Làm quen với các trận “càn” của công an Nga
Hồi tôi sang là giữa tháng 11/2010, và một thời gian sau là tết 2011, mọi người bỏ mặc sau lưng tất cả các hoàn cảnh đang sống để cùng nhau tụ họp ăn tết. Cái tết mặc dù chỉ được tổ chức trong xưởng nhưng cũng đầy đủ ý nghĩa tinh thần đối với mọi người. Mọi người đều sống xa nhà nên coi nhau như anh em và đều vui vẻ cùng nhau để đón tết.
Ngày mùng 1 anh em trong xưởng may cũng có một bữa cơm mừng tết trong không khí đầm ấm như một gia đình mặc cho mỗi người sinh ra ở một vùng quê khác nhau. Thế mới biết con người Việt Nam có nhiều tình cảm, tình yêu dân tộc biết bao nhiêu.
Bữa cơm cũng có bánh chưng, thịt đông, nem rán và đặc biệt là món nộm chua làm bằng xoài xanh và cà rốt. Mọi người cùng nhau ăn cơm và kể chuyện với nhau về quê mình một cách hào hứng vui vẻ mà quên đi hoàn cảnh sống cũng như thân phận là những người tha hương của mình.
Sau tết được nửa tháng, khi tôi đang ngồi ăn cơm trưa thì công an vào, họ bắt nhốt tất cả hơn 400 người vào một xưởng may và chờ chủ ốp đến xử lý. Cảnh bị dồn vào một chỗ như tội phạm của hơn 400 con người Việt thật thê thảm.
Tôi và Hoàng cũng bị bắt vào đợt này nhưng sau đó chúng tôi thả một cuộn vải và đu xuống trốn từ độ cao khoảng 20m cùng một số thanh niên khác.
Hậu quả của việc này là chân tôi bị đau thâm tím đến nửa tháng mới hết, nhưng vẫn may vì tôi đã chuẩn bị bọc tay từ trước. Một số người khác thì tuốt vải bỏng cả 2 bàn tay. Có người nóng tay quá buông vải từ trên cao nên khi rơi xuống đất còn gãy tay, gãy chân và sụn lưng không đi được, mất cả tháng mới khỏi.
Phiêu bạt giang hồ
Sau đợt này khoảng 1 tháng, có một số chuyện xảy ra nên anh Bình không làm ở ốp nữa, tất cả công nhân được chuyển về cờva (dạng căn hộ chung cư) chờ tìm mặt bằng khác.
Do anh Bình đã chậm không trả lương cho anh em công nhân 3 tháng nay, sống lại không tử tế nên khi về cờva được ít bữa mọi người đã bỏ đi hết.
Ngay cả đối với tôi, mang tiếng là người quen cùng ở Hải Phòng vậy mà tiền làm cũng không trả, lại còn 400USD chị Hương (vợ anh Bình) cầm hộ cũng không thấy đâu.
Do vậy, đến đầu tháng 4/2011, tôi cũng bỏ đi với 3 người cùng làm là Hoàng, Tâm và Mi đến một xưởng khác nằm trong một nhà máy cũ ở thành phố Xanh.
Chỗ này rộng hơn chỗ làm cũ rất nhiều và cũng quy củ hơn, phòng tắm tập thể rộng hơn nhưng chỗ ở thì vẫn vậy và đặc biệt vẫn không được ra ngoài.
Hoàng, Tâm, Mi làm may còn tôi làm phụ để tồn tại.
Hàng ngày tôi phải làm việc ít nhất 12 tiếng và ăn tại bếp ăn tập thể cùng gần 500 con người với khẩu phần cực kỳ hạn chế.
Nhưng rồi không còn cách nào khác thì tôi cũng phải chấp nhận với cuộc sống và rồi bắt đầu đi học cắt vải.
Tôi làm việc hăng say và dần chiếm được niềm tin của anh chị chủ xưởng. Sau một thời gian họ cho tôi làm quản lý, chịu trách nhiệm về toàn bộ vật tư, giao nhận hàng hoá, sắp xếp công việc cho mọi người khi có đơn hàng yêu cầu.
Và từ vị trí mới tôi làm việc càng nhiệt tình hơn với hy vọng sẽ kiếm được ít vốn để ra chợ bán quần áo, thoát khỏi cảnh sống tù túng trong xưởng may đen.
Hàng ngày tôi làm việc từ 9h sáng đến khoảng 12h đêm với đủ thứ việc như nhập vật tư, kiểm kê hàng hoá, cắt vải cho anh em may, nhập số lượng sản phẩm của công nhân may để chốt sổ cuối tháng tính tiền, rồi phụ thợ may làm việc cắt chỉ,…
Được vài tháng, trong lúc công việc của tôi tưởng như đang trôi chảy thì tình hình chợ búa lại căng thẳng, hàng làm ra không bán được khiến chủ xưởng phải đóng cửa, một lần nữa bọn tôi lại bơ vơ.
Nhưng cũng từ những quan hệ có từ ốp trước, Hoàng và Mi đi làm xây dựng. Tôi và Tâm lần luợt đi khắp các ốp khác xung quanh Matxcơva như Blacikha, Ivanchépka… để làm may nhưng cũng không có tiền.
Vẫn trong vòng luẩn quẩn
Với quyết tâm của mình cùng với sự tích góp từ những tháng trước, tôi quyết định ra chợ tìm việc.
Với sự giới thiệu của một người quen tôi vào ở ghép cùng phòng với 5 người Việt trong ốp Mêkông gần chợ Chim.
Ốp Mêkông là ốp tập trung những người làm ăn ngoài chợ với đầy đủ ngành nghề như bán quần áo, giày dép, bán đồ ăn, đồ hàng khô, cắt tóc, gội đầu, ghi lô đề, dịch vụ chuyển quà, chuyển tiền… Ngoài ra còn có một nghề khá phổ biến đó là nghề “hát rong”.
Không phải người làm nghề này là đi hát mà do cơ cấu chợ bên này rộng, những người bán hàng chủ yếu là quần áo muốn đi mua đồ ăn đôi khi mất cả cây số đi bộ, vừa mất thời gian đôi khi lại không có ai trông hàng hộ nên thường trực có những người “hát rong” chạy đi chạy lại mua đồ ăn giúp.
Lúc này đang là tháng 12 nên tuyết đã rơi trắng xoá ngoài đường. Hàng ngày, tôi dậy sớm ra chợ để tìm cách học hỏi buôn bán nhưng chợ búa năm nay đuội quá (cách nói buôn bán không ai mua ở bên này) thành thử cũng không kiếm được việc gì làm.
Đang lúc loay hoay không biết làm gì thì tôi gặp cô Nhiễu là người quen ở ốp đầu tiên tôi đến, cô kêu tôi về làm quản lý cho xưởng may của cô chung với những người Thổ.
Tôi theo cô về xưởng ở Nagin, xưởng nằm tại tầng 3 của một khu nhà máy bỏ hoang. Khi bước vào bên trong tôi thấy có khoảng hơn 40 người việt cùng 60-70 người nước ngoài làm việc tại đây.
Tôi đang ngơ ngác thì gặp được một thằng em trước làm cùng ốp cũ, nó bảo tôi sao bao nhiêu chỗ không đi mà về đây làm gì, đây là nhà tù giam lỏng đấy anh à. Tôi chỉ cười trừ vì nghĩ mình về đây làm quản lý cơ mà, ai giam được mình.
Những ngày sau tôi mới tìm hiểu dần, thì ra cô Nhiễu không phải chủ mà chỉ là người đứng ra đại diện cho các công nhân may ở đây, cô lo phần ăn uống và đứng ra thanh toán tiền công cho mọi người.
Có một phòng khoảng 40 m2 làm chỗ nghỉ ngơi cho hơn 40 người Việt với 2 phòng vệ sinh bé và 2 phòng tắm nhỏ. Nước sạch thì hạn chế vô cùng, không đủ cho nhu cầu của 1/2 người ở đây. Không khí thì bụi bặm vì xưởng làm toàn áo phông Thổ.
Bản thân cô Nhiễu cũng bận ngoài chợ nên 2,3 ngày mới chở đồ ăn xuống cho công nhân nên điều kiện ăn uống của mọi người không được đầy đủ.
Cả cái xưởng nằm trên tầng 3, đóng kín mít từ trong ra ngoài nên không khí rất ngột ngạt, chỉ có cô Nhiễu và chủ xưởng người Thổ là thỉnh thoảng ra vào còn đâu cửa lúc nào cũng có người canh và đóng im ỉm.
Tôi thấy quá tù túng và thiếu thốn nên được vài ngày tôi xin nghỉ, ra chợ tìm việc khác.
Còn tiếp