Không có tài năng xiếc thượng thặng nào trên thế giới có thể thực hiện tiết mục tương tự, nhưng ở ta chuyện như vậy là bình thường.
Nhiều lúc không phải vì tưng tưng do chơi trội, ngáo đá mà do hoàn cảnh bắt buộc như người dân một số vùng phải đu dây qua sông. Nhìn cảnh em bé, bà bầu đu dây qua sông hàng ngày để đi học, buôn bán, sinh hoạt ai cũng xanh mắt vì sợ.
Trong làm ăn, kinh doanh cũng vậy. Vô số sáng kiến quái lạ.
Có nơi nào trên thế giới dùng thuốc tránh thai làm thức ăn cho lươn như ở Việt Nam không?
Còn tác dụng phụ, tác hại có hay không cho người ăn thì chưa biết vì mới là những ca đầu tiên, ca lạ!
Nhưng cho dù biết tác hại, được cảnh báo hoặc ngăn cấm nhưng có lợi nhuận khác thường là ta vẫn làm, như việc nuôi lợn bằng chất tạo nạc.
Có chứng kiến tận mắt mới thấy kinh hoàng còn nghe nói hoặc được truyền thông thì nhằm nhò gì.
Tôi vào một trang trại nọ, lợn được nuôi bằng phương pháp lồng ép, bên cạnh thức ăn trộn thêm chất tạo nạc (Salbutamol….) là chất cấm trong chăn nuôi vì người ăn vật nuôi có thể bị loạn thần hoặc ung thư.
Đó là lồng bằng sắt tròn dạng ô lớn, ép vào hai bên sườn không cho lợn nằm xuống. Con lợn sẽ đứng và ăn liên tục, lúc ngủ vẫn đứng và nhóp nhép nhai, rồi… ngáy và càu nhàu y như người, nhìn rất kinh dị.
Lợn nuôi bằng phương pháp này và dùng chất tạo nạc sẽ ít mỡ, lớn nhanh như thổi, chuồng được tăng đơ mở ra liên tục, kéo ngắn thời gian xuất chuồng, tạo lợi nhuận cao cho người cho người chăn nuôi.
Ban đầu khi tôi phát hiện và báo động thì mới chỉ có vài hộ chăn nuôi ở Đồng Nai thôi. Cho đến nay thì tràn đồng, thú y kiểm tra ở đâu thì nơi đó dính chấu.
Ngành chăn nuôi của ta chết từ từ cũng vì lý do hám lợi bất chấp sinh mạng sức khỏe người tiêu dùng kiểu này! Người tiêu dùng sẽ chọn thịt lợn nhập khẩu, rẻ hơn và nhất là an toàn hơn.
Khi vào TPP với quan hệ thị trường rộng lớn và sòng phẳng cái chết của ngành chăn nuôi sẽ đến cực nhanh nếu không từ bỏ lối làm ăn manh mún, ba trợn này.
Nếu chúng ta tiếp tục kiểu làm ăn gian dối, hám lợi, bất chấp tất cả… thì sẽ chết lâm sàng ngay trên sân nhà trong mọi lĩnh vực chứ không chỉ chăn nuôi. Việc TPP sắp tới có hiệu lực vừa là phép thử vừa là sự sàng lọc có hiệu quả ngay đối với nguồn nhân lực.
Một sự thay đổi ngoạn mục, dự kiến cũng sẽ xảy ra trong thị trường nguồn nhân lực. Những người tài nếu biết nắm bắt cơ hội, tự tìm cơ hội sẽ có chỗ làm tốt, phát huy khả năng.
Những người thiếu chuyên môn, tay nghề kém cũng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Tình trạng này cũng sẽ tương tự ở cấp độ doanh nghiệp, những doanh nghiệp thành công ảo nhờ chộp giật, gian dối, độc quyền mà không có thực lực cũng sẽ phải chết bất đắc kỳ tử.
Nhân nói về nhân lực, chúng ta đang đối mặt với những kiểu gian dối theo các cấp độ khác nhau nhưng nguy hiểm đều như nhau. Đà Nẵng vừa phải kiện ra tòa mấy ông trí thức được cử đi học bằng ngân sách.
Một số thì không về làm như cam kết, một số ra nước ngoài chỉ mải mê cờ bạc, rượu chè mà không học hành gì.
Nhưng số nhân tài về nước phục vụ không phải lúc nào cũng suôn sẻ, họ không phát huy được vì trái ngành nghề hoặc nhiều lý do ba trợn không tên khác.
Lại có cử nhân cử tuyển, tỉnh cử đi học đàng hoàng, quay về không được phân công vì thiếu nhiệm sở phải quay về nhà làm nông, chăn bò!
Thống kê hiện nay cho thấy trên 170.000 cử nhân, tiến sĩ hiện đang thất nghiệp.
Cùng với việc nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà máy báo động về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực vừa khó hiểu vừa hợp quy luật về tình trạng giáo dục và đào tạo bất tương xứng với yêu cầu về nguồn nhân lực ở nước ta.
Nhìn đơn giản hơn, việc làm ăn gian dối, nguy hiểm cho xã hội như vài minh chứng trên cho sự dốt nát hám lợi lại giàu lên nhanh chóng còn người được đào tạo bài bản lại thất nghiệp cho thấy việc tụt hậu của VN so với các nước là điều khó tránh khỏi.