Lá cờ đỏ có một ngôi sao vàng 5 cánh nằm ngay chính giữa lần đầu tiên tung bay trên chiến trường là trong khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau này lá cờ ấy được chọn làm Quốc kỳ của nước CHXHCN Việt Nam. Người vẽ nên lá cờ đó là chiến sĩ cộng sản Nguyễn Hữu Tiến.
Chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi vẽ cờ (tác phẩm của cố nhạc sĩ Văn Cao).
Liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến sinh ngày 5/3/1901 tại làng Lũng Xuyên. Từ nhỏ Nguyễn Hữu Tiến đã sớm giác ngộ cách mạng và tham gia vào các phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp.
Bà Nguyễn Thị Xu trông nom nhà tưởng niệm của cha.
Năm 1930, Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí như Trần Tử Yến, Vũ Văn Uyển đứng ra thành lập Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại làng Lũng Xuyên, theo quyết định của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đây là tổ chức cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo tại Hà Nam, Nguyễn Hữu Tiến được tín nhiệm giữ chức Phó Bí thư phụ trách công tác tuyên truyền.
Hoạt động được một thời gian thì ông bị địch bắt. Sau 2 năm bị tù đày ở Côn Đảo, chịu bao nhiêu khổ cực, được chỉ thị của Đảng bộ Côn Đảo, Nguyễn Hữu Tiến cùng 6 đồng chí khác vượt ngục thoát ra khỏi nhà tù trở về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng. Sau chuyến vượt ngục ấy, Nguyễn Hữu Tiến được Xứ ủy Nam Kỳ giao phụ trách liên tỉnh Đảng bộ Châu Đốc, Long Xuyên, Hà Tiên, Rạch Giá.
Tháng 7/1940, Xứ ủy Nam Kỳ họp mở rộng thông qua đề cương khởi nghĩa, được đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai mô tả lại một số lá Quốc kỳ của các nước. Tại đây chiến sĩ Nguyễn Hữu Tiến đã nung nấu ý định sẽ vẽ lá cờ Tổ quốc nhằm tuyên truyền cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Vào trước khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ (23/11/1940), lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh lần đầu tiên được in trên trang nhật báoTiến Lên.
Bức chân dung liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến cùng những dòng nhắn nhủ trước khi bị địch bắn.
Ngay sau đó, Nguyễn Hữu Tiến đã vẽ lá cờ vào phiến đá và in ra nhiều bản cho chuyển xuống các cơ sở bí mật. Công việc in ấn gần xong thì lính Pháp ập đến bắt giữ.
Sau khi khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, Nguyễn Hữu Tiến bị thực dân Pháp xử bắn vào ngày 28/8/1941. Trước khi ra pháp trường, ông đã để lại lời nhắn tha thiết về lòng yêu nước, căm thù giặc cũng như tinh thần bất khuất, cùng niềm tin vào tương lai.
Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Hữu Tiến.
Để tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Hữu Tiến, năm 1993, Tỉnh ủy - Hội đồng Nhân dân - Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, huyện Duy Tiên đã xây dựng Nhà lưu niệm Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến”.
Theo Dantri.com.vn