Kỳ lạ phiên chợ đánh nhau càng to càng may mắn

Lê Quyết |

Người dân đi chợ không phải để mua bán, trao đổi hàng hóa như những phiên chợ thường lệ khác. Hàng năm cứ vào ngày mùng 6 Tết âm lịch là hàng ngàn người dân khắp mọi nơi lại đổ về đi phiên chợ đánh nhau ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa để cầu may.

Đánh nhau để cầu may mắn

Người dân địa phương và ngay cả những người cao tuổi cũng không biết được nguồn gốc của phiên chợ kỳ lạ này.

Mọi người chỉ biết theo truyền miệng là từ xa xưa cứ vào mùng 6 Tết âm lịch hằng năm là già trẻ, gái trai địa phương lại kéo nhau đi phiên chợ Chuộng ở bãi đất trống, ven sông.

Theo người dân địa phương gọi là Chợ đánh nhau để lấy may mắn.

Phiên chợ Chuộng kỳ lạ này chỉ họp vào sáng mùng 6 Tết âm lịch và không bày bán những vật dụng, nhu cầu thiết yếu hay đồ dùng phục vụ cho đời sống, mà chỉ toàn bán những đồ thực phẩm như:

Rau, củ, cà chua, táo, trứng gà, trứng vịt của người dân địa phương để phục vụ cho việc bán người dân đi chợ cầu may.

cho danh nhau,cho chuong,xa dong hoang,tinh thanh hoa
 Cứ vào ngày mùng 6 Tết âm lịch hằng năm là già trẻ, gái trai địa phương lại kéo nhau đi phiên chợ Chuộng ở bãi đất trống, ven sông (theo người dân địa phương gọi là chợ đánh nhau để lấy may mắn)

Người dân nơi đây quan niệm rằng, người đi bán là bán đi những cái đen đủi của một năm cũ, còn người mua thì mua cái may mắn cho gia đình mình để năm mới làm ăn phát đạt, cầu được ước thấy.

Kỳ lạ của phiên chợ Chuộng này là phong tục đánh nhau để cầu may, năm nào đánh nhau càng to thì năm đó người dân sẽ càng có nhiều may mắn và vụ mùa bội thu.

Không ai hẹn, không ai rủ người dân đổ xô đi mua trứng gà, trứng vịt, cà chua, táo… để ném vào người nhau. Người dân ở đây quan niệm, nếu ai bị ném vào người nhiều là năm đó sẽ có nhiều lộc.

Khi được hỏi về nguồn gốc của phiên chợ kỳ lạ này, cụ Trần Văn Kế 86 tuổi thôn 5, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng không biết rõ, cụ chỉ nhớ từ khi còn nhỏ đã được ông bà dẫn đi chợ để cầu may, lớn lên nếu ở nhà thì không có năm nào mà cụ và người dân nơi đây bỏ đi phiên chợ kỳ lạ này, người dân địa phương nơi đây còn có câu cửa miệng “Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng".

cho danh nhau,cho chuong,xa dong hoang,tinh thanh hoa
 Cụ Trần Văn Kế 86 tuổi thôn 5, xã Đông Hoàng, Huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cũng không biết rõ về nguồn gốc phiên chợ kỳ lạ này có từ bao giờ

Về tục lệ đánh nhau để cầu may của phiên chợ kỳ lạ này cụ Kế cho hay:

“Đây là quan niệm của người dân đã có từ xa xưa rồi, người dân quan niệm năm nào đánh nhau càng to thì năm đó người dân sẽ càng có nhiều may mắn và bội mùa!...”.

Không ai biết phiên chợ kỳ lạ có từ khi nào...

Để tìm hiểu về nguồn gốc phiên chợ Chuộng kỳ có từ bao giờ, PV báo Một Thế Giới có gặp, hỏi thêm một số người cao niên tại địa phương nhưng cũng không ai biết rõ về nguồn gốc phiên chợ kỳ lạ này.

Họ chỉ nghe truyền miệng  rằng, vào thời Lê, đúng vào ngày mồng 6 Tết, có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua đây. Để tránh bị giặc phát hiện, vị tướng ra lệnh quân sĩ cùng dân làng họp chợ.

Khi quân địch đến, tưởng đó chỉ là một phiên chợ quê bình thường nên không đề phòng, cảnh giác.

Lúc này, vị tướng phát lệnh tấn công, quân giặc bất ngờ không kịp trở tay và bị giết hết.

Và cũng từ đó, cứ mồng 6 Tết âm lịch là người dân lại ùn ùn, kéo nhau đến chợ để tưởng nhớ vị tướng này.

cho danh nhau,cho chuong,xa dong hoang,tinh thanh hoa
 Ông Lê Như Tuân - Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết, công tác an ninh năm nay được chú trọng để đảm bảo an ninh trật tự trong phiên chợ

Ông Lê Như Tuân - Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Theo quan niệm của người dân địa phương từ xa xưa thì đi chợ Chuộng đánh nhau để cầu may.

Thanh niên đi chợ ném cà chua, ném táo trêu ghẹo con gái đi chợ nên đó là mâu thuẫn gây ra những cuộc ẩu đả, đánh nhau giữa các nhóm thanh niên.

Chính vì vậy mà công tác an ninh năm nay chúng tôi rất chú trọng và sẽ điều động toàn bộ lực lượng Công an xã (gồm 27 đồng chí) phối hợp với Công an Huyện phân công thành các tổ được bố trí xung quanh khu vực để đảm bảo an ninh trật tự trong phiên chợ”.

“Chính quyền địa phương đã xây dựng, chuyển chợ qua địa điểm khác và cũng lấy tên chợ Chuộng nhưng không ai đến mà cứ đến ngày mùng 6 Tết âm lịch hàng năm hàng ngàn người dân khắp nơi lại vẫn đến bãi đất trống ven sông họp chợ để cầu may”, ông Tuân cho biết thêm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại