Nếu là bạn bè thân thiết, họ sẽ tặng cho nhau một chiếc quan tài như là món quà giá trị nhất của cuộc đời. Kỳ lạ hơn, trong lễ chạm ngõ, đám hỏi hay đám cưới thông sui gia có sính lễ tặng là những cỗ quan tài.
Cũng ở vùng đất này, chuyện cọp, beo xuống làng để “bầu bạn” không còn lạ. Những chuyện này mới nghe tưởng đùa nhưng có thực 100% ở vùng đất người H’rê ở thôn Gọi Re, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ nhiều năm qua.
Sính lễ ngày cưới là quan tài
Xã Ba Xa, huyện Ba Tơ vốn xưa nay được biết đến là nơi nghèo khó, trắc trở nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Cuộc sống người đồng bào nơi đây quanh năm bám níu nương rẫy với ngô khoai sắn qua ngày. Miếng ăn lo chưa xong nên chuyện mặc cũng chẳng được bà con quan tâm.
Ở vùng đất này, không hiếm những ngôi nhà làm bằng lều bạt tạm bợ phập phồng để che nắng che mưa ở tạm qua ngày. Họ vẫn còn giữ tập quán săn bắt hái lượm. Đây là phương thức tìm kiếm thức ăn tồn tại từ lâu đời nhất, mà cho đến nay có lẽ chỉ còn trong ký ức xa xăm của nhiều bộ tộc, bộ lạc.
Không những vậy, họ có một đời sống tâm linh khá khác lạ. Khi còn sống, nếu là bạn bè thân thuộc hay người thân thiết thì họ sẽ tặng cho nhau một chiếc quan tài như là món quà giá trị nhất của cuộc đời.
Kỳ lạ hơn, trong lễ chạm ngõ, đám hỏi hay đám cưới thông sui gia có sính lễ tặng là những cỗ quan tài. Theo quan niệm, việc tặng quan tài như vậy sẽ thể hiện lòng hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên.
Cuộc sống của người H’rê vẫn còn hết sức khó khăn, nhà cửa tạm bợ nghèo nàn.
“Chúa sơn lâm” không cắn xé người
Điều khá lạ ở vùng đấy này còn ở những câu chuyện về những cuộc săn bắn nơi rừng sâu thẳm. Đó là những lần đối mặt một sống một còn với những “chúa tể sơn lâm”.
Theo anh Don, một thanh niên người H' Rê thôn Gọi Re, cách đây không lâu anh vào rừng thì bắt gặp dấu chân những con hổ. Sau đó, anh ra hiệu cho nhiều người đi cùng phối hợp để “quật ngã hổ”. Sau đó, một con hổ vằn to bằng 2 con lợn rừng lớn lao thẳng về phía anh Don.
Quá bất ngờ, anh Don chỉ kịp lao vào bụi cây gần đó, nhưng hai chân thì vẫn thò ra ngoài. Con mãnh thú đã kịp lao tới, cào lấy chân phải của anh trầy xước nhưng lại không hung hãn đến mức cắn xé 2 chân, hoặc cắn xé anh.
Anh Don kể rằng, đây không phải là lần đầu tiên anh gặp hổ. Nhưng lần nào hổ cũng không làm hại anh!
Nói về chuyện hổ không tấn công người, già làng Phạm Văn Tu năm nay đã ngoài 70 tuổi cho biết, cả đời già không nhớ nổi bao nhiều lần gặp hổ. Nhưng mỗi lần gặp già không bao giờ sợ sệt vì hổ rất “ngoan, hiền lành”. Nhưng điều đó không có nghĩa là lúc nào hổ cũng hiền, dễ săn bắn mà chúng rất khôn ngoai, kỳ quái.
Già làng còn nhận xét những con hổ bây giờ … hiền lành chứ hung hãn như trước đây!? Thời đó, rất nhiều người đi làm rẫy, tắm suối, hay phụ nữ trẻ em… thường xuyên bị hổ quấy nhiễu, tấn công khiến người thì bị thương, kẻ bị chúng lấy mạng.
Người dân nơi đây cho biết, con đường dẫn vào thôn buổi sáng thường xuất hiện dấu vết chân hổ.
Nay, những con hổ mạnh dạn, “thân thiện” và hiền hơn lúc trước. Chúng thường xuống núi vào ban đêm nhưng hiếm khi lao vào nhà dân phá phách hay hại bất cứ một ai. Chuyện mỗi buổi sáng người dân phát hiện trên đường vào thôn đầy vết chân hổ đã không là lạ. Còn chuyện đi rừng thấy, gặp hổ là chuyện diễn ra “như cơm bữa”.
Bà Võ Thị Bích Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Xa cho biết, thôn Gọi Re, xã Ba Xa là địa phương có điều kiện giao thông trắc trở, khó khăn. Đời sống của bà con cũng còn hết sức khó khăn, vất vả.
‘Nhưng có lẽ cũng chính vì thế mà bà con nơi đây còn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hoá “độc đáo” như tặng quan tài ngày cưới, tặng quan tài cho người thân thiết…”, bà Lê nói.
Bà cũng Le cũng cho hay từng nghe báo cáo là ở thôn thường xuyên có hổ rừng đêm đêm xuống địa bàn “quấy nhiễu”.
Dù cho rằng hổ đã "hiền" hơn, nhưng nhiều gia đình ở vùng đất này vẫn rào chắn cẩn thận để phòng hổ xông vào nhà.