Bệnh xá Quân dân y đảo Thổ Chu (gọi tắt là BX Thổ Chu) thuộc Trung đoàn Thổ Chu - Vùng 5 Hải quân, nằm ở xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc - Kiên Giang. Điểm đất liền gần nhất là huyện U Minh - Cà Mau cũng cách đảo Thổ Chu đến 145 km. Vì vậy, ngoài việc đảm nhận chăm sóc sức khỏe cho Trung đoàn Thổ Chu, BX còn “bao sân” thêm 2.000 người dân trên đảo.
Liều mạng rồi... khóc
Hôm đến Thổ Chu, tôi nghe người dân bàn tán không ngớt về ca cấp cứu ở BX đêm trước. Đôi mắt đỏ ngầu mệt mỏi nhưng thượng úy - bác sĩ (BS) Trần Đình Dũng, BX trưởng BX Thổ Chu, không giấu được vẻ vui mừng cho biết bệnh nhân đã được chuyển lên TPHCM và qua cơn nguy kịch.
“Đó là một quân nhân viêm tụy và suy thận cấp, khi đến BX thì đã trụy tim mạch, huyết áp có lúc bằng 0… Trong khi chờ tàu cấp cứu đưa lên tuyến trên, suốt 2 ngày 1 đêm, đội ngũ y - BS của BX đã phải dùng nhiều cách sơ cứu, chăm sóc để kéo dài sự sống cho bệnh nhân” - BS Dũng nhớ lại.
Bốn năm làm việc ở Thổ Chu, không ít lần BS Dũng phải “liều mạng” nhưng lần nào cũng thành công. “Cuối năm 2012, BX tiếp nhận một bệnh nhân đau ruột thừa đã sang đến giờ thứ 34. BX có 2 BS, 2 y tá và 2 y sĩ. Khi đó, một BS đã đi tập huấn, một y sĩ về đất liền nghỉ phép, BX lại không có điện (ở Thổ Chu, điện chỉ mở 7 giờ - 15 giờ 30 phút và 17 giờ 30 phút - 22 giờ 30 phút).
Bệnh nhân đã nguy kịch, có mổ cũng khó sống. Tuy nhiên, không thể nhìn anh ta nằm đợi chết, tôi quyết định phải mổ. Còn nước còn tát, tôi gọi thêm một y sĩ của Trạm Y tế Thổ Châu, mượn đèn pin của Bộ đội Biên phòng rồi tiến hành phẫu thuật” - BS Dũng kể.
Thiếu người, thiếu dụng cụ y tế, đã vậy, khi mổ ra, BS Dũng mới biết bệnh nhân viêm ruột thừa thể quặt ngược - một dạng rất phức tạp. “Tình hình càng khó khăn hơn nhưng ca mổ cũng đã thành công sau 2 giờ căng thẳng. Kíp mổ chúng tôi mừng đến ứa nước mắt. Giờ thì bệnh nhân này đã chơi bóng chuyền được rồi” - BS Dũng khoe.
“Bà mụ” mát tay
Với người dân Thổ Chu, BS Dũng còn là “bà mụ” mát tay, nhất là ca mổ lấy thai nhi bị quấn nhau cách đây hơn 1 năm. BS Dũng cho biết đó là ca cấp cứu nhớ đời của anh. Sản phụ tên Nguyễn Thị Mỹ Hiệp, trước đó đã đến khám ở Trạm Y tế Thổ Châu, vì có triệu chứng chuyển dạ nên được truyền dịch, kích thích sinh.
Sau đó, sản phụ bỗng trở mệt, tim thai không đều nên trạm y tế đã chuyển chị sang BX Thổ Chu. Chẩn đoán cho thấy sản phụ có khung xương chậu hẹp, nếu để sinh tự nhiên thì rất nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con.
“Trường hợp này phải mổ cấp cứu. Tôi học đa khoa, sản thì cũng biết nhưng chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không kỹ, trước đó lại chưa từng đỡ đẻ, nói gì đến mổ cấp cứu. Thế nhưng, đi tàu vào Phú Quốc cấp cứu phải mất hơn 8 giờ, không mổ ngay thì cả mẹ con đều không sống được. Gấp gáp quá, tôi lôi “cẩm nang” thời đại học ra, gọi điện thoại tham khảo các thầy ở bệnh viện lớn ngoài Hà Nội và TPHCM, suy tính dữ lắm rồi mới quyết định mổ” - BS Dũng cho biết.
Ca mổ tiến hành chừng nửa giờ thì em bé được đưa ra ngoài. “Lúc nghe bé khóc oe oe, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Bé cân nặng 2,5 kg, khi mổ ra, nhau đã quấn 3 vòng quanh cổ. Giờ nghĩ lại tôi còn thấy vừa sợ vừa mừng vì nếu mình quyết trễ một chút thì…” - BS Dũng xúc động.
Con trai chị Hiệp giờ đã được 1 tuổi, bụ bẫm, khỏe mạnh và vẫn đến khám định kỳ tại BX Thổ Chu. Tiếng lành đồn xa, sau đó, BS Dũng còn mổ thêm cho một ca sinh khó nữa. “Trong năm 2012, BX Thổ Chu đã khám chữa bệnh cho hơn 2.500 lượt dân và quân trên đảo” - anh phấn khởi.
Thiếu thốn trăm bề
BX Thổ Chu là một dãy nhà cấp 4 đang xuống cấp. Nước trên đảo không đủ dùng, BX cũng phải hết sức tằn tiện. Lượng thuốc tiếp tế từ đất liền không đủ, BX phải vận dụng các phương thuốc đông - tây y kết hợp. Vườn thảo dược của BX tuy còi cọc nhưng cũng đóng góp đến 50% lượng thuốc điều trị. Trong phòng khám, bên cạnh tai nghe, máy đo huyết áp bán tự động, tôi chỉ thấy một tủ thuốc nhỏ với vài loại thông dụng.
Việc BS Dũng cứu sống mẹ con chị Hiệp có thể nhiều người đã biết nhưng “hậu trường” ca mổ đó thì ít ai tường tận. “BS thì tay ngang, bàn mổ không phải loại chuyên dụng, mổ sinh bằng dụng cụ mổ ruột thừa... Sau ca mổ cho chị Hiệp, BX được tuyến trên hỗ trợ một bàn mổ sản chuyên dụng nhưng dụng cụ vẫn là đồ mổ ruột thừa” - BS Dũng cho biết.
Trong phòng phẫu thuật của BX Thổ Chu còn có một bàn mổ khác bằng inox dài khoảng 2 m trông chẳng khác gì chiếc bàn ăn. Đèn chiếu phẫu thuật được tiếp nhận từ năm 2008 nhưng vốn có “niên đại” từ năm 1985 nên đã gỉ sét.
Khi phẫu thuật, để không gây nhiễm trùng cho bệnh nhân, nhân viên BX phải dùng khăn mỏng vô trùng phủ lên thân đèn. Máy điều hòa mới được cấp vài tháng nay nhưng là loại cũ nên phải khởi động từ 45 phút đến 1 giờ mới đủ lạnh để mổ, khi chạy thì kêu như máy xay lúa.
Khi chúng tôi gọi đùa BX Thổ Chu là “BX đồ cổ”, BS Dũng và các nhân viên y tế ở đây đều cười. Quả thật, hầu hết các thiết bị, dụng cụ mà BX đang sử dụng đều là thứ thải ra từ các bệnh viện. Duy nhất có chiếc máy X-quang được Chương trình Phòng chống lao quốc gia hỗ trợ từ ngày 4-2-2012 là mới nhưng phòng chụp lại tường gạch, cửa gỗ, không được niêm chì để chống xạ!