Làng chài Phước Hải nằm ven theo bờ biển, được ngăn cách với biển bằng con đê kiên cố, vững chãi.
Hầu hết, những nhà dân ở đây đều dựng nhà cấp 4, mái pro-ximang; bên trên đều có phủ bằng nhiều bai tải cát để giữ ngói không cho gió biển thổi bay.
Cuộc sống của người dân nơi đây gắn với những buổi ra khơi, ra lộng. Nhưng, nó cũng được bao phủ bằng những truyền thuyết gắn với loài cá lớn nhất trên biển, được ngư dân tôn thờ gọi tên Cá Ông.
Dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng ngư dân Phước Hải đã không tiếc quyên tiền xây dựng đền thờ Cá Ông đẹp lung linh như cung điện, và đặt tên là Dinh Ông Nam Hải.
Cụ Nguyễn Văn Lục, (tên gọi khác là cụ Tám, gần 90 tuổi, thành viên ban tế tự Dinh Ông Nam Hải cho biết: Trước, dinh thờ Ông nằm cùng khu nghĩa địa cá voi. Nhưng, mỗi năm, số lượng “Ông” về lụy càng nhiều, không đủ chỗ chôn cất nên người dân dời Ngọc lăng về phía cuối làng.
Theo lịch sử, Dinh Ông Nam Hải có từ thuở khai mở vùng đất Phước Hải. Ban đầu nó nằm nơi bãi ven mép sông, chỉ là một cái miếu cất bằng tre, lá tạm bợ. Khi đó, miếu ông đã có sẵn sắc phong "Nam Hải đại tướng quân" của triều Nguyễn.
Do chiến tranh, miếu bị đốt cháy mấy lần. Dù ngôi miếu bị nạn nhưng người dân vẫn giữ được sắc phong cho đến tận bây giờ.
Năm 1955, sau một lần miếu bị đốt cháy, ngư dân địa phương chọn một miếng đất giữa làng chài dựng dinh đơn sơ bằng cây tạp. Người ta đã cải táng, thỉnh cốt ông đưa vào dinh thờ. Khi có ông mới lụy, người ta đưa vào miếng đất cạnh dinh an táng.
Năm 1998, ngư dân Huỳnh Văn Hiện đi lưới gặp bão, tàu chìm. Ông chới với giữa biển khơi sóng dữ rồi kiệt sức ngất lịm. Trong cơn ngất, ông vẫn lờ mờ nhận ra có 2 “ông” bơi cặp nách ông đưa vào bờ. Nhờ vậy, ông sống sót. Sau chuyến tai nạn đó, ông Hiện đi vận động ngư dân góp tiền xây dựng lăng khang trang như hiện trạng.
Theo cụ Tám: làng chài Phước Hải là nơi cá voi lụy nhiều nhất trong suốt tuyến biển phía Nam. Trung bình mỗi năm có vài chục "ông" lụy vào bờ. Do quá nhiều hài cốt, không còn chỗ chứa, ban tế tự đã nhiều lần tổ chức hỏa thiêu.
Năm 2005, ban tế tự đã hỏa thiêu hàng ngàn bộ hài cốt lớn nhỏ. Từ đầu năm 2013 đến nay đã có 21 cá thể cá voi chọn vùng đất này để lụy.
Ngư dân ở đây cho rằng, Phước Hải là "nguyên quán" của ông nên khi biết sắp qua đời, ông đã hồi cố hương để lụy.
Người ta đã từng trông thấy 2 cá voi khỏe mạnh bơi dìu cá voi sắp chết từ biển khơi vào tận bờ. Khi ông lụy dưới nước, bên cạnh cái xác luôn luôn có một cặp cá đao, một cặp tôm, một cặp mực bơi quanh hộ tống cho đến khi cái xác được ngư dân vớt lên bờ chon cất.
Tại Dinh Ông Nam Hải vẫn còn lưu giữ một đoạn xương sống cá voi khổng lồ đã hóa thạch, đường kính của xương đĩa đệm khoảng 30 cm. Người dân cho rằng, đó là mẫu xương của cá voi Đại thần tướng quân.
Ngư dân Phước Hải cho rằng, cá Ông là “thần hộ mệnh” giúp họ thuận buồm xuôi gió trong những chuyến ra khơi đánh cá. Đó cũng là vị thần trong tín ngưỡng của nhiều vùng ven biển gắn với nghề chài lưới.
Cận cảnh ngôi đền thờ cá Ông lớn nhất Việt Nam: