Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng từ năm 2013

daquynh |

Trong kỳ họp đầu năm 2013, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh lãnh đạo như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng...

Sáng 21/11, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội và Hội đồng nhân dân bầu, phê chuẩn với 95,1% phiếu tán thành.

Theo đó, những chức danh lãnh đạo như Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Phó thủ tướng, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước... đều thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng từ năm 2013 1

Các đại biểu Quốc hội đã thông Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm. Ảnh: Hoàng Hà.

Hội đồng nhân dân sẽ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ như Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, uỷ viên thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân.

Theo nghị quyết, lấy phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ để làm cơ sở cho việc xem xét đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Bỏ phiếu tín nhiệm là việc Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ đó để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm.

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu bầu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp". Sau đó, Ban kiểm phiếu công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng người được lấy phiếu tín nhiệm.

3 mức đánh giá này được đa số các đại biểu tán thành nên đã được nghị quyết, thay cho nội dung đã được dự thảo là 4 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm trung bình”, “tín nhiệm thấp” và “ý kiến khác”.

Người có quá nửa số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm với chức danh này.

Các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm có thể do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội hoặc đề nghị với chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, hoặc có kiến nghị bằng văn bản của ít nhất 20% tổng số đại biểu Quốc hội; có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Tại các buổi thảo luận, nhiều đại biểu bày tỏ Nghị quyết lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm là cần thiết, để đảm bảo công khai, công bằng, dân chủ, khách quan trong bộ máy lãnh đạo. Tuy nhiên, không ít đại biểu lo ngại sẽ có những cán bộ làm viêc hiệu quả không cao, tránh va chạm.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm "là chuyện lớn của Đảng, Nhà nước". Mục đích của việc này nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, HĐND; qua đó giúp cho người được lấy phiếu, bỏ phiếu thấy được trách nhiệm để phấn đấu, rèn luyện và nâng cao hiệu quả công tác.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ tháng 2/2013.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại