Cách chọn một con trâu hiền hòa rồi thuần dưỡng chúng để đưa vào khai thác du lịch là cả một quá trình mà không phải ai cũng làm được…
Vượt nửa vòng trái đất để… cưỡi trâu
Chiều trên con đường cát mịn ở cánh đồng Thiền Đăng dẫn ra làng rau Trà Quế (TP.Hội An) đông nghịt du khách cười nói ngả nghiêng. Người chụp ảnh, người quay phim, người la hét chứng kiến cảnh con trâu lội nước bì bõm “cõng” trên mình những du khách. Cạnh đó, những chú trâu khác đang kéo một xe đầy du khách “mắt xanh, tóc vàng” đến từ khắp nơi trên thế giới đi thong thả trên những đồng lúa vừa chín vàng. Bên cạnh việc tham quan phố cổ, nghỉ dưỡng và thưởng thức các đặc sản Hội An thì các tour một ngày làm nông dân, hái rau, bắt cá, cấy cày…, đặc biệt là được cưỡi trâu trên ruộng rất được các du khách yêu thích.
Bà Carlene Penkett (40 tuổi, người Canada) là nhân viên của Liên hiệp quốc về bảo vệ môi trường quyết định cùng chồng và 2 cậu con trai là Cole Penkett (11 tuổi) và James Penkett (7 tuổi) đến Việt Nam để được cưỡi trâu.
Bà Carlene Penkett cho biết mình đọc được thông tin ở các trang mạng du lịch về tour làm nông dân Việt Nam thong dong cùng con trâu trên cánh đồng lúa nên quyết định cắt tour du lịch từ Hồng Kông để sang Hội An sớm. “Tôi muốn các con mình có một trải nghiệm rất gần gũi với đời thường, tìm hoài chẳng nơi nào có như ở Hội An. Tôi cũng ủng hộ việc kinh doanh du lịch gắn liền với sự thương yêu động vật và thân thiện với môi trường như thế này” – bà Carlene Penkett chia sẻ.
Chồng bà Carlene - ông Paul Penkett (là nhân viên một ngân hàng lớn ở Canada có trụ sở tại Hồng Kông) cho biết công việc của ông là quanh năm với các giao dịch ở các trụ sở sang trọng, ăn nghỉ ở những nơi xa hoa nên việc vượt nửa vòng trái đất đến đây để làm một nông dân là trải nghiệm không thể quên trong đời.
“Tôi rất thích những con trâu hiền hòa. Cả những người nông dân chăn trâu nữa. Họ rất chất phác và thật thà. Mọi thứ thật đáng yêu” - Paul Penkett cười vui.
Hội An là điểm đến không còn xa lạ với nhiều du khách quốc tế, nhưng việc đến Hội An để được… cưỡi trâu chỉ xuất hiện chừng 3 năm trở lại đây. Là dịch vụ mới ra đời nhưng khá thu hút du khách trên các mạng du lịch. Trên trang Tripadvisor của Jack Tran Hoi An Eco-Tour có đến hàng ngàn chia sẻ của du khách quốc tế về những trải nghiệm thú vị với con trâu. Malanne, một thành viên của trang mạng này, viết: “Chúng tôi không thể có một ngày nào tốt đẹp hơn khi được đến đây làm nông dân cùng những con trâu. Đây là điểm nhấn toàn bộ chuyến đi Việt Nam của gia đình tôi. Bạn chỉ bỏ ra vài giờ và chừng 20 USD là có thể trải nghiệm mọi thứ thật hoàn hảo. Học cưỡi trâu và điều khiển một con trâu biết vâng lời là điều không nên bỏ qua”.
Dạy “tiếng trâu” cho du khách
Để du khách có thể tự điều khiển một con trâu vâng lời đi tới, đi lui, rẽ trái phải hoặc dừng lại, việc đầu tiên là phải học “tiếng trâu” một cách thuần thục. Ông Lê Viết Nhiên (phường Cẩm Châu, Hội An) là người sở hữu đàn trâu đến 14 con đang làm du lịch. Ông cho biết muốn du khách điều khiển được con trâu thì phải dạy cho họ học thuộc các “khẩu lệnh”. Ông Nhiên lý giải: “Con trâu từ nhỏ đã được chủ dạy cách đi đứng. Khi con trâu đang đi mình hô “dờ” nó lập tức đứng lại, hô “dí” nó rẽ trái, hô “quá” nó rẽ phải. Tất nhiên bên cạnh tiếng hô, mình phải giật dây mũi trâu để điều khiển hướng của chúng đi theo ý muốn”. Trước khi du khách leo lên lưng trâu, ông Nhiên sẽ chỉ dẫn cho khách thông qua các thông dịch viên.
Tour cưỡi trâu thường diễn ra khoảng 2 giờ chiều. Các hướng dẫn viên phải thông dịch các “khẩu lệnh” bằng “tiếng trâu” này sang tiếng Anh cho khách mất chừng 15 phút và chỉ dẫn các biện pháp an toàn khi leo lên lưng trâu. Anh Hoàng Quốc Bảo (hướng dẫn viên du lịch nhiều năm ở Hội An) cho biết ngôn ngữ của trâu chỉ có 4 tiếng “đi”, “dờ”, “dí”, “quá”… nhưng không phải du khách nào cũng thuộc và ứng dụng chính xác. Nhưng chính cách điều khiển đảo lộn hoặc nhầm lẫn khi xưng hô lại càng thú vị. “Có những lúc khách giật dây mũi trâu quá mạnh nên con trâu lao đầu chạy, khách cứ hô stop, stop, stop… nhưng trâu đâu có biết tiếng Anh. Phải đến khi chủ ra lệnh thì trâu mới dừng” - Bảo nói.
Ông Nhiên thật thà bảo mình chỉ học hết lớp 5 rồi cưỡi trâu từ đó đến giờ. Nhà có 2 sào lúa nước, nuôi trâu để cày ruộng như bao nông dân khác ở Hội An này và ông cũng không ngờ mình có được ngày hôm nay. Ông Nhiên khoe từ ngày làm du lịch, bầy trâu của ông mỗi năm cho thu nhập ít nhất 150 triệu đồng. Ngoài ra, trâu mẹ đẻ trâu con, đẻ ra chừng 4 - 5 con mỗi năm, mỗi con trị giá khoảng 20 triệu đồng, cứ thế từ việc chăn trâu, cắt cỏ mỗi năm, ông thu nhập gần 300 triệu đồng. “Tôi già rồi, không thích học tiếng Anh nữa. Mọi thứ có mấy cô chú thông dịch. Mình là nông dân, chăn trâu mà nói tiếng Anh làu làu du khách bảo mình giả nông dân nên thôi. Họ thích mọi thứ thật, không giả tạo. Có lẽ khách yêu mến tôi là vậy” - ông Nhiên tâm sự.
“Mua trâu chọn nái…”
Bầy trâu của ông Nhiên được đặt tên theo các quân cờ gồm trâu xe, trâu pháo, trâu mã, trâu tượng… Khó khăn nhất trong khi nuôi trâu làm du lịch không phải cách cho chúng ăn uống mà cách dạy chúng ngoan ngoãn, biết vâng lời và không “nổi điên” húc sừng vào du khách. Ông Nhiên cho hay, trước khi cho trâu làm du lịch phải tập cho chúng cày bừa thuần thục trên các cánh đồng. Việc cày bừa này là để chúng nghe được các “khẩu lệnh” của con người mà vâng theo. “Nếu con trâu mà cho chúng no cỏ, ăn nằm mãi thì cũng giống như con người sẽ sinh hư hỏng, chẳng thích lao động. Phải cho chúng cực khổ chút thì nó mới ngoan” - ông chia sẻ kinh nghiệm. Theo ông, việc khó nhất khi nuôi trâu làm du lịch là phải biết chọn giống trâu. Ông Nhiên cho rằng việc chọn trâu cũng như xem tướng con người vậy mà người quê ông hay nói đùa rằng “mua trâu chọn nái, cua gái chọn dòng…”.
Ông Nhiên cười bảo: “Việc chọn cô gái đúng sai tôi không biết, chắc là cách nói cho vui, nhưng chọn trâu thì tôi thấy đúng. Trâu hay cũng có giống nòi”.
Con trâu ông Nhiên hay chọn trước tiên phải hiền và khỏe, điều đó thể hiện trên các chùm “xoáy” của lông ở trên thân hình con trâu. “Xoáy” ở trán giữa 2 sừng trâu là tốt nhất. Con trâu có “xoáy” ở đuôi là bỏ đi. Trâu tốt là trâu phải có hai tai sát cặp sừng, hai gót chân sau không chụm vào nhau. Rồi ông Nhiên đúc kết việc chọn trâu của mình bằng mấy câu rằng “xoáy đầu thì bán, xoáy trán thì nuôi, xoáy đuôi thì xẻ thịt” để nói điều quan trọng trong việc lựa chọn và nuôi trâu. Lo lắng của ông Nhiên là các con trâu đực không chịu được mùi nước hoa và mùi khét đặc trưng của du khách phương Tây. Vì vậy trước khi đưa con trâu vào làm du lịch phải cho chúng làm quen với mùi này bằng cách lấy áo quần cũ cho chúng ngửi.
“Sợ nữa là trâu đực giành trâu cái. Chúng có thể phi nước đại và thổi bay du khách để chạy theo húc một con trâu đực khác giành bạn tình. Vì vậy điều đặc biệt quan trọng là phải tách bầy trâu đực riêng ra xa khi đưa chúng vào làm du lịch” - ông Nhiên chia sẻ bí quyết.
Là người đầu tiên thiết kế tour cho du khách cưỡi trâu ở Hội An, ông Trần Văn Khoa - Giám đốc điều hành Công ty lữ hành Khoa Tran Eco-Tour, cho biết: “Việc đưa trâu vào du lịch là một thông điệp gần gũi nhất từ nền văn minh lúa nước của Việt Nam đến với quốc tế. Ngoài ra, tôi cũng muốn cải thiện đời sống người nông dân để họ nâng cao thu nhập từ cánh đồng và con trâu của mình. Ở Hội An bây giờ có khoảng 7 - 8 đàn trâu đang khai thác du lịch. Mọi thứ rất khả quan”. Ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết đây là loại hình du lịch độc đáo mà Hội An đang khai thác rất hiệu quả. Bên cạnh việc đưa hình ảnh con trâu rất thân thiện của người Việt đến với du khách quốc tế, thì đây cũng là cơ hội tạo ra sự đa dạng trong sản phẩm du lịch.