Cá leo là loại da trơn trong họ cá nheo, sống trong các sông hồ nước lớn, phân bố chủ yếu tại châu Á từ Pakistan đến Việt Nam.
Đây là loài cá ăn thịt lớn có thể dài hơn 2m khi trưởng thành. Chúng chậm chạp và kiếm ăn tại tầng bùn đáy.
Ở Việt Nam, cá leo tự nhiên còn rất ít trong lưu vực sông Mê Kông, được xếp vào loài cá quý hiếm, cần được bảo tồn.
Hiện, loài cá quý này đã được nhân giống thành công tại Trung tâm giống thủy sản An Giang, tạo thêm cho dân nghề mới: Nuôi cá leo thương phẩm trong ao và trong lồng, bè.
Do là món ăn rất được thực khác ưa chuộng nên theo các chủ nhà hàng, loại cá này nhập về bao nhiêu cũng hết, ai muốn ăn thì phải dặn trước.
Mới đây, đại diện một hệ thống nhà hàng tại Q.4 và Q.7 (TP.HCM) tiết lộ đã thu mua được một con cá leo "khủng" có trọng lượng đến 65kg, dài 1,7m của một thương lái từ tỉnh Đồng Tháp chuyển lên.
Được biết, để đưa được con cá leo "khủng" lên bờ, ngư dân này đã phải nhờ đến sự giúp sức của chục người.
Vào giữa năm ngoái, một “vựa cá đặc sản nước ngọt” tại đường Nguyễn Khuyến, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cũng đã mua được 4 con cá leo quý hiếm từ nhóm ngư dân chuyên đánh lưới ở cửa sông thường có nhiều “cá khủng”.
Anh này cho biết, 4 con cá nặng hơn một tạ rưỡi, giá bán ra là 450.000đ/kg, dùng làm lẩu hoặc nấu cháo “tăng cường sinh lực”.
Tiến sĩ Phan Đinh Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy sản Miền Trung cho biết trên tờ Tiền phong : Các chuyên viên nghiên cứu của Trung tâm chưa thấy cá leo lớn thế này bao giờ.
Hiện, các dự án nhân giống loài cá quý trên sông Sêrêpôk vẫn “dẫm chân tại chỗ” vì kinh phí hoạt động quá hạn hẹp.
Sở dĩ cá leo hút khách như vậy bởi độ thơm ngon và bổ dưỡng.
Theo miêu tả trên báo An Giang, thịt cá leo săn chắc, rất thơm ngon nên được các bà nội trợ chế biến thành nhiều món ngon độc đáo như cá leo chiên tươi, ướp muối chiên, kho, nướng, nấu canh chua…
Một trong những món ngon độc đáo mà các nhà hàng thường chế biến phục vụ cho du khách hiện nay là cá leo nướng muối ớt.
Muốn chế biến món này trước hết chúng ta chọn mua những con còn tươi sống đem về làm sạch nhớt bằng cách rửa nước ấm hoặc nước muối, móc bỏ mang, ruột, cắt bỏ vây, để cho ráo nước.
Sau đó đem cá ướp với tỏi, ớt, chút bột nêm và bột ngọt cho thấm đều trước khi đem nướng trên bếp than hồng hoặc bếp điện.
Trong khi nướng, chúng ta nên trở cá thường xuyên, xát thêm muối ớt và dầu ăn nhiều lần cho đến khi da cá chuyển màu, mỡ cháy xèo xèo, bốc mùi thơm lựng là cá đã chín.
Đặc biệt cá leo da mỏng, thịt mau chín nên khi nướng cần tránh cháy khét mất ngon. Nước chấm thích hợp nhất với món cá nướng là nước mắm chua cay hoặc muối ớt vắt chanh.
Món này có thể ăn chung với bún hoặc cuốn bánh tráng kèm thêm các loại rau , xà lách, dưa leo, chuối chát, khế...
Có thể coi đây là món ngon đặc sản, thịt cá lại lành, bổ dưỡng và ăn ít ngán nên mọi người đều ưa thích.
Ngoài ra, theo kinh nghiệm của một lão ngư cho biết, loài cá leo có đặc tính rất kỳ lạ, mỗi khi chúng “bắt cặp” là leo nơi khe cạn hoặc leo lên ruộng nước đùa giỡn.
Những đêm trăng sáng, cá leo tưng bừng giỡn nước. Có người cho rằng cá leo mùa sinh sản là món ăn rất bổ dưỡng của đấng mày râu.
Dân nhậu thích tìm loài cá này về chế biến các món ăn vừa ngon, vừa giữ vững phong độ đàn ông.
Tổng hợp