Từ một số vụ trọng án vừa được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử thời gian qua, nhiều độc giả đã liên hệ với báo điện tử Trí Thức Trẻ để hỏi về 2 tội danh "Làm lộ bí mật Nhà nước" và "Nhận hối lộ" được quy định trong Bộ luật Hình sự của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cựu thẩm phán, luật sư Phạm Công Út (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Phạm Nghiêm) về vấn đề trên. Luật sư Út cho biết: "Người làm lộ thông tin điều tra để người phạm tội có cơ hội thoát thân có thể đối diện với mức án phạt đến 15 năm tù về hành vi làm lộ bí mật Nhà nước theo điều 263 Bộ luật Hình sự".
Cũng theo luật sư Út, việc những người ruột thịt trong gia đình giúp nhau bỏ trốn khi phạm tội thì tình ruột thịt trong luật không được xem là tình tiết giảm nhẹ vì đó là hành vi phạm tội chứ không là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 46 Bộ luật Hình sự.
Cùng trao đổi về vấn đề này, một luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam nhận định, trong một chuyên án quan trọng, nếu người nào báo tin đã khởi tố, có lệnh bắt cho đối tượng thì tức là làm lộ bí mật thông tin. Nếu người đó lại khuyên đối tượng bị khởi tố tắt điện thoại, lánh đi thì có dấu hiệu đồng phạm xúi giục của tội tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài.
Như vậy, người thực hiện những hành vi trên phải đối mặt hai tội danh: Làm lộ bí mật thông tin và có dấu hiệu là người đồng phạm với vai trò xúi giục đối tượng bỏ trốn.
“Nếu chứng minh được người làm lộ thông tin còn bàn với đối tượng nên trốn đi bằng cách nào, phương thức gì… thì sẽ đồng nghĩa với việc người “mật báo” đó là người tổ chức, chỉ huy trong cuộc bỏ trốn này”, vị luật sư này nói.
Còn nếu đối tượng phạm tội đưa một khoản tiền lớn, ví như 500.000 USD, cho người đã “mật báo” thì người đã nhận khoản tiền này phải chịu trách nhiệm hình sự độc lập về hành vi “Nhận hối lộ” theo khoản 4 điều 279 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt có thể tử hình.