10h sáng 9.9, một nam nhân viên Siêu thị Pico (Hà Nội) với đồ đạc lỉnh kỉnh trên xe, đứng ngơ ngác trước tòa nhà A6A, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) hỏi đường.
Theo chỉ dẫn của bà bán nước, anh này phải quay xe lại theo hướng vừa đi qua. Nhưng qua 3 tòa nhà tiếp theo, rẽ trái, anh vẫn phải dừng xe tiếp để hỏi người dân.
Loanh quanh khu đô thị theo chỉ dẫn của 3 người khác, nhân viên này vẫn không tìm được địa chỉ mình cần đến. Đứng lơ ngơ giữa ngã tư, không biết đi về hướng nào, anh đành rẽ vào quán nước gọi điện cho khách hàng.
Nhân viên Siêu thị Pico đang gọi điện thoại để khách hàng chỉ đường.
Chép miệng bấm điện thoại gọi, cuối cùng anh đành ngồi uống nước chờ khách hàng đến đón.
“Tôi có khách hàng yêu cầu đến lắp máy điều hòa, nhưng tìm mãi tòa nhà ở đây mà không thấy.
Hỏi dân thì người này chỉ đi ra đường Nguyễn Chánh, người kia nói đi theo đường Mạc Thái Tông, còn khách hàng nói ở phía sau tòa nhà Keangnam…
Loanh quanh gần 30 phút vẫn không thấy địa chỉ đâu, giờ tôi đành ngồi chờ khách hàng đến đón”, nam nhân viên này "tố khổ".
Cũng không tìm được đường như người đàn ông trên, anh Quân (quận Hà Đông, Hà Nội) phải dựng xe ở ngã tư chờ bạn đến đón.
Anh Quân cho biết, anh đã tìm địa chỉ theo hướng dẫn của một số người dân, nhưng mãi không thấy.
Sau đó, anh bật mạng 3G lên để định vị vị trí mình đang đứng để tìm, nhưng chỉ dẫn trên mạng chỉ có tên những con đường khó hiểu như LS, AR, ARV…
“Thôi, đành đứng đây chờ bạn đến đón cho nhanh. Lòng vòng mãi ở khu bé tẹo này mà không tìm được, thấy bực mình quá!”, anh Quân thở dài.
Anh Quân phải đứng ở ngã tư để chờ bạn đến đón vì không tìm được đường.
Bà chủ quán nước tên Hoa (56 tuổi, sống ở tòa nhà A6A, Khu đô thị Nam Trung Yên) cho biết, việc người dân không tìm được đường cần đến ở đây là "chuyện cơm bữa". Bởi, khu vực này từ nhiều năm nay vẫn chưa được đặt tên.
“Năm 2014, một số con đường ở đây được gắn biển với những cái tên lạ như: LS1, LS2, CD1, CD2, AR1, ARG… Sau một thời gian ngắn lại thấy dỡ đi. Đến nay, những con đường này vẫn chưa có tên”, bà Hoa nói.
Người phụ nữ này than phiền rằng, nhiều lần người thân, bạn bè đến chơi, nhưng bà không biết chỉ đường cho họ thế nào.
Vì "nhà không số, phố không tên" nên bà thường lấy tên một số địa chỉ "nổi tiếng" để định vị, như "sau Keangnam", "gần Big C", "gần chợ Nam Trung Yên"…, rồi đến những vị trí này để đón họ.
Đại diện phường Trung Hòa (Cầu Giấy) cho biết, mới đây địa phương cũng đã đề xuất đặt tên cho một số tuyến đường ở đây.
“Ngoài đường Nguyễn Chánh, mới đây có thêm hai con đường đã được đặt tên là Mạc Thái Tông và Mạc Thái Tổ.
Trước đây, một số tuyến đường nhỏ có những cái tên lạ như LS, SP, AR… là do Ban quản lý dự án tự lắp đặt, nhưng sau đó cũng đã phải gỡ bỏ vì không mang ý nghĩa văn hóa.
Còn nhiều tuyến đường nhỏ khác trong khu vực, chúng tôi sẽ nghiên cứu và gửi đề nghị đặt tên đường”, vị đại diện này nói.
Cây cột này trước đây được gắn biển với cái tên LS1, giờ biển đó đã bị gỡ bỏ và đến nay vẫn chưa có tên.
Về quy trình đặt tên đường, ông Phan Đăng Long (Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Hội đồng tư vấn đặt tên Hà Nội) cho biết, việc đặt tên phố phải đúng quy trình.
Trước tiên cần có đề xuất của địa phương. Theo đó, Sở VHTTDL sẽ xem xét trong ngân hàng dữ liệu theo thứ tự ưu tiên: Tên gọi cũ, địa danh, di tích lịch sử, danh nhân…
Tiếp theo sẽ có liên ngành cơ quan chức năng gồm Sở GTVT, Sở VHTTDL, Sở Xây dựng, các ban, ngành của thành phố... khảo sát xem đặt tên phố hay đường. Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Hội đồng tư vấn sẽ xem xét lại và lấy ý kiến của người dân.
Bước cuối cùng, cần thông qua cuộc họp HĐND và ký quyết định.
“Trước đây, mỗi năm HĐND họp sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài của các tuyến đường một lần.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do tốc độ mở đường mới ngày càng nhiều, vì vậy sẽ có 2 lần họp biểu quyết vào tháng 6 và tháng 12 về đặt, đổi tên đường, phố”, ông Long nói.
Vậy, để đúng quy trình, chưa biết đến bao giờ khu đô thị vừa kể trên mới thoát cảnh “nhà không số, phố không tên”(?!).