Trong khi phương án xử lý 7.000 lít dầu chứa PCB - một loại chất độc hại không thể phân hủy - chưa có thì qua kiểm tra cho thấy ở Quảng Ninh hiện có nhiều máy biến thế chứa dầu nhiễm chất độc hại này.
Độc chất trong máy cũ, lạc hậu
Theo Tổng cục Môi trường, trên lưới điện của tỉnh Quảng Ninh còn trên 100 máy biến thế được sản xuất từ trước năm 2001. Trong số các thiết bị đã triển khai lấy mẫu phân tích có 12 máy biến thế đã qua sử dụng chứa dầu nhiễm PCB có hàm lượng vượt tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, còn một thiết bị truyền tải điện trung gian tại huyện Hoành Bồ trong quá trình bảo dưỡng đã phát hiện bị nhiễm PCB với nồng độ 84 ppm (ngưỡng cho phép theo Quy chuẩn Việt Nam là 50 ppm).
Chưa hết, tỉnh này còn có một số lượng không nhỏ máy biến thế phục vụ cho hoạt động sản xuất, khai thác than được sản xuất trước năm 1995 tiềm ẩn nguy cơ chứa PCB cao. Hiện vẫn chưa có chương trình kiểm tra, đánh giá chi tiết số lượng thiết bị nói trên.
Sẽ tốn vài tỉ đồng
Liên quan đến việc xử lý 7.000 lít dầu nhiễm PCB, trao đổi với phóng viên chiều 21-8, ông Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cửu Long, xác nhận chi phí xử lý số hóa chất này được Công ty Xi măng Holcim ở Kiên Giang (đơn vị duy nhất hiện nay được cấp phép xử lý PCB - PV) đưa ra là 1 tỉ đồng. Ngoài chi phí này, công đoạn vận chuyển lô dầu từ cảng Cái Lân về Kiên Giang ước tính cũng tốn thêm khoảng 1 tỉ đồng nữa.
Trong khi đó, theo một nguồn tin, Tổng cục Môi trường đang giới thiệu với Công ty Cửu Long một đơn vị khác có thể xử lý tiêu hủy lô dầu chứa chất độc này là Công ty Xi măng Thành Công ở tỉnh Hải Dương. Có khả năng công ty này trong vài tháng tới sẽ được cấp phép xử lý hóa chất độc hại PCB. Và như vậy, số hóa chất này chỉ phải đưa đến Hải Dương thay vì tận Kiên Giang. “Quá trình vận chuyển số chất thải độc hại này được rút ngắn sẽ bảo đảm an toàn hơn, chi phí cũng thấp hơn” - nguồn tin này cho biết.
Sau khi nhận được thông tin từ chối tiếp nhận lô dầu chứa chất độc hại của UBND tỉnh Hải Phòng, trước mắt, Công ty Cửu Long đã đề xuất tạm thời đưa số chất thải được đựng trong 2 container rời xa khu vực cảng để tránh nguy cơ tràn xuống vịnh Hạ Long. Địa điểm lưu giữ do phía tỉnh Quảng Ninh chỉ định và doanh nghiệp sẽ phải chịu tiền thuê kho bãi.
Thiếu cơ chế
Theo một vị chuyên gia là thành viên Dự án quản lý PCB tại Việt Nam, việc pha chất độc hại PCB vào dầu biến thế là nhằm tăng khả năng chống cháy nổ cho máy biến thế. Trước năm 1970, PCB được dùng khá phổ biến trên toàn thế giới nhưng sau đó bị hạn chế dần. “PCB cũng giống câu chuyện amiăng, trước kia được dùng nhưng theo sự phát triển của các quốc gia thì dần dần bị cấm vì độc hại. Đối với PCB, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng như Công ước Stockholm thì từ năm 1970, một số quốc gia đã loại chất này khỏi các dây chuyền công nghiệp. Ở Việt Nam, trước năm 1995, chất này vẫn sử dụng vô tư, sau thời điểm này thì bắt đầu cảnh báo về nguy cơ” - vị này cho biết.
Cũng theo vị này, hiện nay ở Việt Nam vẫn còn không ít thiết bị có chứa PCB, các cơ quan quản lý đã tiến hành giai đoạn 1 dự án xử lý là thu gom, lấy mẫu và đang triển khai giai đoạn 2 là đề xuất với Ngân hàng Thế giới hỗ trợ giải pháp công nghệ vì nguồn lực trong nước không đáp ứng được.
Với lô dầu 7.000 lít nói trên, thực tế là hiện nay vẫn chưa có văn bản chính thức hướng dẫn việc nhận diện, xác định và quản lý PCB. Theo ông Hoàng Danh Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Ninh, bất cập lớn nhất là vẫn chưa có cơ chế, quy định pháp lý cụ thể cho việc lưu giữ, vận chuyển và tiêu hủy chất thải chứa PCB, nhất là chính sách hỗ trợ về tài chính cho các địa phương.
Trong khi đó, theo kết quả kiểm tra, phân tích của Bộ TN-MT, nồng độ PCB trong máy biến thế và lô dầu là 84 ppm, vượt qua ngưỡng cho phép là 50 ppm. Với nồng độ PCB là 84 ppm như trên tuy không gây độc cấp tính nhưng có thể gây rủi ro lâu dài về môi trường do tính tích lũy sinh học và lan truyền theo chuỗi thức ăn. PCB có thể di chuyển hàng ngàn km từ nơi phát thải theo tuần hoàn của không khí và nước nên nếu không may bị rò rỉ thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, con người. Thực tế, theo thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Quảng Ninh cũng cho thấy đã từng có sự cố rò rỉ dầu khi tiến hành đóng gói lô hàng máy biến thế chứa dầu vào container để bảo quản.
Hôm nay (22-8), UBND tỉnh Quảng Ninh có buổi làm việc với đại diện Công ty Cửu Long và Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường để bàn hướng xử lý 7.000 lít dầu chứa PCB đang được lưu giữ tại cảng Cái Lân.