Tình trạng xuất hiện rắn lục đuôi đỏ cắn người vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục tăng ở các tỉnh. Từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, ĐBSCL...
TS Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật) cho biết trên tờ Tuổi Trẻ, rắn có thể cắn và phóng nọc độc thông qua phản xạ cho đến 90 phút sau khi nó đã chết.
Theo đó, kể cả rắn đã chết, khi tiếp xúc với nó phải rất chú ý.
Để tránh việc rắn xâm nhập vào nhà thì phát quang bụi rậm, dây leo quanh nhà, không để cho rắn có chỗ bám.
Rắn lục thường hoạt động vào ban đêm, theo đó, nếu mình di chuyển vào ban đêm cần có đèn pin soi để phát hiện rắn.
Trong quá trình dọn dẹp vườn cần phải đi ủng, gang tay, khi bắt rắn phải dùng các dụng cụ như gậy, kẹp.
Cũng theo nguồn trên, PGS.TS Lê Nguyên Nhật (ĐH Sư phạm Hà Nội) thông tin, đối với một số loài, trong đó có rắn, vào mùa sinh sản con cái thường tiết ra chất kích thích và bò đến đâu sẽ để lại vết đến đấy.
Theo đó, rắn đực khi phát hiện mùi này sẽ tìm đến rắn cái để giao phối.
Khi người dân giết rắn cái vào mùa sinh sản và kéo lê nó hoặc mang nó về nhà để làm thịt thì đôi khi rắn đực sẽ theo mùi chất kích thích mà tìm đến.
Trên tờ Zing, giáo sư Đặng Huy Huỳnh (Chủ tịch Hội Động vật học) xác nhận, củ nén, sả là một trong các biện pháp để phòng tránh rắn.
Trong các loại củ này chứa nhiều tinh dầu, tính phong tỏa mùi có khoảng cách 20-30 m. Với mùi lạ, nồng nặc, rắn không đánh được hơi, sợ mà lùi xa.
Rắn lục đuôi đỏ. Ảnh: Flickr
Ngoài ra, trầm thơm cũng có thể dùng rắc quanh nhà để đề phòng rắn.
Vị này cảnh báo, không nên dùng bột hùng hoàng để trị rắn lục đuôi đỏ vì đây là hóa chất rất độc, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Ngoài ra, thạc sĩ Đỗ Quang Huy (Trưởng bộ môn Quản lý động vật hoang dã, Đại học Lâm nghiệp) chia sẻ trên báo chí, người dân nên lấy lưu huỳnh nghiền nhỏ thành bột sau đó rắc quanh nhà để xua đuổi rắn lục đuôi đỏ.
(Tổng hợp)