Hàng ngày, một buổi đến trường, một buổi các em học sinh bán trú tại xã Mường Lý (Mường Lát) lại phải lên rừng kiếm củi về nấu ăn. Do không có nước nên việc tắm giặt đều phải ra suối. Muốn có nước nấu ăn, các em phải ra khe cách đó hàng cây số, đựng vào can rồi thay phiên nhau xách về.
Thêm vào đó, trong những chiếc lều phên nứa xiêu vẹo kia, không ai có thể bảo đảm sự an toàn cho các em khi có mưa lớn, gió bão hay lũ quét, lũ ống tràn về... Đó là chưa kể đến nguy cơ rắn rết, côn trùng... luôn rình rập.
Em Vi Văn Thời (Bản Sài Khao, học sinh lớp 9 trường THCS Mường Lý) kể: “Có lần, khi ngủ dậy em thấy chân mình đau nhức, không sao mà cử động được. Sau được các bạn, thầy cô đưa sang trạm xá của xã thì mới biết là do bị rết cắn, chứ nếu mà gặp rắn độc cắn thì… chắc có chết cũng không biết”.
Điều khiến thầy Nguyễn Văn Hà – Phó hiệu trưởng trường cùng nhiều thầy cô trường vùng cao xã Mường Lý trăn trở đó là làm sao để quản lý và đảm bảo được sự an toàn cho các em học sinh trong năm học. Trong khi đó, số lều phên tre nứa lá tạm bợ còn nhiều hơn cả khu bán trú.
Để quản lý được hết hơn 50 lều tranh tre nứa lá này, mỗi thầy cô lại phải thay phiên nhau đi kiểm tra, giám sát các em. Tuy nhiên, cái khó ở đây đó là các em đến từ nhiều dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc lại có một phong tục, tập quán sinh hoạt khác nhau, nên việc quản lý gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy Hà trăn trở: “Người Thái có tục ngủ thăm, trên miền núi, con trai con gái ở cái tuổi 13, 14 đã con bồng con bế. Điều này khiến chúng tôi rất lo ngại, một khi học sinh nam mà đã ưng một một học sinh nữ, thì với lều tranh nứa tạm bợ thế này, các em có thể sang “ngủ thăm” mà các thầy cô không thể biết được.
Như vậy hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, bởi nếu khi các em có bầu, lại phải bỏ học và làm mẹ ở cái tuổi “ăn cho no, lo chưa tới”.
Lý giải cho việc này, thầy Hà cho biết: “Đó là phong tục của họ mình không cấm được. Nhưng đã vào nề nếp nhà trường thì chúng tôi cũng đã nhắc nhở các em, thậm chí đưa cả vào trong quy định của nhà trường rồi phổ biến cho các em. Tuy nhiên nó cũng chỉ mang tính chất tuyên truyền là chủ yếu, chứ kiểm soát trên thực tế thì rất khó.
Nhiều hôm đi kiểm tra, thấy học sinh nam nào mà ngủ bên lều nữ là chúng tôi lại phải “xách cổ” lôi về lều dành cho nam. Nhưng chỉ được ngay lúc đó, chứ khi chúng tôi đi thì làm sao đảm bảo được là các em không tái phạm nữa”.
Thầy Hà cũng cho biết, trong năm học 2012 – 2013 vừa qua, ở trường cũng đã xảy ra 3 trường hợp “ngủ thăm” dẫn đến việc 3 học sinh nữ có bầu phải bỏ học. Đó là trường hợp của em Thào Thị Giống (bản Muống 1), Thào Thị Xoa (bản Muống 1) và em Hơ A Sù (bản Muống 2).
Trò chuyện với chúng tôi, thầy Mai Văn Dũng – Hiệu trưởng trường THCS Mường Lý cũng bày tỏ lo lắng: “Mặc dù biết khó có thể kiểm soát hết được hành động của từng em trong lều nhưng do nhà trường không có kinh phí để xây khu bán trú đủ cho tất cả học sinh trong trường, nên đành nhìn các em ở trong những chiếc lều tạm bợ và cố gắng thay phiên nhau quản lý nhằm động viên, nhắc nhở các em. Tuy nhiên cũng vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra như đã nói ở trên”.
Điều đang khiến cho nhiều học sinh cũng như thầy cô trường vùng cao Mường Lý lo ngại đó là hai khu nhà bán trú hiện đang có bị xuống cấp nghiêm trọng.
Thầy Dũng tâm sự: “Bởi nhà trước đây được xây trên nền đất cát, mặt đất không bằng phẳng nên giờ nền đất đá đã lún, có nhiều chỗ đất lở gần sát mép tường nhà. Một khi dãy nhà bán trú đó xuống cấp thì số lều chõng tạm bợ không chỉ dừng lại ở con số 50 lều mà có nguy cơ tăng lên 100 lều.
Để đảm bảo an toàn cũng như tạo mọi điều kiện để các em có một nơi ăn ở, học tập tốt nhất, thì sắp tới nhà trường sẽ cho xây dựng bếp ăn tập thể.
Tuy nó chỉ giải quyết được một trong vô vàn khó khăn mà các em đang phải đối mặt nhưng đó cũng là sự động viên lớn, thể hiện được sự quan tâm từ phía nhà trường đến các em để các em có thêm động lực để học tập và phấn đấu”.
Ông Đinh Công Đại – Chủ tịch UBND xã Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa): Hiện xã Mường Lý có 16 thôn bản, thế nhưng các thôn bản lại nằm rải rác theo sườn đồi, có bản xa nhất cũng cách trung tâm xã đến 20km nên việc đi học của con em người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để con em trong thôn được đến trường đầy đủ, các phụ huynh phải tự dựng lều chõng để con em ở bán trú. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời để các thầy cô giáo có thể “gieo con chữ” cho các em, còn về lâu dài thì chắc không thể để mãi như thế này được.
Cũng muốn xây dựng trường lớp, nhà ở kiên cố để các em được học hành đàng hoàng và an toàn nhưng xã nghèo, làm gì đủ kinh phí. Trước mắt chính quyền địa phương sẽ tận dụng mọi khả năng, cũng như huy động sự ủng hộ giúp đỡ của các quỹ hội để có thể xây thêm các khu bán trú mới cho các em, để các em có nơi ăn ở và học tập được tốt hơn.