27,5 điểm chưa chắc đỗ ĐH Y
Gần đây, câu chuyện học sinh dự thi vào ngành Bác sỹ Đa khoa, ĐH Y Hà Nội đạt 9/10 điểm mỗi môn khối B mà không đỗ đại học gây xôn xao dư luận.
Theo lý giải của PGS.TS Nguyễn Đức Hinh – Hiệu trưởng Trường ĐH Y thì, trường có 718 em đạt 27 điểm; 568 em đạt 27,5 điểm và có 407 em đạt 28,5 điểm (đã ưu tiên điểm khu vực).
Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh ngành Y Đa khoa là 550 (ưu tiên, tuyển thẳng khoảng hơn 100 thí sinh), như vậy chỉ còn hơn 400 chỉ tiêu.
“Nếu dựa vào tổng điểm đã thống kê thì nếu điểm chuẩn là 27,5 điểm thì sẽ thừa 120 em và vượt qua giới hạn cho phép của Bộ GD. Còn nếu lấy điểm chuẩn 28 điểm trở lên thì sẽ thiếu 40 người. Rõ ràng, đây là bài toán khó giải quyết cho Hội đồng tuyển sinh của Trường ĐH Y Hà Nội”, Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội khẳng định.
Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh đưa ra bài toán giải 'nhiệt' tuyển sinh năm nay của trường.
Ông Hinh cũng cho biết, Trường trong ba năm trở lại đây lấy chỉ tiêu là 550 ngành Y đa khoa trong tổng số 1050 chỉ tiêu cho tất cả các ngành. Điểm chuẩn cũng giống như lát cắt hình chóp, lấy từ trên cao xuống, thí sinh có đạt 29 điểm nhưng nếu đứng ở vị trí 551/550 thì cũng không đỗ.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 100 thí sinh có điểm thi đại học cao nhất nước, ĐH Y Hà Nội đã có 30 em/ 100 em.
Cụ thể, trả lời phóng viên, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú cho biết, trường có 17 thí sinh đạt 29,5 (đã làm tròn), 28 thí sinh đạt 29 điểm và 718 em đạt 27 điểm.
Nêu lý do về việc đột biến điểm năm nay, lãnh đạo ĐH Y nhận định, nhiều điểm 9,10 thi đại học là do đề ra dễ.
“Mặt khác, ngành Y trở thành ngành yêu thích bằng chứng là 50 thí sinh cao điểm nhất cả nước đã có 30 em thi trường Y. Như vậy, lý do chính là do học sinh giỏi muốn học ngành Y. Hơn nữa, quy định tuyển thẳng mới mở rộng đối tượng (chiếm hơn 100 suất) làm mất cơ hội, thiếu sự công bằng đối với những em đạt 27, 26,5 điểm”, Phó Hiệu trưởng ĐH Y nhấn mạnh.
Đề xuất mở lớp ngoài ngân sách
Giải thích thêm về đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên, vị lãnh đạo này nêu ra, Bộ GD năm nay quy định giải nhì, giải ba quốc gia Sinh đều được tuyển thằng, trong khi đó mọi năm trường chỉ tuyển giải nhất.
Cụ thể, có 79 thí sinh được tuyển thẳng vào Y Đa khoa, 2 em tuyển thẳng vào Răng Hàm Mặt và có 15 em được xét tuyển.
Để giải bài toán điểm chuẩn cho hợp lý, lãnh đạo ĐH Y Hà Nội đã trình lên Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phương án mở thêm lớp đào tạo ngoài ngân sách với chỉ tiêu khoảng 150 người lấy từ trên xuống dưới.
“Chúng tôi đề nghị lấy 28 điểm chuẩn và cho trường mở lớp ngoài ngân sách, nhận những thí sinh 26 -27,5 điểm để tạo cửa thoát cho thí sinh điểm cao. Chúng tôi không thể chạy đua với số lượng mà quên đi chất lượng. Nhà trường cũng đã cân nhắc rất kỹ về phương án này”, PGS.TS Nguyễn Đức Hinh nói thêm.
Đây được coi là bài toán tình thế để giúp các em, 3 năm nay trường không mở hệ này, giờ xin mở để giải ‘nhiệt’ cũng là trách nhiệm đối với xã hội, mong muốn nguyện vọng của phụ huynh học sinh, giảm áp lực xã hội.
Và cũng theo ông Hinh thì nếu làm thì phải chịu sức ép rất lớn, từng thầy cô, chia thêm tiết học, tăng số buổi, tăng cường cơ sở vật chất…Còn về học phí, nhà trường chưa bàn đến nhưng được biết, học phí cũng như học phí vài năm trước (có thể là tăng) mà Bộ GD quy định đối với hệ ngoài ngân sách của trường.
Thí sinh đạt 27,5 điểm chưa chắc đỗ ngành Bác sỹ Đa khoa ĐH Y Hà Nội năm nay.
Bài toán tuyển sinh, điểm chuẩn thực sự là khó, gây đau đầu cho nhiều trường. Kiến nghị về vấn đề ‘đột biến’ để tránh việc lặp lại năm sau, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Tú nói: “Nên hạn chế tuyển thẳng sẽ công bằng đối với những em thi 3 điểm 9 mà vẫn trượt. Mình ưu tiên chứ không dành hết cho các em mà phải công bằng. Hiện, chúng tôi đang chờ quyết định của Bộ GD”.