Làm gì để thức tỉnh những người Việt độc ác?

Bùi Hải |

Mấy năm trước, GS. NGND Nguyễn Lân Dũng đã từng gây bão khi tuyên bố: Nhiều người Việt ham tiền, háo danh, coi thường danh dự, vô cảm và hèn nhát, coi nhẹ ý nghĩa "đồng bào".

1. “Sao người tốt hay phải chết sớm như vậy?”

Khi bài báo Làm người Việt là một định mệnh được chia sẻ rộng rãi, có một số người phản đối.

Họ nói, nhà báo chỉ vẽ ra những sự kiện, con số khiến dư luận sợ hãi. Chất lượng sống ở Việt Nam chả có gì đáng phàn nàn, cứ thử sang Mỹ, sang Bỉ, sang Pháp xem…, có khi còn mất mạng bởi bọn khủng bố.

Tôi không tranh luận họ, trái lại còn rất mừng, bởi vì họ đã đề cập đến hai từ “sợ hãi”.

Trong cái ngày mà hung tin về Trần Lập tràn ngập mạng xã hội, có đến 6 người đã run rẩy và sợ hãi hỏi tôi “sao người tốt lại hay phải chết sớm như vậy?”.

Có một điều chung đặc biệt ở cả 6 người này: Họ đều rất trẻ và đang mắc bệnh ung thư.

Sau loạt bài tấn công thực phẩm bẩn, tôi đã có thêm rất nhiều người bạn thân thiết. Họ là bệnh nhân ung thư hoặc có người thân đang mang trong mình mầm họa ấy.

Chưa khi nào có thêm bạn mà tôi lại buồn đến như vậy. Những người bị ung thư luôn cần người chia sẻ thường xuyên những lo sợ, ám ảnh, mệt mỏi và diễn biến xấu đi từng ngày của bệnh.

Nguyễn Nga, cô giáo mầm non ở Quỳnh Lưu, Nghệ An, nhân vật chính trong bài báo Em đã khóc ngất. Em không bản lĩnh bằng Trần Lập vừa khóc vừa chát với tôi, khi nghe tin một em gái trẻ vừa qua đời.

Nga và cô gái kia là hai trong 200 thành viên của CLB Phụ nữ kiên cường, tập hợp toàn chị em bị ung thư vú. Nhiều người kiên cường đến nỗi không cho cả người thân biết mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Họ trao đổi với nhau cách ăn uống, tập luyện thể chất và tinh thần để chiến đấu với ung thư.

Mấy ngày trước em với nó còn bày cho nhau cách thiền, thế mà hôm nay nó đã buông bỏ tất cả. Từ lúc nghe tin, em thấy sợ hãi – Nga nói trong nước mắt.

Nhưng kiên cường đến mấy thì cũng không khỏi sợ hãi khi nhìn thấy tử thần lởn vởn.

Hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng Bùi Anh, một nữ phóng viên của VOV xông xáo khắp hang cùng ngõ hẻm, cũng đã phải thốt ra hai từ “sợ hãi” khi kể rằng mình chỉ cách vụ nổ khủng khiếp ở Văn Phú có vài giây đi xe máy. Hôm ấy cô có việc đi qua đấy.

Ở một khu đô thị thanh bình, đi trên một chiếc cầu, đi dưới công trình trên cao, lỡ nhìn chăm chú vào một thiếu niên tóc xanh tóc đỏ hay va quệt giao thông nhẹ với một ai đó…tất cả, đều có thể bị thần chết chắn ngang đường.

Nơi nào sẽ là điểm an toàn cho mỗi chúng ta?

Thu Phương, một thạc sĩ tâm lý học tâm sự: “Từ ngày có con, em thấy mình sợ hãi rất nhiều thứ.

Sợ hết vắc xin tiêm cho con, sợ những chỗ vắc xin không đảm bảo. Sợ gửi con vào những nhà trẻ có quỷ dữ đội lốt bảo mẫu. Sợ con bị bắt cóc. Sợ con ăn phải thực phẩm bẩn. Sao trẻ con bây giờ ung thư nhiều thế!?”.

“Thảo nào, con em từ Mỹ về một tháng, mà cho ăn bột cứ nhè ra và gào khóc. Lúc ấy tưởng con bị bệnh gì, vội đưa sang Mỹ.

Sang đến nơi, chưa cần đi khám thì cháu đã ăn thun thút. Em nghĩ 100% là do thực phẩm bẩn” – một độc giả đã comment như thế trong bài Ngu thì chết và người Việt ăn gì để không chết?”.

Thịt lợn thiu thối được phù phép thành thịt bò, những con tôm cũng bị tiêm hoá chất trước khi đi bán.
Thịt lợn thiu thối được phù phép thành thịt bò, những con tôm cũng bị tiêm hoá chất trước khi đi bán.

Một MC xinh đẹp của Đài truyền hình VTC, mới dẫn chồng con sang Úc để sống thử 2 tuần, với ý định sẽ cho con nhỏ sang học.

Ở Hà Nội, gia đình cô có căn hộ ở một khu vào loại đẹp nhất. Bạn bè, đồng nghiệp đều khuyên cô nên ở lại Việt Nam bởi “chả đâu bằng quê mình”.

Nhưng cô đắn đo rất dữ. Buổi chiều gần cuối cùng ở cái thành phố cô định đưa con sang, cô gặp một cụ già người Việt.

Ở đó rất ít người Việt, nên ông ấy cô đơn lắm. Nhìn cảnh ấy em lại không muốn rời Việt Nam. Nhưng ở lại mà con cái phải ăn thực phẩm bẩn, mình là bố mẹ, thấy thế mà không nghĩ cách, sao đành”, cô MC này chia sẻ.

Nếu ai nghĩ rằng, nữ MC ấy chỉ là một trong số rất ít người muốn ra nước ngoài để tránh những vấn nạn trong đời sống hàng ngày ở Việt Nam, thì có lẽ phải nghĩ lại. Câu chuyện 13 quán quân Olympia ra đi, chỉ có 1 người trở về, có lẽ là minh chứng thực tế nhất.

2. Cái gì không bị làm giả?

Doanh nhân Lâm Minh Chánh, một người sống ở TP.HCM hôm qua đã chính thức đã nhận sai với vợ mình:

“Khi hai chúng tôi còn cùng ở Úc những năm 97-99, chúng tôi đã quyết định không có con bên đó. Chúng tôi yêu thương Việt Nam, muốn đẻ con ở Việt Nam và nuôi con tại Việt Nam.

Đầu những năm 2000, sau khi về Việt Nam và chứng kiến nhiều chuyện đã xảy ra, vợ tôi thuyết phục tôi: "Tình hình như vậy, mình đẻ ít thôi, để nuôi con cho đến nơi đến chốn".

Hồi ấy, tôi nghĩ vợ tôi suy nghĩ bi quan quá mức, nhưng càng ngày tôi càng thấy câu nói đó của vợ tôi đúng”.

Có thể thấy sự lo lắng của vợ doanh nhân Chánh là có cơ sở khi thấy thông tin bất an xuất hiện hàng ngày.

Khi nhiều người bệnh gửi niềm tin vào các loại thực phẩm chức năng đang quảng cáo vô tiền khoáng hậu, thì cơ quan chức năng bắt giữ tới… 20 tấn thực phẩm chức năng giả và một trong những nơi chúng tuồn vào là chợ thuốc lớn nhất Việt Nam: Hapulico, Hà Nội.

Không chỉ có thuốc, mà lòng nhân từ bây giờ người ta cũng giả. Làm từ thiện giả để trực lợi. Tin nhắn giả để moi tiền. Giả vờ giúp đỡ người bị tai nạn giao thông để hôi ví, cướp xe máy.

Mấy năm trước, anh trai của một người bạn hiện là PGS. TS, trên đường lên Hà Nội, bị tai nạn. Bọn xấu đã nhanh chóng lấy sạch ví tiền, trong đó đựng cả giấy tờ tùy thân của anh. Không ai biết anh ở đâu để báo cho người thân.

Người bị nạn được xe cấp cứu đưa vào một bệnh viện dưới dạng bệnh nhân không người thân thích.

Không thấy tin tức của con, người nhà đổ đi tìm các nơi nhưng không thể tìm ra. Gần 1 tuần sau tìm được đến viện, thì nạn nhân đã tắt thở.

Cơn bão đa cấp lừa của rất nhiều đơn vị như Liên Kết Việt, càn quét qua rất nhiều tỉnh thành Việt Nam, là minh chứng rất rõ cho sự xuống cấp nhân tính.

Người ta lao vào đa cấp lừa để mong nhàn nhã mà có thu nhập khủng. Để thành công, tất cả thành viên đều thực hiện một việc có tính nguyên lý: Tìm mọi cách bán hàng đa cấp giá cắt cổ cho chính những người thân thiết nhất, ruột thịt nhất của mình.

Kinh doanh, bắt đầu từ việc trục lợi người thân, mà hàng trăm ngàn người vẫn lao vào như thiêu thân, thì còn việc gì họ không dám làm?

> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY

3. Quả ớt bị ruồng bỏ và nụ cười chiến thắng của kẻ ác

Hơn chục năm trở lại đây, người Việt ngày càng sợ nhiều thứ. Giống như GS Nguyễn Lân Dũng nói, họ hèn đi.

Những người đi xe đúng luật im thin thít khi bị kẻ lái xe láo mắng “đồ nhà quê”.

Những người đứng tuổi đành nuốt cục tức vào lòng khi bị “sửu nhi” mắng “già mà ngu”.

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn chua chát: “Hệ miễn dịch của dân mình với thói xấu đã không còn nên không thuốc gì chữa trị được.

Cái xấu người Việt có rất nhiều và tựu trung lại một đó là sự tham và gian”.

TS Trần Bắc Hải, một người đang làm việc tại Úc nhiều năm nay, kể câu chuyện “nói không với gian, tham của người Úc”. Câu chuyện về những quả ớt bị ruồng bỏ.

Mưa đá, làm cho một số mảnh kính rơi vào ruộng ớt đang mùa thu hoạch. Người chủ trang trại bạn TS Hải chấp nhận bỏ luôn không thu hoạch cả vườn ớt.

Lý do khiến những quả ớt bị ruồng bỏ này rất đơn giản, như lời ông chủ trang trại: “Nếu một quả ớt nào đó của tôi dính một miếng thủy tinh và làm đứt tay người tiêu dùng, thì doanh nghiệp tôi có thể đóng cửa”.

Câu chuyện của TS Trần Bắc Hải làm tôi nhớ đến hai nụ cười mà tôi đã gặp.

Đó là nụ cười của một lái buôn gà xuất hiện trong một clip quay bí mật khi người quay đột nhập lò thực phẩm bẩn.

Sau khi bơm phoóc – môn vào đùi và cánh gà, biến những con gà ăn cám công nghiệp trở thành “gà leo đồi”, người phụ nữ này cười rất tươi và nói với kẻ đến mua gà: “Xong rồi nhé, hàng đẹp”.

Đó là nụ cười của một người nông dân, khi thở phào hớn hở khoe với người nhà: “May quá, giải quyết được con lợn ấy rồi. Tí thì mất hết”.

Con lợn của ông bị bệnh lở heo tai xanh gần chết, nhưng ông vẫn “nhanh chân” bán được cho người đồ tể, dù giá chỉ còn một nửa.

Rất nhiều người Việt sẽ hân hoan kiểu như vậy khi đẩy thành công cho người khác những tội nợ của mình.

Nếu chẳng may, những tội nợ kiểu ấy rơi và gia đình họ, họ sẽ gào khóc như thể mình là nạn nhân đáng thương, bất hạnh nhất thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa TƯ, khi hưu trí về sống giữa những người dân, đã có những câu thơ đầy lo lắng:

Đất nước những năm thật buồn

Nửa đêm ngồi dậy hút thuốc vặt

Lần mò trên trang mạng tìm một tin lành

Như kẻ khát nước qua sa mạc

……

Bao giờ giọt nước mắt chảy xuống má

Không phải gạt vội vì xấu hổ

Ngước mắt, tin yêu mọi người

Ai sẽ nắm vận mệnh chúng ta

Trong không gian đầy sợ hãi?

4. Bông hoa đẹp nhất, tính ích kỷ và sự sợ hãi

Trần Nhất Hoàng, cựu thành viên ban nhạc Bức tường, đã kể lại một chi tiết ám ảnh.

Trong hàng trăm dòng tin nhắn của bạn bè xót thương Trần Lập, có một người em gái gửi tới hình ảnh có ghi mẩu đối thoại.

Cô gái nhỏ thảng thốt: “Mẹ ơi, sao người tốt lại chết trẻ?”.

Người mẹ nhỏ nhẹ đáp: “Khi vào một vườn hoa, con sẽ ngắt bông hoa nào?”.

Con gái trả lời: “Bông hoa đẹp nhất!”.

Câu chuyện là một lời an ủi, nhưng tôi lại thấy thật buồn vì thẳm sâu trong mẩu đối thoại đó, phản ánh rất đúng bản tính ích kỷ, tư lợi của nhiều người Việt: Thấy hoa đẹp phải ngắt về cho riêng mình, chứ không để mọi người cùng ngắm.

Nhiều nơi, cây cối công cộng bị vặt trụi sau đêm giao thừa, vì ai cũng muốn có lộc riêng cho nhà mình.

Có nhiều câu trả lời cho câu hỏi: “Sao nhiều người tốt phải chết sớm như vậy?”.

Vì người tốt đâu có được ăn những thực phẩm tốt?

Vì rất rất nhiều người tốt, chính trực thì lại không tốt về “tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ”, nên thường nghèo.

Nghèo thì khó mua thực phẩm sạch. Nghèo thì không có tiền tầm soát ung thư sớm. Không có cơ hội sang nước ngoài chữa bệnh, không đủ tiền xạ trị, hóa trị. Nghèo thì đành xin bệnh viện trả về đợi định mệnh giáng xuống.

Chúng ta không bi quan như nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn.

Người Việt thường biết vượt thoát và tự cứu được mình trong những thời khắc ngặt nghèo hoặc khi bị đẩy đến giới hạn cuối cùng của sự sợ hãi, của sự xấu hổ, của sự đau đớn, tủi nhục.

Phần thiện tiềm ẩn trong mỗi người Việt và trong xã hội vẫn rất lớn. Những câu chuyện nhân bản và biết hy sinh ngày càng có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

Đó là lý do tại sao tôi thấy mừng khi những người phản đối bài báo “Làm người Việt là một định mệnh” nói đến hai từ “sợ hãi”.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng, tự thấy chính ông đang phải sống trong một giai đoạn có nhiều sợ hãi.

Nhưng ông cũng lưu ý rằng, chúng ta phải cảnh tỉnh xã hội, dù “việc đó không hề dễ, bởi nó cần những người có lương tri phải dũng cảm”.

Rất dễ để trả lời câu hỏi: Tại sao Bí thư Đinh La Thăng, Bí thư Nguyễn Xuân Anh, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh… nhanh chóng được dân yêu đến như vậy?

Bởi vì các ông đang hàng ngày làm bớt đi nỗi sợ hãi của người dân bằng “lương tri dũng cảm” của chính mình.

Có người nói rằng, để thức tỉnh nhiều người Việt, chữa cho họ hết bệnh gian, tham, vô cảm, hèn nhát, cần một chặng đường dài, thậm chí phải một vài thế hệ.

Việc đầu tiên mà chúng ta cần làm là truyền thông để cho tất cả người Việt biết sợ hãi, biết căm giận cái ác, cái xấu của đồng loại.

Người Việt có câu rất hay để phê phán những người sống vô trách nhiệm, vô cảm: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ”.

Khi đã thấy sợ hãi và căm giận đến tận cùng, người ta sẽ không còn muốn sống chung, cam chịu với chúng.

Những bài báo nhỏ như thế này, chỉ muốn góp một phần rất nhỏ vào việc đánh thức cảm giác biết sợ hãi khi làm điều xấu của người Việt.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại