An Xá là mảnh đất hình thành từ 600 năm về trước. Người dân đã chọn khu vực chợ Chè (làng An Xá hạ) - vùng đất tươi đẹp, bề thế và thơ mộng để khai thiên lập địa. Tiền khai khẩn là Ngô Quý Công, hậu khai khẩn là Trần Quý Công đã có công lập nên làng An Xá ngày nay.
Ngôi miếu thờ tại làng An Xá.
Làng có 12 dòng họ hợp thành, sinh cơ lập nghiệp chủ yếu là nông nghiệp. Tại đây có ngôi chùa An Xá với lịch sử hơn 100 năm, một công trình thẩm mỹ, sáng tạo, uy nghiêm... là điểm tựa tâm linh của những thế hệ về sau ghi nhớ công lao các bậc tiền bối.
Đền bà Lỗ - một dấu tích của Làng An Xá.
Hình thù của làng như cây đờn (đàn), là vùng đất văn hiến sinh ra nhiều bậc anh tài. Từ thời nhà Lê (Lê Nhân Tông), cả nước có 5 vị đại khoa thì An Xá có 2 vị - Phạm Đại Kháng và Lê Đa Năng.
Mãnh đất An Xá nằm bên dòng Kiến Giang huyền thoại, nơi “non Mâu bể Hạc” lưu dấu một truyền thuyết.
Tích xưa kể rằng, có 2 người học trò trên đường đi thi, qua vùng đất này xin nghỉ lại tại một gia đình để ngày mai lên đường. Dưới trăng thanh, hai anh em thi nhau làm thơ, đọc cho nhau nghe, khi đọc lên, ai cũng cho rằng thơ mình hay. Cô con gái trong nhà rất mê thơ và khen thơ của một người rất hay, còn người kia thì... ngược lại.
Không ngờ, sáng hôm sau, người bạn bị cho là “thơ dở” bỏ đi đâu mất, bỏ lại một cây bút. Người bạn ở lại rất buồn vì mất đi người bạn tri kỉ, đem cây bút chôn xuống vùng đất này rồi tiếp tục lên đường đi ứng thí.
Người dân An Xá dọn dẹp bên dòng sông Kiến Giang.
Khi đỗ đạt, người bạn này quay lại tìm cô gái với mong muốn cưới làm vợ và tìm lại nơi chôn ngòi bút. Nhưng không ngờ, nơi chôn ngòi bút ấy giờ là một ngọn núi hình mũi viết hiện lên sừng sững (gọi là Non Mâu) ngay ở ngã ba sông (bể Hạc). Và dòng sông Kiến Giang cũng là do vị trạng này cho đào mà hình thành.
Nhà lưu niệm Đại tướng vẫn tiếp đón nhiều đoàn thể, người dân đến viếng.
Không chỉ ở An Xá, làng bên, làng Tuy Lộc (cùng xã Lộc Thuỷ ngày nay), cũng là một miền đất văn vật. Đây là quê hương của danh nhân văn hoá Dương Văn An (sinh năm 1514), người đỗ Tiến sĩ ở tuổi 34, là người Quảng Bình thứ 2 đỗ Tiến sĩ, với cuốn “Ô Châu Cận Lục” được sử sách bao đời ca tụng.
Theo các bậc cao niên trong làng, An Xá là vùng đất xưa nay được xem là “địa linh sinh hào kiệt”. Những cái tên: Lê Ỳ, Bùi Lự... với chí khí ngoan cường bị giặc tra tấn tại chùa An Xá mà vẫn hiên ngang khí tiết.
Bùi Xuân Các, người viết chữ đẹp độc nhất vô nhị, “khai sinh” ra chữ viết hoa mẫu ngày nay; ngoài ra nơi đây cũng sản sinh ra nhiều vị tướng, tiến sĩ... Đặc biệt, vùng đất “địa linh” đã sinh ra một “hào kiệt”- vị tướng tài danh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng được sinh ra và lớn lên trong cái nôi văn hoá của đất “Nhất Đồng Nai/ Nhì Hai Huyện”(Quảng Ninh- Lệ Thuỷ), trước đây là vựa lúa của cả nước. Tuổi thơ Đại tướng gắn liền với dòng sông huyền thoại - Kiến Giang. Những điệu hò khoan, hò hụi... tạo nên sức sống, cốt cách của người con An Xá.
An Xá còn có làng nghề dệt chiếu cói tự bao đời. Là cái nôi của đua thuyền, bơi lội.
Làng An Xá nổi tiếng với Lễ hội đua thuyền, mỗi lần về quê Đại tướng thường đi xem các đội bơi thi tài.
Cây cầu Kiến Giang bắc qua con sông huyền thoại
Nhắc đến Lệ Thuỷ, mỗi người xa quê đều nhớ đến những điệu hò khoan, hò hụi. Đó là nét văn hoá đặc sắc của “vựa lúa” miền Trung. Những điệu hò nuôi dưỡng lòng người, theo suốt cuộc đời. Điệu hò khoan thường có các phần như: hò gặp, hò xa cách, hò nhân nghĩa, hò “xỏ lá” (nói kháy), hò kết vấn…
Về sau thời chống Mỹ, những điệu hò khoan - hò hụi được biến cải để động viên, quyết tâm chống giặc:
“Nhà tan cửa nát cũng ừ
Đánh thắng giặc Mỹ cực chừ, sướng sau”...