tôi đang làm hiệu phó của trường, chẳng thể nhớ nổi mình đã dạy bao nhiêu em học sinh, cũng chẳng nhớ những ai đã gọi mình bằng thầy. Có những người tôi dạy học chỉ một năm rồi đến con cái họ cũng đều gọi tôi là thầy”.
Ông Thận nói còn nhớ như in hình ảnh của chị Nguyễn Thị Nhung khi ông vào bệnh viện thăm:
“Khi xảy ra vụ án vườn điều, chồng của chị Nhung đã bị triệu tập vì nghi có liên quan đến vụ án, nhưng sau đó không có bằng chứng gì để kết tội nên cơ quan điều tra phải thả ra, rồi vụ án được đình chỉ.
Điều tôi ngạc nhiên là khi vụ án giết bà Lê Thị Bông, công an triệu tập Huỳnh Văn Nén, từ lời khai của Nén, chị Nhung là chị vợ cùng hàng loạt người trong gia đình bị bắt dù vụ án vườn điều chưa có quyết định phục hồi điều tra”.
Có chết cũng phải chết cho thanh sạch
Từ một gia đình có của ăn của để, vì phải hầu tra, bị bắt và khởi tố, truy tố, hơn hai năm ròng chị Nhung không được gặp người thân và gia đình.
“Khi gia đình và tôi biết chuyện thì Nhung đã bệnh nặng lắm rồi. Lần nào gặp tôi, Nhung cũng nói con bị oan thầy ơi, cả gia đình con bị oan thầy ơi.
Vậy nên Nhung dặn dò chồng và con, những người thân bên cạnh, dù có phải bán hết tài sản trong nhà cũng phải làm sao trả lại sự trong sạch cho Nhung và gia đình, nếu không Nhung nhắm mắt không thể siêu thoát” - ông Thận kể.
Và những ngày cuối đời của chị Nhung không có những người thân bên cạnh, chỉ còn đứa con trai nhỏ chăm sóc. Ấy là những ngày cay đắng.
“Điều ngạc nhiên là trước người ta kết tội Nhung là chủ mưu trong vụ án giết bà Mỹ vì ghen tuông, nhưng sau khi Nhung bị bệnh thì chuyển tội danh sang cho mẹ ruột Nhung là người chủ mưu” - ông Thận nói.
Bệnh tật, nỗi oan khuất đã khiến chị không thể có một buổi ngủ ngon, không thể có một phút yên lòng trước việc hàng loạt người thân bị giam cầm, điều tra.
“Tôi nhớ mãi hình ảnh Nhung rụng hết tóc, người bị phù thũng, không thể cất bước được. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt đều phải nhờ con giúp đỡ. Khi tôi đến thăm, Nhung gần như sức tàn lực kiệt.
Nhưng trong mỗi câu Nhung kể về những ngày bị giam giữ để điều tra, truy tố là mỗi một ngày đắng cay. Vậy nên chị nói với tôi dù có chết cũng phải chết cho thanh sạch, chị cũng chờ ngày ra tòa để nói lên nỗi oan khiên của mình.
Nhưng Nhung đã không chờ được đến phiên tòa xét xử chính mình và đại gia đình ba thế hệ là những người hiền lành, làm ăn chăm chỉ ở địa phương” - ông Thận ngậm ngùi kể lại.
Và chính từ sự nghi ngờ của bản thân với những tình tiết của vụ án, ông Thận quyết tâm tìm hiểu để rồi tự buộc mình vào một trách nhiệm kéo dài đằng đẵng, đến bản thân ông cũng không thể nghĩ rằng trách nhiệm ấy bám lấy ông cả chục năm sau.
Khi cầm tay người đàn bà tuyệt vọng trước lúc lâm chung, ông Thận đã tự hứa rằng sẽ đi tìm công lý cho người phụ nữ này.
“Khi vụ án vườn điều xảy ra, tôi là một trong những người đầu tiên đến hiện trường, tôi cũng tham gia bảo vệ hiện trường và chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, cũng chính tay tôi là người đã tắm rửa cho bà Mỹ rồi đưa bà đi an táng.
Khi khám nghiệm, tôi cảm giác đó không phải là hiện trường vụ án, bởi nạn nhân bị chém mà quần áo không dính một vết máu, xung quanh hiện trường cũng không có dấu tích của việc xảy ra án mạng.
Hơn nữa, gia đình bà Nguyễn Thị Lâm (mẹ ruột chị Nhung) là gia đình hiền lành, là người cùng địa phương, ai thế nào tôi đều biết cả” - ông giáo già tâm sự.