>> "Chúng tôi đã dừng chém lợn từ 2 năm nay rồi!"
Theo ông Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, từ cách đây 2 năm, sau khi nhận được nhiều phản hồi của dư luận và Đại sứ Việt Nam tại Châu Âu lúc đó, tỉnh đã chỉ đạo chuyển chém lợn sang hình thức khác phù hợp hơn.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, bà Phan Thị Thùy Trinh, đại diện truyền thông của Tổ chức động vật Châu Á (viết tắt là AA) tại Việt Nam cho rằng, thực tế, trong năm 2014 vẫn diễn ra phần lễ chém lợn tại lễ hội được tổ chức ở đình làng Ném Thượng (Bắc Ninh).
Cùng với đó, bà Trinh cũng cung cấp thêm các hình ảnh cùng một số đoạn video và khẳng định do chính cán bộ của trung tâm thực hiện vào ngày 5/2/2014.
"Những hình ảnh, video về lễ hội chém lợn do Tổ chức động vật Châu Á cung cấp thuộc bản quyền của AA và do chính nhân viên của Tổ chức thực hiện vào ngày 5/2/2014 (?!)" - bà Trinh nhấn mạnh.
Hình ảnh trong lễ hội chém lợn làng Ném Thượng năm 2014 do Tổ chức động vật Châu Á cung cấp.
Dù không có các văn bản cụ thể về thời gian thực hiện đoạn video, nhưng bà Trinh khẳng định: "Đây là danh dự của tổ chức chúng tôi khi đưa ra kiến nghị này. Có còn hiện tượng đó thì chúng tôi mới mong chấm dứt".
Bà Trinh cũng cho hay, phần lễ chém lợn vẫn được tổ chức tại khu vực trung tâm đình làng Ném Thượng, tuy nhiên, các con lợn thay vì bị chém thì chuyển sang cứa cho đứt lìa đầu bằng đao.
Và người dân vẫn có thể thấm tiền vào máu lợn, trước sự chứng kiến của hàng nghìn người và trẻ em.
"Các con lợn bị trói vẫn còn sống, được chuyển vào khu vực làm lễ có che một tấm vải, nhưng hàng trăm người, đặc biệt vẫn có rất nhiều trẻ em chứng kiến cảnh cắt lìa đầu con lợn.
Những người chưa nhúng tiền ở khu vực trung tâm đình làng, thường vào khu vực này để thấm tiền bằng máu lợn, không hề có một sự hạn chế nào.
Đặc biệt, cách làm này càng khiến động vật chịu đau đớn hơn do cái chết bị kéo dài. Nhiều trẻ em tò mò đến chứng kiến và đều tỏ ra sợ hãi" - bà Trinh nói.
Rất đông người dân dùng tiền quệt vào tiết lợn để lấy may trong lễ hội năm 2014 (Ảnh do AA cung cấp).
Đồng thời, bà Trinh cũng nhắc lại kiến nghị cần xoá bỏ phần nghi lễ chém lợn, hoặc thay thế bằng nghi lễ khác nhân văn hơn.
"Trong những ngày vừa qua, sau khi báo chí đưa tin về việc AA phản đối lễ hội, có ý kiến thay thế bằng lễ cúng hoa quả hoặc làm lợn giả. Đó có thể là hướng thay đổi tốt"- bà Trinh cho biết.
Trước các thông tin về hình ảnh và video do AA cung cấp, trao đổi với chúng tôi vào chiều 29/1, ông Lê Đắc Thuật, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Ninh vẫn khẳng định, từ năm 2013, việc chém lợn đã không còn diễn ra tại lễ hội này.
Vị này nhấn mạnh: "Từ cách đây hai năm, UBND tỉnh đã có các văn bản chỉ đạo thành phố, sau đó, thành phố đã xuống làm việc với xã, thôn và không còn việc chém lợn trong lễ hội nữa. Các cụ chỉ mổ lợn trong ngày hội bình thường thôi".
Ông Thuật cũng cho biết, sẽ yêu cầu các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh lại những hình ảnh và đoạn video do AA cung cấp xem có đúng được quay vào dịp lễ hội năm 2014 hay không.