Theo văn bản số 796 của UBND TP. Hà Nội thì các ngành chức năng thu hồi giấy phép trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô tại 262 tuyến phố nhằm lập lại trật tự giao thông, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Nhưng thực tế cho thấy, sau hơn 1 năm thực thi vẫn đang tồn tại không ít bất cập xung quanh vấn đề này.
Việc xóa bỏ hoặc tổ chức lại các điểm trông giữ xe sẽ đặt ra cho TP. Hà Nội một thách thức mới. Đó là câu chuyện phải giải quyết thế nào cho gần chục triệu người dân thành phố có chỗ để xe? Hay đó cũng chỉ là cách thức làm lắng dư luận xuống, rồi đâu lại vào đấy?
Thêm nữa, các cấp chính quyền của Hà Nội cũng sẽ còn "căng" hơn nữa, khi ngày 17/4 vừa qua, Bộ GTVT đã phát đi thông điệp yêu cầu UBND TP Hà Nội chấn chỉnh công tác quản lý và duy tu công trình đường bộ. Trong đó có việc quản lý và sử dụng mặt bằng các gầm cầu như: Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nút giao Pháp Vân và đường vành đai 3 trên cao theo đúng quy định.
Không tổ chức kinh doanh trông giữ phương tiện, làm nhà xưởng, kho bãi tại khu vực này làm mất an toàn giao thông và cảnh quan đô thị. Riêng mặt bằng gầm đường vành đai 3 trên cao từ nút giao Pháp Vân đến Bắc hồ Linh Đàm và khu vực cầu Dậu phải giải tỏa trước 30/5/2013.
Có thể nhận thấy, quá trình đô thị hóa, các khu đô thị mọc lên, dân cư tập trung chủ yếu ở khu nội thành, kéo theo phương tiện sẽ "phình ra" và thiếu điểm đỗ xe là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần có giải pháp hữu hiệu, bền lâu chứ không thể cứ cấp phép rồi điều chỉnh, thu hồi không dứt điểm để người, đơn vị kinh doanh dịch vụ trông giữ xe nấn ná cố tình kéo dài vi phạm về trật tự an toàn giao thông (!?).
Đơn cử như cuối đường Trần Khát Chân (đoạn sát ngã ba rẽ xuống phố Kim Ngưu) là tuyến đường cũng nằm trong danh sách chấn chỉnh lại theo tinh thần của công văn 769, nhưng thời gian gần đây thường xuyên xuất hiện nhiều xe ô tô đỗ cả ngày lẫn đêm.
Điều khiến mọi người ngạc nhiên hơn là ô tô không những không đỗ ở sát lề đường bên phải mà đỗ sang bên trái và lên giữa dải phân cách hai làn đường.
“Ngày nào tôi cũng thấy công an đi qua đây, thậm chí họ còn xử phạt cả những chiếc taxi đang chờ khách nhưng ô tô đỗ sai quy định lại không thấy đả động gì đến. Chẳng hiểu được nữa…(!?)” - một người dân sinh sống ở khu vực này cho biết.
Xe ô tô ngang nhiên đậu giữ đường Trần Khát Chân.
Theo quan sát của PV, lùi vào phía trong lề phải đường Trần Khát Chân (hướng từ đường Đại Cồ Việt đến đường Trần Khát Chân) hiện đang được Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội kinh doanh dịch vụ này. Đơn vị này không chỉ tận dụng tối đa khoảng đường bên trong làm điểm trông giữ xe mà còn biến vỉa hè, dải phân cách để khai thác, trông rất phản cảm.
Hay như các tuyến phố quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm như: Lê Thái Tổ, Hàng Khay, Lê Thạch... cấm để phương tiện ô tô, xe máy, nhưng theo thảo sát của PV, hai bên đường các tuyến phố này tràn ngập ô tô. Đặc biệt như phố Lê Thạch, Lê Thái Tổ mặc dù có biển “cấm dừng đỗ” nhưng ô tô vẫn để thành những hàng dài một bên đường. Thậm chí, việc vi phạm này lại xảy ra ngay trước trụ sở UBND TP Hà Nội.
Quay trở lại vấn đề việc thu hồi giấy phép trông giữ xe trên 262 tuyến phố (theo văn bản 796 của UBND TP. Hà Nội) được thực hiện từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm. Hay nói chách khác, theo quy định này, về bản chất là xóa bỏ cơ chế phân cấp quản lý vỉa hè, lòng đường cho các quận, thậm chí cấp phường cũng có thể cấp phép. Sau đó, sẽ lại có nhiều điểm đỗ mới được thành lập với những công ty mới trúng thầu tổ chức kinh doanh?
Chưa biết phương án tối ưu cho vấn đề này ra sao nhưng trước mắt trật tự an toàn giao thông ở các điểm trông giữ xe của Hà Nội hiện vẫn khá nan giải .
Dưới đây là một số hình ảnh PV ghi lại được tại đường Trần Khát Chân:
Người dân sinh sống tại đây thấy lạ kỳ với điểm đỗ xe này!
Dọc tuyến đường Trần Khát Chân đang la điểm trông giữ xe do Công ty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội kinh doanh, quản lý.
Lòng đường được người dân tận dụng làm nơi sửa chữa xe, bảo dưỡng xe ô tô.
Bãi giữ xe bủa vây trạm xe buýt.