Theo thông tin trên tờ Zing, rắn bay (Chrysopelea paradisi) là loài rắn sống trên cây, có thể bay từ cây này tới cây khác. Chúng thường phân bố ở Đông Nam Á (lục địa Việt Nam và Lào), Ấn Độ và Sri Lanka...
Một nhà khoa học nghiên cứu hành vi bay của rắn bay cho biết, cơ thể của chúng dẹt đến mức tối đa, đồng thời uốn lượn như khi bò trên mặt đất.
Loài rắn này còn có tên gọi là rắn cây thiên đường, rắn bay thiên đường.
"Chúng có thể cuộn chặt nửa thân mình ở phía đuôi rồi đột nhiên duỗi thẳng ra tạo một sức bật để phóng vào không trung như bay. Chúng có thể bay từ cây này sang cây kia với khoảng cách đến 24 mét" - tờ Dân Việt viết.
Tờ Nông nghiệp Việt Nam thông tin, rắn bay có mặt ở hầu hết các tỉnh nước ta, từ miền Nam ra tới miền Bắc, từ rừng sác ven biển đến các rừng già Tây Nguyên.
"Loài rắn thiên đường Chrysopelea paradisi và các phụ loài của nó khá đồng nhất với chiều dài thân trong khoảng 120cm.
Bộ da màu xanh lục nổi trên lưng một dải những hình đài hoa kết bằng các vảy màu đỏ, màu cam và màu vàng" - tờ này viết.
Rắn bay. (Ảnh: nationalgeographic.com)
Báo giới trong nước đưa tin, nhà sinh học của Đại học Virginia (Mỹ) tên Jake Socha đã nghiên cứu về hành vi bay của rắn trong nhiều năm.
Theo đó, nghiên cứu cho thấy cơ thể của rắn khi bay nghiêng khoảng 25 độ so với luồng không khí.
Ngoài ra, nửa trước thân rắn hầu như không cử động mà uốn lượn sang hai bên, đuôi rắn di chuyển lên xuống.
Trên thế giới, một nhóm nghiên cứu đã sử dụng máy tính để tạo cơ thể rắn bay, ứng dụng mô phỏng này vào thủy động lực học. Đây là thông tin được đưa trên tạp chí Gizmag.
(Tổng hợp)