Lao động chui ở Nga (kỳ 5): Trắng tay về nước vẫn còn là may

Xương Cá |

(Soha.vn) - Cuộc sống của những lao động chui ở Nga thực sự là không đáng để mạo hiểm như vậy.

Lên voi…

Tôi lại lang thang ra chợ tìm việc và gặp lại chị Liên là người quen cũ bán hàng ở chợ Lưu. Thấy tôi đang không có việc làm nên chị rủ tôi chung mở xưởng may vì ít nhiều tôi cũng đã có kinh nghiệm quản lý một xưởng may đen là như thế nào rồi, cộng thêm với việc đã có quen với nhiều thợ may bên này.

Với sự giúp đỡ về tiền bạc của gia đình tôi đã cùng chị Liên mở được xưởng may bên này. Sau hơn 1 tháng chuẩn bị xưởng may cũng được thành lập. Những ngày đầu thật là vất vả, việc gì cũng đến tay.

Xưởng tôi ban đầu chỉ có được chục cái máy may các loại với diện tích gần 50m2 ở trên tầng 3 thuộc khu 5 tầng của ốp Hùng Yến. Tôi phải thuê thêm 1 phòng nhỏ kê được 4 cái giường 2 tầng làm nơi nghỉ ngơi cho anh em công nhân.

Mặc dù chật chội nhưng bên ngoài không khí có phần thoải mái hơn. Ở ốp không khoá cửa nhốt công nhân mà công nhân được tự do thoải mái đi lại hơn.

Tôi gọi được một số anh em về làm và cảm thấy hạnh phúc vì ít nhiều tôi cũng đã làm được việc gì đó cho anh em. Anh em về làm với tôi được đi lại thoải mái, thỉnh thoảng ra chợ mua bán và được sống tự do hơn rất nhiều so với những lúc làm ở ốp khác.

Hàng ngày tôi đưa hàng đã may chợ vào lúc 7h sáng. Chiều đi chợ mua hàng khô, mua vải về cắt cho anh em may. Đến tối lại cùng anh em đóng hàng đôi khi đến 5, 6 giờ sáng. Thời gian nghỉ ngơi của tôi chủ yếu trên xe ôtô lúc đưa hàng ra ngoài chợ.

Vậy mà tôi rất vui mừng, không cảm thấy mệt mỏi vì nghĩ mình đã bước nào trưởng thành làm được việc có ích, tự lập với bản thân và nghĩ là từ nay bố mẹ cũng không phải lo lắng cho mình nữa.

Tưởng mọi việc đã đi lên với tôi. Ai ngờ...
Tưởng mọi việc đã đi lên với tôi. Ai ngờ...

 

Xuống chó

Công việc dần dần phát triển, tôi đầu tư thêm 4 máy may nữa và càng tích cực làm việc hơn. Nhưng có ai ngờ đâu, đang lúc làm ăn tốt thì công an ập vào. Chúng tôi lại khăn gói chạy mất 1 tuần vào rừng trốn. Và chuyện này mở màn cho một loạt những xui xẻo của tôi.

Đến đầu tháng 6 thời tiết thay đổi đột ngột từ đang nóng ấm chuyển sang mưa gió và rét, chợ búa lại đuội kinh khủng, hầu hết các xưởng làm hàng hè ra mà không tiêu thụ được và tôi cũng vậy.

Tôi và chị Liên lại bộc lộ quan điểm không đồng nhất về hàng hoá làm ra. Số tiền mua vải chịu do không có vốn cộng với tiền mặt bằng, tiền ăn ở cho anh em công nhân khiến tôi thật sự đau đầu. Ra chợ thì lại không bán được hàng nên không có tiền xoay vòng.

Sau một thời gian cố gắng cầm cự không được đên giữa tháng 7/2012 tôi đành đóng cửa xưởng trong nỗi đau đớn không biết nói cùng ai.

Vậy là tôi lại thất bại lần nữa, số tiền 7000-8000 USD vay gia đình cùng số tiền tôi dành dụm bấy lâu nay đã mất trắng. Tôi suy sụp đến tận cùng.

Những anh em làm với tôi cũng thông cảm vì còn ít tiền công họ không đòi khi tôi bán hết xưởng trả nợ.

Một số anh em còn ở lại với tôi như Văn, Hữu trước khi chúng tôi bắt đầu lại cảnh đi làm thuê cho người khác.

Lại trắng tay

Giữa tháng 7/2012 tôi cùng Tâm, Văn, Hữu về làm tại xưởng may của anh Tân theo sự giới thiệu của một người bạn đồng hương tên Vân đang làm kỹ thuật tại đây. Xưởng anh Tân trước đó đang có vấn đề về người quản lý yếu kém khiến anh Tân đau đầu không làm ăn được.

Vậy là tôi bắt đầu về làm quản lý lo toàn bộ công việc dưới xưởng cho anh ở một khu xưởng may gần sân bay Đama, còn anh tập trung lo về đầu chợ. Làm được 1 ngày thì công an vào, họ lại dồn tất cả chúng tôi vào phòng để chờ chủ ốp xuống giải quyết (video 4).

Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua và chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc. Tại đây có một nhà ăn tập thể nhỏ kê được mấy cái bàn, có một cái bếp chung khoảng 30m2 cho gần 20 xưởng may nấu nướng.

Mới đầu xưởng làm 2 ca mỗi ca 12 tiếng nhưng do yếu tố công việc nên về sau làm 1 ca. Thợ may làm ca từ 10h sáng đến 10 h tối nhưng vì cần hàng nên đôi khi mọi người phải làm đến 4, 5h sáng.

Hàng trăm lao động chui bị cảnh sát Nga bắt giữ

Hàng trăm lao động chui bị cảnh sát Nga bắt giữ trong trận truy quét

 

Lại nói về công an, bọn tôi làm việc được hơn 1 tháng thì được báo công an đang có chiến dịch truy quét các xưởng may đen vì cách chỗ bọn tôi khoảng 30km vừa mới xảy ra một vụ cháy xưởng chết 14 người.

Vụ cháy xảy ra không dõ nguyên nhân, nhưng nếu không phải là do chủ khoá trái của nhốt công nhân bên trong không cho ra ngoài từ trước thì cũng đâu có làm chết nhiều người như vậy, mà nói thật nhưng vụ cháy chết người bên này nhiều nhưng đâu phải vụ nào cũng được làm rầm rộ lên như vụ này đâu.

Vậy là mọi người lại khăn gói chạy ra một ngôi nhà hoang ở rừng trú tạm và ở đó 1 ngày 1 đêm trước khi xuống một khu xây dựng của bọn đầu đen.

Có xưởng còn tháo hết cả máy móc và đem hết vải vóc... đi gửi vì sợ công an vào sẽ chẳng còn gì nữa.

Mỗi lần chạy chúng tội lại được chủ mua cho nước, bánh mì và xúc xích ăn cầm cự. Phải trốn đến gần 1 tuần thì anh Tân mới kêu mọi việc đang dần ổn, rồi đưa mọi người về xưởng làm tiếp.

Nhưng vừa mới về được vài ngày thì lại nghe nói công an lại chuẩn bị truy quét tiếp vì vụ cháy xưởng đen làm chết 14 người vẫn chưa yên, chỗ xây dựng của người tắczic lại mới vừa bị công an “đập”.

Thế là chúng tôi lại lên đường chạy xa hơn đến một khu vừa xưởng may vừa vườn rau nhưng đã bị bỏ hoang từ lâu mà chỉ có 3,4 người Uzamếch trông coi. Và lần này chúng tôi có mang gạo, thịt đi để nấu ăn vì nghĩ sẽ phải mất khoảng một tuần nữa.

Đặc biệt là những ngày đi trốn công an thì cả nam lẫn nữ chẳng ai tắm cả.

Những ngày trốn chạy công an tôi nghĩ quá chán nản, có cố gắng cũng không làm được gì, làm ăn mà suốt ngày chạy công an, tiền thì cũng đã mất cộng thêm nỗi nhớ nhà da diết thế nên tôi đã quyết định về Việt Nam.

Những ngày sau tôi nhờ bạn bè những người quen biết để làm thủ tục về nước và cũng phải ngồi chờ đợi chầu chực mất mấy ngày.

Và ngày 5/11/2012, tôi chính thức lên sân bay Đama trở về nước, tạm biệt nước Nga phồn vinh, hiện đại mà không phải của mình.

Vẫn còn may mắn

Thực sự là những sự việc tôi phải trải qua vẫn còn may mắn hơn so với những số phận người khác ở Nga. Họ còn phải chịu cảnh làm việc vất vả, quần quật, ăn uống thì đói khổ, cả tháng không được nhìn thấy bầu trời tự do bên ngoài và đặc biệt có người còn không lấy được lương.

Khi có đòi hỏi tất yếu về sinh hoạt cuộc sống hay lúc đau ốm bệnh tật mà không có thuốc muốn nhờ chủ mua hộ cũng khó khăn, nhưng nếu mệt mà nghỉ làm là bị đối xử tệ bạc, bị trì triết mắng chửi đôi khi là bị đánh đập, trừ lương.

Ngẫm lại cuộc đời mình, tôi tự rút ra cho mình bài học. Ở đâu thì cũng vậy thôi, cũng đều phải lao động vất vả mới có.

Ở Việt nam cuộc sống có khó khăn chút, kiếm được ít tiền nhưng chúng ta có nhân quyền, được sống và làm việc tự do không phải chui lủi trốn tránh, chúng ta không bị ai xúc phạm, xỉ nhục hay đánh đập mà phải chịu đựng một cách bất lực.

Tiền kiếm ra cũng chỉ là để phục vụ cuộc sống. Nếu phải sống như vậy để may mắn có kiếm được tiền thì thực sự là không đáng.

Mong rằng các bạn khi đọc loạt bài viết này của tôi hãy suy nghĩ lại. Đừng để do thiếu hiểu biết mà phải chịu sống cảnh dở khóc dở mếu bên nước ngoài, muốn về không được mà ở lại cũng không xong.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại