Kỳ thi quốc gia 2016: “Nín thở” chờ một mùa thi trôi chảy

Tùng Anh |

Phương án thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2016 vừa được Bộ GDĐT công bố có nhiều chỉnh sửa nhằm tháo gỡ những bất cập của mùa thi trước. Tuy nhiên, các điểm mới vẫn chưa làm thí sinh, phụ huynh và giáo viên yên tâm.

Lại trông chờ may rủi

Một trong những điểm “đặc biệt” mới trong phương án thi THPT quốc gia được Bộ GDĐT điều chỉnh trong năm 2016 là việc hạn chế nguyện vọng trong các đợt xét tuyển.

Theo đó, năm nay, các trường ĐH chủ trì cấp duy nhất 1 giấy chứng nhận kết quả thi có mã số để sử dụng trong đăng ký xét tuyển.

Thí sinh (TS) có thể đăng ký trực tuyến trên website của các trường ĐH mà không phải đến nộp trực tiếp tại trường hoặc gửi qua bưu điện.

Ngoài ra, thay bằng việc có thể liên tục rút – nộp hồ sơ chuyển đổi ngành, trường trong mùa tuyển sinh trước, năm nay, mỗi đợt xét tuyển, TS được phép đăng ký xét tuyển 2 trường ở đợt 1, 3 trường ở các đợt sau.

Mỗi trường chỉ được nguyện vọng tối đa 2 ngành thay vì 4 ngành như năm 2015. Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, điều chỉnh này sẽ khắc phục tình trạng thi nhau rút – nộp hồ sơ gây tình trạng, hỗn loạn giống như bị “vỡ trận” vào những ngày cuối.

Quy định mỗi trường chỉ được nguyện vọng tối đa 2 ngành cũng giúp TS nhận thức được việc lựa chọn ngành nghề phù hợp, theo sở thích chứ không bất chấp để đỗ vào ngành mà mình không thích.

Em Lê Ngọc Lâm, học sinh Trường THPT Quỳnh Thọ (Quỳnh Phụ, Thái Bình) năm nay sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia không vui mừng vì đổi mới.

Em lo lắng: “So với mọi năm thì cơ hội đỗ vào ĐH năm nay sẽ bị hạn chế rất nhiều. Mặc dù vẫn là 4 nguyện vọng, nhưng sau khi gửi hồ sơ xét tuyển rồi thì chỉ còn biết ngồi đó trông chờ may rủi thôi.

Khi các trường công bố danh sách điểm, nếu thấy tên mình không lọt vào chỉ tiêu trong khi điểm vẫn có thể trúng vào trường khác mà không thể làm gì thì thật là đau khổ”.

Thầy Nguyễn Văn Tình – giáo viên một trường THPT tại TP. Thanh Hóa cũng lo ngại: “Mặc dù ở các đợt xét tuyển sau số lượng TS đã giảm đi nhiều, nhưng quy định cho phép TS rút – nộp hồ sơ vẫn có thể gây ra tình trạng náo loạn như năm trước.

Bộ GDĐT nên có giải pháp buộc các trường, địa phương cam kết việc đảm bảo công nghệ thông tin phục vụ TS, tránh tình trạng nghẽn mạng”.

Nhiều cụm thi vẫn rối

Nếu như trong năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia chỉ có 38 cụm thi do các trường ĐH chủ trì và duy trì cụm thi tại tỉnh và liên tỉnh do các sở GDĐT chủ trì thì năm nay Bộ GDĐT chủ trương mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều tổ chức hai loại hình cụm thi để xét tốt nghiệp và ĐH, CĐ.

Bộ GDĐT cũng trao quyền tổ chức các loại hình cụm thi cho Sở và nhấn mạnh các Sở “tùy tình hình cụ thể của địa phương” để có thể chọn hình thức tổ chức cụm thi phù hợp.

Giải pháp này, theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển sẽ hạn chế tình trạng TS phải di chuyển quãng đường dài ra các thành phố lớn để dự thi.

Tuy nhiên, việc vẫn giữ lại hai hình thức cụm thi như năm trước khiến những lo ngại về tình trạng rối, không công bằng giữa các cụm thi chưa thể xóa bỏ.

Nói về điều chỉnh này, GS Văn Như Cương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, trong năm 2015, Bộ GDĐT tổ chức 2 cụm thi có tính chất khác nhau nhưng TS ở cụm nào cũng có quyền xét tuyển vào ĐH như nhau vậy thì đặt ra 2 cụm thi không có ý nghĩa gì cả.

GS Cương cho rằng: Mỗi tỉnh nên có một cụm thi và không phân biệt cụm thi do trường ĐH chủ trì hay Sở GDĐT tổ chức.

Trong khi đó PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho rằng nên giao thẳng kỳ thi xét tốt nghiệp cho các Sở, còn các trường ĐH, CĐ có thể dùng rất nhiều hình thức để xét tuyển TS như thi tuyển, phỏng vấn, dùng kết quả tốt nghiệp, học bạ…

“Bộ GDĐT đang làm thay, can thiệp quá sâu vào công việc của các địa phương. Việc sinh ra 2 hình thức cụm thi chứng tỏ Bộ chưa tin tưởng vào cấp dưới của mình có thể làm nghiêm túc kết quả xét tốt nghiệp.

Nếu 63 tỉnh thành 63 cụm thi thì việc thực hiện tổ chức thi nghiêm túc, hiệu quả vẫn là 1 dấu hỏi lớn” – ông Nhĩ nói.

"Những điều chỉnh của Bộ GDĐT về cơ bản phù hợp và cũng chính là những đề xuất mà nhiều chuyên gia giáo dục, các trường ĐH, CĐ đã đưa ra sau mùa tuyển sinh trước.

Tuy nhiên, việc không cho phép thí sinh thay đổi ngành/trường sau khi nộp hồ sơ có ưu điểm là tránh xáo trộn nhưng hạn chế khả năng tự quyết định của thí sinh dựa vào điểm thi.

Hay nói cách khác làm tăng việc đậu hay rớt tùy thuộc vào may rủi lúc nộp hồ sơ xét tuyển ĐH”

Thầy Đỗ Văn Xê – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại