Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trước nghi án nhận “lại quả” hơn 700 nghìn USD từ quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Trong khi những lùm xùm trong vụ việc dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội giá lên mức 2,5 lần chưa được giải quyết xong, thì ngành GTVT lại đối mặt với một vụ việc được xem là chấn động khác trong ngành đường sắt: Chủ tịch Tập đoàn tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã khai nhận đưa lót tay hàng triệu USD cho 5 cán bộ cấp cao ngành đường sắt 3 nước Việt Nam, Uzbekistan và Indonesia.
Đáng chú ý khi Chủ tịch JTC Tamio Kakinuma khai báo đã “lại quả” gần 800 nghìn USD (khoảng 16 tỷ đồng) cho một quan chức ngành đường sắt Việt Nam – cụ thể là một lãnh đạo văn phòng quản lý dự án tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam.
Vụ việc trên một lần nữa gây chấn động khi lĩnh vực giao thông vận tải nói chung – ngành đường sắt nói riêng luôn được coi là ngành nghề nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Bộ GTVT cũng là nơi “sản sinh” ra nhiều tiêu cực chấn động nhất trong nhiều năm qua.
Cũng chính vì điều này mà khi trao đổi với chúng tôi, giới chuyên gia giao thông đều tặc lưỡi, rồi cho rằng chuyện “lót tay”, “lại quả” không phải là điều gì quá xa lạ đối với các dự án giao thông, đặc biệt trong ngành đường sắt.
Cũng không tỏ ra ngạc nhiên trước việc đối tác JTC Nhật Bản “lại quả” cho ngành đường sắt, Tuy nhiên TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia đã nhiều năm làm việc tại Bộ GTVT và cũng là người góp ý nhiều nhất trong lĩnh vực đường sắt cho rằng đây là vụ việc rất nghiêm trọng.
“Tôi không ngạc nhiên. Vụ việc trên có thể coi như cháy nhà ra mặt chuột. Đường sắt lâu nay vẫn được coi như mạch máu giao thông. Và cũng chính đường sắt lại là một trong những ngành có nhiều tiêu cực nhất của Bộ GTVT. Nếu phía đối tác cáo buộc đưa hối lộ rồi thì ngành đường sắt không thể thoát được” – TS Thủy nhìn nhận.
Ngành đường sắt đang đối mặt với một vụ bê bối nhận lót tay 700 nghìn USD từ phía JTC Nhật Bản. (Ảnh minh họa)
Giới trong ngành cũng thông tin, hiện những người có năng lực thực sự trong ngành thì không được dùng, còn những người “lanh lợi, giỏi ton hót” lại được trọng dụng. Chính những người như vậy có thể coi là “đầu têu” của những tiêu cực “lót tay” như vụ việc chấn động kia.
Một số chuyên gia nhiều năm theo dõi lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, trước những yếu kém, tiêu cực trong ngành đường sắt, cần phải thực hiện tái cơ cấu lại hoàn toàn, nhất là về vấn đề nhân sự hiện nay.
“Quan trọng là Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng sẽ giải quyết thế nào về vụ việc này? Liệu Bộ trưởng có dám thay hết bộ sậu trong ngành không? Hay lại điều chuyển kiểu như Dương Chí Dũng? Đây là một bài học rất lớn về công tác cán bộ” – TS Thủy nói.
Tuy nhiên, cũng theo vị nguyên giám đốc nhà xuất bản GTVT này, tham nhũng luôn có nhiều hình thức và thường “liên thông” với nhau. Một người “đại diện” đứng lên nhận “lọt tay”, nhưng không thể “ăn cả”, mà phải chia thành nhiều phần.
“Trước khi nhận lại quả, họ đã bàn với nhau hết cả rồi. Đến khi vụ việc bại lộ, họ sẽ ngồi lại với nhau để bàn cách đối phó, làm sao để tội nhẹ nhất, ít người liên quan nhất. Cũng vì liên quan nên người ta không dám xử mạnh, vì thế nhiều trường hợp dẫn tới hòa cả làng” – ông nhận định.
TS Thủy cũng là một trong những người phản ứng mạnh trước chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam trước đây. Đã nhiều lần lên tiếng đề nghị cần sớm có đường sắt đô thị, thời gian gần đây ông cũng góp ý rất nhiều về dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội. Ngoài việc kết hợp đi nổi và đi ngầm không hợp lý, với mức đầu tư lên đến 100 triệu USD cho 1 km đường sắt, theo ông như vậy là “cực đắt” và lãng phí lớn.
Liên quan đến vụ việc nhận lót tay hơn 700 nghìn USD, chiều 23/3, lãnh đạo Tổng Công ty đường sắt Việt nam cho báo chí biết, đã đình chỉ công tác 15 ngày đối với Giám đốc BQL dự án đường sắt Nguyễn Văn Hiếu.
Đồng thời, Tổng công ty cũng thành lập một tổ công tác do Tổng giám đốc Nguyễn Đạt Trường làm trưởng ban để xác minh vụ việc. Ngoài ra đơn vị này cũng sẽ tiến hành rà soát tất cả các dự án có liên quan đến nhà thầu trên.