Bản Đoòng, nơi sinh sống của 7 hộ gia đình người dân tộc Vân Kiều nằm sâu trong lõi rừng quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).
Nơi rừng thiêng nước độc, không có trạm y tế nên vấn đề sức khỏe của bản làng phụ thuộc vào cây lá trong rừng, kể cả sức khỏe sinh sản.
Thức 3 ngày 3 đêm uống nước sôi
Mẹ Hồ Thị Hoa (58 tuổi), người phụ nữ già nhất bản cho biết, phụ nữ Vân Kiều hằng ngày phải trèo đèo, lội suối làm lụng nên vấn đề sức khỏe sau khi sinh là vô cùng quan trọng.
Theo cách mà những thế hệ ở đây truyền tai nhau và thực hiện từ xưa cho đến giờ thì có một thứ nước được nấu từ gần 10 loại rễ cây rừng mà bất cứ người phụ nữ nào sau khi sinh xong cũng phải uống lúc nước đang sôi sùng sục trên bếp củi.
Theo đó, khi có thai đến khoảng tháng thứ 6 thì họ bắt đầu chuẩn bị rễ và lá cây rừng, tùy thuộc vào nơi ở mà có những loại cây khác nhau về tên gọi và hình dáng.
Người phụ nữ ở bản Đòng thường chuẩn bị các loại như rễ cây ren ráo, cây dứa gai, củ éo, bồ câu, hạ thủ ô, sâm rừng.
Đến ngày sinh nở, những người như chị em ruột, chị em dâu, mẹ chồng, mẹ đẻ sẽ là người giúp sản phụ vượt cạn.
Sau khi vượt cạn thành công, ba ngày đầu tiên là ba ngày quan trọng nhất, quyết định sức khỏe về sau của sản phụ.
Trong ba ngày này, mỗi ngày họ phải uống hết khoảng 15 nồi nước, mỗi nồi từ 3,5 đến 4 lít nước được nấu từ những loại rễ cây đã chuẩn bị từ trước đó.
Nước được nấu sôi sùng sục trên bếp, trừ lúc ăn cơm, những lúc còn lại sản phụ phải múc nước đang sôi, vừa thổi vừa uống. Nước trong nồi cạn lại đổ nước mới vào nấu tiếp.
“Trong ba ngày đó chúng tôi không được ngủ, phải thức cả đêm lẫn ngày để uống nước, có khi buổi đêm ngủ gật, mẹ chồng liền thức dậy để tiếp tục uống nước. chị Chị Hồ Thị Thắm (30 tuổi), bà mẹ bốn con kể.
Sức khỏe “phi thường”
Người Vân Kiều có một tục lạ là áo quần sản phụ mặc trong khi sinh và ba ngày sau sinh người đó phải đích thân xuống suối giặt. Kể cả mẹ đẻ, mẹ chồng, chồng và các chị em trong nhà không ai được phép giặt giùm.
Sau ba ngày, khi đã uống hơn 150 lít nước sôi nóng nấu từ rễ cây để thải những chất cặn bã trong người ra, họ đã có thể tự xuống suối giặt giũ.
Về chế độ nghỉ ngơi, thai sản lại càng không có, ở nhà với con được khoảng 1 tuần thì họ phải lên rẫy làm việc như người bình thường.
“Trong ba ngày đầu, chúng tôi chỉ ăn cơm với những thứ thật mặn và khô, như muối rang. Nếu có thịt cá cũng phải kho khô và nêm muối gấp mấy lần bình thường”, chị
Thắm cho biết, ăn như thế để khát nước cho dễ uống.
Để nhanh lại sức và người khỏe mạnh, không đau ốm, họ còn tiếp tục uống thứ nước đó cho nửa tháng tiếp theo. Nhưng lượng nước ít hơn ba ngày đầu tiên.
Theo những người già ở đây thì chỉ có như thế người phụ nữ mới khỏe mạnh, thời kì hậu sản không mệt mỏi, đau ốm được.
Chị Hồ Thị Thư (SN 1992), có hai con. Con đầu gần 3 tuổi và con thứ hai gần 1 tuổi chia sẻ: “Lúc mới sinh cháu đầu, uống quá nhiều nước sôi nóng miệng tôi bỏng rát, nhưng uống mãi rồi cũng quen.
Vì sức khỏe nên chúng tôi ai cũng phải uống, giờ sinh đứa thứ hai nên thấy cũng bình thường”.
Chưa có người phụ nữ nào ở đây biết đến trạm xá, bác sỹ khi sinh con, hiện nay những thứ rễ cây và cách uống nước đặc biệt đó vẫn được các mẹ, các chị truyền tai nhau thực hiện và được coi như một thứ thần dược của chị em phụ nữ.