Đó chính là “o du kích nhỏ” - Nguyễn Thị Kim Lai (68 tuổi). Nhìn bà bây giờ trông khác xưa nhiều quá. Trong bức ảnh đang áp giải viên phi công Andrew Robinson cao lớn, bà Lai hồi đó người nhỏ thó, đi chân đất, tay cầm súng đầy dũng khí.
Từ ngày nhà báo Phan Thoan của báo Hà Tĩnh bấm máy ghi lại khoảnh khắc đó về bà Lai tính đến nay đã 49 năm. Vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, tấm ảnh gây được tiếng vang lớn.
Nhìn nó, nhà thơ Tố Hữu đã xuất khẩu liền bốn câu thơ: O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu/Ra thế to gan hơn béo bụng/Anh hùng đâu cứ phải mày râu.
oMỗi lần nhắc đến Andrew Robinson, bà Nguyễn Thị Kim Lai lại đưa bức hình chụp kỷ niệm năm 1995 ra xem n, bà Nguyễn Thị Kim Lai lại đưa bức hình chụp kỷ niệm năm 1995 ra xem
Ký ức chiến tranh
Thời điểm bức ảnh ra đời, o Lai chỉ cao 1,48m, nặng 37kg, tay cầm khẩu súng AK giương lưỡi lê, giải Andrew Robinson cao 2,2m, nặng 125kg về huyện đội, đã làm hàng nghìn người đổ ra đường xem. Đến năm 1966, bức ảnh được trưng bày, triển lãm toàn quốc, được ngành bưu chính in thành tem.
Năm 1995, khi gặp lại bà Lai, Andrew thốt lên: “Lâu rồi chị cũng chẳng lớn được bao nhiêu”.
Thời cắp sách tới trường, chúng tôi chỉ biết “o du kích nhỏ” qua sách vở, còn câu chuyện về chiến tranh và bắt sống giặc lái Mỹ thì chưa một lần nghe kể.
Một buổi chiều cuối tháng 4, bao nhiêu ký ức chiến tranh đã ùa về trong trí nhớ của bà Lai.
Mùa hè năm 1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, giống như một số chàng trai cô gái khác ở xã Hương Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh), o Lai xung phong vào đội dân quân tự vệ của xã. Nhiệm vụ chính của o Lai thời đó là ban ngày trực chiến, đêm xuống đi đào công sự.
Năm 1965, bầu trời Hương Khê bị máy bay Mỹ gầm rú ngày đêm, còn trên mặt đất súng bộ binh của ta rền vang đỏ lửa.
Sáng 20-9-1965, cầu Đà Lề thuộc xã Lộc Yên (Hương Khê) là mục tiêu bị máy bay Mỹ đánh bom nhằm chia cắt tuyến đường huyết mạch viện trợ tiền tuyến miền Nam.
Khoảng 11g trưa, hàng chục chiếc máy bay từ hướng đông đổ nhào bắn phá. Một chiếc F105 bị trúng đạn bốc cháy, viên phi công nhảy dù xuống giữa rừng núi Hương Khê.
“Khi nhảy dù xuống mặt đất, viên phi công Mỹ đã dùng máy bộ đàm để phát lệnh xin cứu. Nhận được tín hiệu, ba chiếc trực thăng của Mỹ đến yểm trợ. Không lơ là cảnh giác, pháo bộ binh ta đã trực sẵn, bắn hạ một chiếc. Khi chiếc trực thăng bốc cháy, lại có ba viên phi công bung dù thoát thân. Biết được bốn tên giặc lái Mỹ đang ẩn nấp trong rừng, dân quân ở nhiều xã miền núi huyện Hương Khê đã được điều động, phối hợp với bộ đội lùng bắt” - bà Lai kể.
Mới tham gia thanh niên xung phong được hai tháng, o Lai tay bóp cò chưa vững đã cầm khẩu AK cùng với mọi người truy lùng những giặc lái Mỹ giữa đại ngàn rừng Trường Sơn.
Do điểm đổ bộ của bốn viên phi công gần với biên giới Lào, bộ đội và nhân dân Hương Khê quyết tâm phải bắt sống những viên phi công ngay trong ngày, không để sang ngày hôm sau vì họ có thể sẽ vượt biên giới.
“Hơn 17g, trời nhá nhem tối, quân ta chưa bắt được tên nào, mọi người động viên nhau vào sâu trong rừng tìm kiếm tiếp. Khi phát hiện trong một hốc đá có tiếng động, tui tiến lại gần. Thấy một viên phi công đang ngồi co ro. Chưa nhìn được mặt, tui bắn ba phát súng chỉ thiên. Viên phi công đó giơ hai tay xin đầu hàng. Nghe được tiếng súng, mọi người chạy đến, trói tay viên phi công cao lớn” - bà Lai nhớ lại.
Thấy o Lai là người nhỏ nhất trong tiểu đội thanh niên xung phong xã và cũng là người phát hiện tên giặc lái, mọi người đã đề nghị để o Lai giải viên phi công lên huyện. Trong thời điểm đó, nhà báo Phan Thoan bấm máy ghi lại khoảnh khắc lịch sử ấy.
Cuộc hội ngộ sau 30 năm
Không lâu sau cuộc bắt sống giặc lái Mỹ kỳ thú ấy, o Lai được đi học lớp y tá, rồi xung phong vào mặt trận B5, miền tây Quảng Trị.
Năm 1973 o Lai xuất ngũ, về công tác tại Bệnh viện huyện Thạch Hà và gặp anh thương binh Nguyễn Anh Đức đang điều trị ở đây. Hai người đem lòng yêu thương nhau, trở thành vợ chồng và có với nhau ba người con.
Chiến tranh ngày một lùi xa, bà Lai tưởng như sẽ không bao giờ gặp lại được anh phi công Mỹ năm xưa bị bà áp giải lên huyện.
Thật bất ngờ, một buổi sáng đầu tháng 9-1995, bà Lai đang bồng cháu nội sang nhà hàng xóm chơi thì nghe có người gọi: “Bà Lai về nhà, có mấy người nước ngoài hỏi nhà bà đó”.
Bà Lai tất tả bồng cháu về đến cổng, ngạc nhiên nghĩ trong đầu: “Ai mà cao to giống như Andrew Robinson hồi mình giải lên huyện ấy nhỉ”.
Bà chưa kịp chào hỏi, Andrew đã dang hai tay ôm bà cùng đứa cháu và xúc động nói: “Nếu như hồi đó một trong hai người chĩa súng bắn về phía bên kia, tôi và bà sẽ không có ngày hôm nay”.
Andrew Robinson kể cho bà Lai biết về cuộc đời mình sau khi trở lại Mỹ. Anh phải thất nghiệp sáu năm, sống trong một căn hộ tập thể, chưa có nhà riêng (tính từ ngày gặp bà Lai).
Khi nghe bà Lai giới thiệu về gia đình, con cháu của mình, Andrew đã không giấu được nỗi buồn. Andrew có đến hai lần cưới vợ. Không có người vợ nào sinh con cho Andrew. Vì thế, Andrew xem hai đứa con gái của người vợ sau như con đẻ của mình.
“Sau chiến tranh, ký ức về Andrew Robinson tôi vẫn nhớ y nguyên. Tôi cứ nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại anh ấy. Vậy mà tại cuộc gặp gỡ năm 1995 tôi không ngờ cuộc đời tôi lại hạnh phúc hơn người lính Mỹ ấy” - bà Lai nói.
Andrew nói với bà Lai là từ lâu rất muốn một lần sang Việt Nam tìm gặp lại bà nhưng hoàn cảnh không cho phép. Đến khi Hãng NHK của Nhật Bản mời Andrew sang Việt Nam thực hiện bộ phim tài liệu Cuộc hội ngộ sau 30 năm thì Andrew mới gặp lại bà Lai và chiến trường năm xưa.
Hai người sau đó rủ nhau quay lại tìm hang đá và con đường bà áp giải Andrew lên huyện Hương Khê. Vì thời gian cây cối mọc bao phủ và do có mưa nên hai người không thể đi sâu vào rừng tìm lại hang đá nơi Andrew ẩn nấp. Nhưng những ký ức chiến tranh về cuộc gặp gỡ đó thì bà và Andrew không bao giờ quên.
Mong ước cuối đời
Hiện tại bà Lai sống với con gái ở TP Hà Tĩnh. Thi thoảng bà lại vào Sài Gòn thăm con trai và cháu nội. Bà tâm sự chồng bà chết gần 10 năm, ngôi nhà tranh ở đường Nguyễn Công Trứ (TP Hà Tĩnh) mà ngày Andrew Robinson tìm đến gặp bà đã được bán cho người khác.
Bà Lai nói sau năm 1995 đến nay bà không hay biết thông tin gì về cuộc sống của Andrew bên Mỹ. “Giờ đây tôi đã ở tuổi gần đất xa trời, không biết còn sống được bao nhiêu năm. Nếu gặp lại Andrew lần nữa thì quý biết mấy” - bà Lai trầm tư nói về Andrew.