Phóng viên Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) để làm rõ trách nhiệm cứu giúp người bị nạn.
Luật sư có cho rằng thái độ của một số lái xe tìm cách trốn tránh trách nhiệm đưa người bị nạn đi cấp cứu là hết sức đáng lên án?
Xung quanh câu chuyện cấp cứu người bị nạn tại Bồ Đề (Gia Lâm, Hà Nội), trước hết khoan bàn đến câu chuyện đạo đức.
Theo tôi, nếu sự việc né tránh trách nhiệm cấp cứu người bị nạn đang trong tình trạng nguy kịch đến tính mạng của một lái xe taxi và một lái xe con đúng như mô tả của những người chứng kiến vụ tai nạn thì hành vi của hai người lái xe này đã có dấu hiệu của tội phạm “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” theo Điều 102 Bộ luật Hình sự.
Điều luật này quy định: “Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.
Nếu cơ quan chức năng có được biển số xe của hai chiếc xe này, họ cần khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ hành vi của hai người lái xe và xử lý trước pháp luật.
Tất cả các trường hợp không cứu giúp người bị tai nạn giao thông đều sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thưa luật sư?
Điều 102 Bộ luật Hình sự quy định tội danh và hình phạt cho hành vi không cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nói chung, không phân biệt trường hợp tai nạn giao thông hay các trường hợp khác (tai nạn lao động, bị tấn công…).
Với những trường hợp không cứu giúp người bị tai nạn giao thông, điểm đ khoản 3 Điều 11 Nghị định 171/2003/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không cứu giúp người bị tai nạn giao thông khi có yêu cầu”.
Đề nghị luật sư giúp phân biệt rõ trường hợp nào thì xử lý hành chính, trường hợp nào thì xử lý hình sự?
Hành vi không cứu giúp người đang nguy hiểm đến tính mạng được nhận định trước hết về mặt chủ quan của người thực hiện hành vi, họ tự nhận thức được tình trạng của người khác đang gặp nguy hiểm, song họ không cứu giúp; còn hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông thì được nhận định trước hết về mặt khách quan của hành vi, đó là việc họ nhận được yêu cầu cứu giúp, song đã từ chối không thực hiện yêu cầu đó.
Về hậu quả, hành vi không cứu giúp người đang nguy hiểm đến tính mạng phải gắn với hậu quả người đó chết, khi đó người thực hiện hành vi mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn hành vi không cứu giúp người bị tai nạn giao thông thì không buộc phải gắn với hậu quả người bị tai nạn chết.
Nhiều người cho rằng cấp cứu người bị nạn phải có những kiến thức y học nhất định chứ không phải ai cũng làm được.
Liệu đây có phải là một nguyên nhân dẫn đến nhiều người chỉ đứng xem chứ không tham gia cấp cứu người bị tai nạn giao thông?
Đúng là cấp cứu người bị tai nạn cần đến những kiến thức và kinh nghiệm, nhưng đó là với những người trực tiếp sơ cứu, di chuyển nạn nhân.
Còn những người lái xe lẩn tránh trách nhiệm dùng phương tiện mình đang điều khiển chở nạn nhân đến cơ sở y tế rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật không thể biện minh và phải bị xử lý trước pháp luật.
Xin cám ơn cuộc trao đổi của luật sư!