Loại cá nặng tới 20kg, nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á sống ở VN

B. Bình |

Cá sọc dưa là loài cá nổi tiếng khắp vùng Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cá chỉ còn nhiều ở dòng Sêrêpôk - Tây Nguyên.

Theo miêu tả trên tờ Thế giới tiếp thị, cá sọc dưa (hay còn gọi là cá trà sóc) có tên tiếng Anh là Jullien’s Golden Carp, họ với cá chép, miệng vàng.

Hồi xưa, cá dập dìu ở các sông Mekong, Irrawaddy, Chao Phraya, Meklong, Prahang và hạ lưu sông Perak. Bây giờ đập thuỷ điện dày đặc trên dòng Mekong cộng với sự đánh bắt tận diệt đã tiễn loài cá nguồn tự nhiên này vào sách đỏ.

Ở Việt Nam, cá chỉ còn nhiều ở dòng Sêrêpôk.

 Sọc dưa là loại cá đặc biệt quý hiếm của Tây Nguyên. Ảnh: Thế giới tiếp thị

Theo lời kể của số ít ngư dân hiếm hoi bắt được cá trà sóc trên báo Tiền Giang, loài cá này có hình dáng tương tự cá chép, có vảy to.

Thân cá thon, dài, hơi dẹp, chuyển màu từ nâu sang đỏ, điểm từ 6-8 sọc nâu sẫm được tạo ra bởi những chấm đen ở trên các vảy cá, kéo dài từ đầu đến đuôi (vì vậy mà còn có tên sọc dưa).

Đuôi và vây cá màu đỏ, mõm cá tròn có hai đôi râu, râu hàm dài bằng đường kính mắt, râu mõm và môi rất nhỏ. Vây đuôi xám nhạt, các vây khác màu hồng nhạt.

Con lớn nhất trọng lượng 20 kg/con, thịt thơm ngon và giá bán cao hơn cả cá hô.

Loài cá này sống lang bạt kỳ hồ tuỳ theo mùa. Mưa sống ở nước sâu, nắng sống ở nước cạn để sinh sản. Chúng là loài cá hiền, ăn rong rêu, tảo.

Khi rời nước, sọc dưa sẽ rất mau chết.

Một số người được thưởng thức cá cho rằng cá sọc dưa thịt ngon không thua gì cá anh vũ (cá tiến vua), mà hình dáng cá sọc dưa còn đẹp và "quý phái" hơn nhiều. 

Giữa những lớp thịt có lẫn những “dây” mỡ làm cho dễ liên tưởng đến thịt bò Kobe.

Miếng cá có một độ dòn và dai nhất định, dẫu rằng dòn và dai khó mà đi đôi với nhau. Lại ngọt thịt không thua cá biển.

Ở Lào và Thái Lan, có cả một nghề nuôi cá sọc dưa. Tại những nơi cá vào đẻ họ dùng lưới vây lại thành chuồng và cho chúng ăn để thu hoạch cá lớn hơn. Cách nuôi cá này làm cho cá ít đẻ và lượng cá ngày càng ít đi.

Ở Việt Nam, từ năm 1992, Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ đã bắt đầu thực hiện chương trình “bảo tồn lưu giữ nguồn gen các loại thủy sản nước ngọt” quý hiếm và có giá trị kinh tế cao.

Đến năm 2005, cá trà sóc được bổ sung vào danh mục lưu giữ.

Cá trà sóc đang được thuần dưỡng ở Trung tâm Giống thủy sản nước ngọt Nam Bộ. Ảnh: Quân đội nhân dân

Thạc sĩ Thi Thanh Vinh cho biết trên báo Quân đội nhân dân, loài cá sọc dưa thường xuất hiện nhiều ở đầu nguồn sông Tiền và ngã ba Vàm Nao (An Giang). Tuy nhiên, ở ngoài môi trường tự nhiên, loài cá này bị đánh bắt gần như tận diệt.

Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại