Ngày 5 – 6/1/2013, tại Huế Bộ Giáo dục và Đào, Dự án Phát triển Giáo viên THPT và TCCN đã tổ chức hội thảo khoa học “Dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam”. Các đại biểu tham dự đã đánh giá thực trạng việc dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay, ưu điểm, nhược điểm của chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học cũng như đưa ra giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy, học Văn.
Vậy làm sao giúp học sinh hứng thú học Văn? Để có những câu trả lời khách quan, xác đáng và lời khuyên đúng đắn trong việc dạy và học Văn, chúng tôi xin đăng tải cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Văn học Trịnh Thu Tuyết – giáo viên Trường THPT Chu Văn An Hà Nội về vấn đề này.
Theo TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên Văn Trường THPT Chu Văn An thì để tạo hứng thú cho học trò, người thầy phải đánh thức được tinh thần cảm thụ văn học của học trò.
Học sinh cảm giác bị "tra tấn" trong giờ học Văn
- Hơn 30 năm giảng dạy môn Văn học phổ thông, tiếp xúc với nhiều thế hệ học sinh, TS có đánh giá như thế nào về thực trạng học Văn hiện nay?
TS Trịnh Thu Tuyết: Những năm gần đây, một trong những vấn đề khiến nhiều giáo viên văn trăn trở, bối rối, thậm chí bất lực buông xuôi, đó là tình trạng học trò chán học văn, chán văn chương, rút gọn việc học văn bằng các hoạt động nhàm chán, miễn cưỡng với: nghe, ghi chép, trả bài - trong đó hoạt động nghe không còn hứng thú, hoạt động ghi không có sáng tạo và việc trả bài phần nào đúng với ý nghĩa là trả lại bài thầy cô đã giảng cho thầy cô, trả càng đủ, càng chính xác càng tốt!
- Và nhiều học sinh thú nhận rằng, giờ học Văn buồn ngủ, không thấy hứng thú, thậm chí là chỉ ghi – chép khi kiểm tra.
TS Trịnh Thu Tuyết: Học trò thường có cảm giác hoặc buồn ngủ vì những điều phải nghe như không liên quan gì đến các em, hoặc bị tra tấn vì những kiến thức nhồi nhét một cách khiên cưỡng, áp đặt. Hiện tượng ngày càng nhiều những bài văn lạ cũng cho thấy vấn đề đang đặt ra khá nhức nhối trong việc cảm thụ và diễn đạt văn chương của các em.
Rất nhiều học sinh cho rằng học văn khó, các em không lười học, cũng không phải không thông minh nhưng vẫn bối rối với phương pháp học văn, không biết học như thế nào cho hiệu quả.
- Vậy có phải do môn Văn khó cảm thụ và khô khan?
TS Trịnh Thu Tuyết: Một trong những nguyên nhân là do đặc trưng của bộ môn. Nếu ở một số môn học khác như lịch sử, địa lý, bản thân mỗi bài học trong sách giáo khoa đã là một nguồn tri thức trực tiếp cho các em tiếp nhận thì phần quan trọng nhất của sách giáo khoa văn lại là các tác phẩm văn học - kiến thức học sinh cần tiếp nhận không dừng lại ở tác phẩm mà là ở những giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, những thông điệp tư tưởng, nghệ thuật nhà văn muốn gửi gắm, biểu hiện trong tác phẩm. Con đường đi tới những giá trị và thông điệp đòi hỏi sự dẫn dắt chủ đạo của thầy, sự tiếp nhận tích cực của trò.
Học sinh không có cảm hứng học Văn và cho rằng học Văn khó và khô khan.
Trong thực tế, ngày càng xuất hiện độ chênh giữa yêu cầu mang tính đặc trưng của bộ môn với năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm, tâm huyết và tình yêu văn chương của chính người thầy cùng năng lực và tâm thế tiếp nhận của trò. Độ chênh càng lớn, việc học văn càng trở nên khó khăn với các em, những khó khăn làm giảm thiểu hứng thú của các em với văn chương và việc học văn.
Đánh thức tinh thần cảm thụ văn học của học trò
- Thậm chí nhiều học sinh còn cho rằng văn chương là bộ môn không thực tế, vô bổ, TS nghĩ sao? Và người thầy có vai trò như thế nào trong việc truyền cảm hứng cho học trò?
TS Trịnh Thu Tuyết: Điều này hầu như chỉ xuất phát từ phương pháp dạy của thầy và từ đó chi phối việc tiếp nhận của trò. Mỗi tác phẩm văn học luôn hàm chứa những giá trị hoặc thông điệp muốn gửi gắm cho người đọc; những giá trị hoặc thông điệp này có tính lịch sử, tính dân tộc, cũng có thể có tính nhân loại, tính vĩnh hằng...
Tuy nhiên, có quá nhiều khoảng cách giữa tác phẩm văn chương với người đọc nói chung, với học trò nói riêng - đó là khoảng cách giữa hiện thực và văn chương (hay giữa văn và đời); giữa bối cảnh sáng tác (yếu tố trực tiếp chi phối những thông điệp tư tưởng của tác phẩm) và thời đại sống của học trò (yếu tố trực tiếp chi phối thế giới quan, nhân sinh quan của các em), khoảng cách này cũng là nguyên nhân đưa đến những hàng rào tâm lý, ngôn ngữ...
Trong khi đó, thay vì tạo dựng và đưa học trò từng bước qua những cây cầu kết nối, vượt qua những rào cản, rút ngắn những khoảng cách, giúp các em có thể tự mình tìm ra những thông điệp của tác phẩm vốn luôn ở cuối con đường khám phá, nhiều khi người thầy (do sự hạn chế hoặc vì tâm, hoặc vì tầm!), chỉ cùng học trò đứng lại bên này bờ để chỉ tay, ngóng vọng...
Thực tế ấy đã khiến văn chương mãi chỉ là thế giới xa lạ với những khoảng cách không được xóa bỏ; những thông điệp trong tác phẩm trở thành thứ lý thuyết đơn thuần sách vở, và do đó rất ít sức thuyết phục với học trò - một đối tượng tiếp nhận luôn là đại diện năng động nhất, thực tế nhất cho thời đại hiện tại.
Khi những giá trị rất khó tiếp nhận, những thông điệp rất khó chia sẻ, học trò sẽ không tìm thấy điều các em muốn tìm khi học văn, dù là hứng thú hay sự hữu ích, và đó chính là nguyên nhân khiến cho một bộ phận học trò trở nên thờ ơ, nhạt nhẽo với văn chương.
- TS có bi quan về thực trạng học sinh đang “quay lưng” với môn Văn hay không?
TS Trịnh Thu Tuyết: Trong thực tế giảng dạy, tôi thấy học sinh vẫn rất yêu thích những tác phẩm đề cập tới chính những vấn đề các em quan tâm hoặc những vấn đề nằm trong tầm hiểu biết của các em, phù hợp với tâm lý thời đại các em đang sống...
Tôi đã ngạc nhiên và thú vị khi vào facebook của học trò cũ, thấy sau bao nhiêu năm, các em vẫn gọi nhau bằng những cái tên đi ra từ tác phẩm văn chương, từ cụ Mết, cụ Tứ cho đến Mị, Tràng, Văn Minh...(!).
Trên những trang mạng rất "đời" vẫn là những câu thơ chạm vào một xao động nào đó của các em như "Lòng em nhớ tới anh - Cả trong mơ còn thức ...", "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở- Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn" hay những dòng tâm sự với câu thơ của thế kỉ XIX được lọc qua trải nghiệm chính các em mà thành lời tự nhủ thấm thía "nhất bộ nhất hồi khước "; lời nói đùa của các em về sự "chắc nó chừa mình ra !"...
Đặc biệt cảm động khi tôi luôn nhận được những lời tâm sự chân thành của những học trò đã trưởng thành, đã có cuộc đời riêng với gia đình, sự nghiệp ...: con không nhớ lắm những bài cô đã dạy, nhưng lại không quên được rất nhiều những điều cô nói từ các bài văn hồi ấy!
Tôi hiểu rằng " những điều cô nói từ các bài văn hồi ấy " một phần là những giá trị nhưng nhiều hơn chính là những thông điệp cuộc sống các em đã tự tìm ra ở cuối con đường khám phá tác phẩm văn chương.
- Vậy Tiến sỹ có thể chia sẻ kinh nghiệm để giáo viên Văn có thể rút ngắn khoảng cách giữa văn học và thời thường để giúp học sinh thấy hứng thú khi học môn Văn?
TS Trịnh Thu Tuyết: Theo tôi giáo viên cần tổ chức, dẫn dắt cho học sinh theo bốn cấp độ sau đây:
Thứ nhất, giúp học sinh tri giác, cảm thụ tác phẩm, hiểu ngôn ngữ, tình tiết, cốt truyện, thể loại... để có thể cảm nhận được hình tượng nghệ thuật trong sự toàn vẹn của các chi tiết, các liên hệ.
Thứ hai, giúp học sinh tiếp xúc với ý đồ sáng tạo của nghệ sĩ, thâm nhập vào hệ thống hình tượng như là sự kết tinh sâu sắc của tư tưởng, tình cảm tác giả.
Thứ ba, giúp học sinh đưa hình tượng nghệ thuật vào văn cảnh đời sống và kinh nghiệm sống của mình để thể nghiệm, đồng cảm.
Thứ tư, giúp học sinh nâng cấp lý giải tác phẩm lên cấp quan niệm và tính hệ thống, hiểu được vị trí của tác phẩm trong lịch sử văn hóa, tư tưởng, đời sống và truyền thống nghệ thuật.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ về những chia sẻ hữu ích!