Lãnh đạo Bắc Ninh đang thuyết phục các bô lão bỏ lễ "chém ông Ỉn"

Hoàng Đan |

Theo ông Thuật, quan điểm của lãnh đạo Sở là sẽ kiên trì thuyết phục người dân chuyển nghi thức chém lợn giữa sân đình sang hình thức làm cỗ ngọc tế thánh phía sau sân đình.

Kiên trì thuyết phục

Vừa qua, hơn 100 bô lão khu phố Thượng (Bắc Ninh) đã tổ chức cuộc họp và đưa ý kiến không đồng tình việc đổi tên lễ hội “chém lợn” thành lễ hội “rước lợn” như đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh gửi ngày 30/1.

Theo đó, các cụ già và người dân địa phương đều mong muốn giữ lại nguyên trạng lễ hội chém lợn với đầy đủ các nghi thức từ xưa đến nay.

Nhất là nghi thức “khai đao chém ông Ỉn” giữa sân đình cần phải giữ nguyên trạng.

Đồng thời, các cụ già đều khẳng định lễ hội chém lợn Ném Thượng có nguồn gốc lịch sử rõ ràng, và từ xưa đến nay vẫn duy trì nghi thức đó, nên không thể bỏ đi được.

Trao đổi với chúng tôi trước thông tin này, ông Lê Đắc Thuật, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho biết, lãnh đạo Sở đã nắm được thông tin về nội dung cuộc họp của các bô lão ở khu phố Thượng.

"Trong ngày hôm nay (10/2), theo chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, đại diện Sở và thành phố sẽ xuống làm việc với các cụ để nghe ý kiến của các cụ xung quanh việc tổ chức lễ hội này", ông Thuật cho hay.

Cũng theo ông Thuật, quan điểm của lãnh đạo Sở là sẽ kiên trì thuyết phục người dân chuyển nghi thức chém lợn giữa sân đình sang hình thức làm cỗ ngọc tế thánh phía sau sân đình.

Ảnh lễ hội chém lợn Bắc Ninh do tổ chức AA cung cấp
Ảnh lễ hội chém lợn Bắc Ninh do tổ chức AA cung cấp

"Thực tế đây là lễ hội truyền thống của người dân nên chúng ta cũng cần phải tôn trọng ý kiến của các cụ bô lão.

Tuy nhiên, như văn bản đã đưa ra và cùng với ý kiến đề nghị của các tổ chức trong, ngoài nước, chúng tôi cũng mong muốn chuyển đổi nghi thức chém lợn này sang nhẹ bớt đi mà ở đây là làm cỗ ngọc tế thánh phía sau sân đình.

Chúng tôi sẽ kiên trì thuyết phục", ông Thuật nhấn mạnh.

Phản đối lễ hội chém lợn

Còn ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ Phúc lợi Động vật, Tổ chức Động vật châu Á (viết tắt AA) cũng cho biết, đã nắm được thông tin về ý kiến của các bô lão liên quan đến lễ hội chém lợn Ném Thượng.

Tuy nhiên, AA vẫn giữ nguyên quan điểm, phản đối lễ hội chém lợn bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội. 

Theo ông Thanh, việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man.

Đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, lễ hội này còn gây ra sự chịu đựng, nỗi đau đớn không cần thiết cho động vật. Việc tiếp diễn lễ hội này gửi đi một thông điệp rằng động vật chỉ được coi như những đồ vật không đáng được tôn trọng.

Và liệu rằng việc giết những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới có nên được tiếp tục?

Đồng thời, ông Thanh cũng bày tỏ, văn hóa, truyền thống cũng thay đổi và tiến hóa theo thời gian. Những nét đẹp, những gì phù hợp với xu hướng, với xã hội mới thì sẽ được duy trì.

Còn những thứ không còn phù hợp, những điều hủ tục nên thay đổi và loại bỏ. Ngoài ra lễ hội nào cũng phải gắn liền với bản sắc của địa phương và văn hoá của dân tộc để truyền bá tính nhân văn cho thế hệ sau.

Hành động đâm trâu, chém lợn hay bất kỳ lễ hội nào có lối đối xử tàn bạo đối với động vật có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có cả trẻ em hoàn toàn trái ngược với bản chất truyền thống đạo lý của người Việt Nam.

Đây cũng không thể gọi là văn hoá sống của con người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại