Chỉ cần ngậm củ gừng đọc “thần chú” rồi thổ phù vào mắt là mế Bùi Thị Hán (68 tuổi) ở thôn Nghẹ, xã Thành Minh, huyện Thạnh Thành, (Thanh Hóa) trị được bệnh đau mắt cho người dân. Không những thế, mế còn nức tiếng với thuật chữa bệnh sốt phát ban, lên hạch bằng “chém dao”…
Thuật thổi mắt bằng củ gừng
Dừng chân ở một quan nước nước ven đường, tôi tỏ ý hỏi chuyện về thầy lang chữa bệnh nan y ở trong bản Mường, bà cụ bán nước tuổi trạc 60 liền bảo: “Ở bản này có “mế Hán” giỏi lắm, nghe đâu bà chỉ cần ngậm củ gừng thổi phù một cái là khỏi bệnh đau mắt đỏ, nếu chú không tin thì cứ đi tắt qua ngọn đồi này sang đầu dốc bên kia hỏi thăm là đến nhà”.
Sau một hồi loay hoay hỏi đường cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến nhà mế Hán. Khi tỏ ý hỏi chuyện về thuật thổi mắt đỏ bằng củ gừng, mế Hán cao giọng nói: “Bài thuốc thổi mắt này là do mẹ tôi tức cụ Bùi Thị Vé truyền lại. Trước kia ngoài thổi mắt, mẹ tôi còn nức tiếng với mẹo chữa bệnh “động kinh” bằng quạt váy”.
Củ gừng dùng để thổi mắt
Theo mế Hán, cách đây vài năm cô Huệ người ở trong bản đi bắt cá, mới đến bờ hồ đột nhiên lên cơn “động kinh” ngất xuống đất tím tái. Mọi người ai nấy đều lo sợ, lúc đó mế Vé chạy lại vén váy lên rồi bước qua bụng cô Huệ ba lần. Vừa bước qua, bà vừa túm váy quạt thốc vào người, chỉ một lát sau thì cô Huệ tỉnh lại.
Lúc còn nhỏ tuổi, mế Hán còn chứng kiến việc mẹ mình chữa bệnh dòi bâu ở trâu. Năm ấy trong bản có con trâu mộng của ông hàng xóm húc nhau ngoài đồng bị vết thương khá nặng, máu đỏ lòm ở bả vai trước, ruồi nhặng bâu kín, chỉ vài ngày sau chỗ đó đã mưng mủ có dòi.
“Không biết ai mách mẹ tôi, bà đến cạnh con trâu lấy trong cạp váy ra một cuộn dây thừng. Chỉ thấy bà cúi đầu lẩm bẩm vào sợi dây một lúc rồi bảo chủ nhà buộc vào sàn cho rủ xuống, đầu dây chạm đúng giữa vết thương của trâu. Xong xuôi mế dăn: “Ngày mai dòi bắt đầu chui ra, nội trong ba ngày là sạch, trâu có thể đi cày”.
Hôm sau mế Hán hồi hộp lắm, không thể tin vào mắt mình, dòi đang lũ lượt bò từ vết thương leo ngược sợi dây, rồi rơi lả tả xuống đất. Quả nhiên đúng ba ngày sau, con trâu đực của ông hàng xóm đi cày được thật. Về sau cụ Vé mất, mế Hán đã thừa hưởng được phương pháp trị bệnh bí truyền thông qua những câu thần chú nửa thực nửa hư để chữa bệnh cho dân.
Ngồi nói chuyện được một lúc thì anh Quách Văn Chính ở bản Bất Mê bước vào. Mấy hôm trước anh Chính đi xe máy vào ban đêm, chẳng may để con côn trùng bay trúng vào mắt. Biết được nguyên nhân, mế cầm củ gừng lên miệng và đọc thầm câu thần chú bằng tiếng Mường với đại ý: “Mượn chàng củ gừng vàng/ Mượn nàng củ gừng xanh/ Nấp nía trong vườn mang về thổi mắt…”. Sau câu thần chú bí ẩn đó, mế nhìn chăm chăm vào mắt anh Chính rồi bất ngờ thổi phù một cái.
Mế Hán trị bệnh cho người thanh niên
Thổi xong mế bảo: “Mấy hôm trước anh Bùi Công Quế người ở trong bản cũng bị đau mắt không mở được ra. Bà vợ phải đưa đến nhà nhờ tôi thổi, thế mà hôm nay đã thấy anh lên nương đi làm được rồi”. Với biệt tài trị bệnh bí truyền của tổ tiên, hầu như người dân trong bản bị đau mắt đều tìm đến nhà nhờ mế Hán thổi. Theo mế, khi thổi phải dùng hơi đồng thời kết hợp cả “âm – dương” mới hiệu quả.
Trị bệnh phát ban bằng “chém dao”
Trên chiếc tủ ở giữa nhà luôn có một bát hương thờ riêng mế Vé, kế bên bát hương là con “dao thần”. Con dao này ngày xưa mế Vé thường mang theo để trị bệnh cho người dân trong bản. Đến nay con dao ấy đã trải qua bốn đời. Trong nhà mỗi khi có ai bị ôm đau bệnh tật, mế lại thắp nhang cầu khấn cụ Vé, mế cầu xin tổ tiên ban phép để hạ dao trên bàn thờ xuống trị bệnh.
Thấy chúng tôi tò mò về con dao thần bí kia, mế Hán nói nhỏ: “Nó thiêng lắm, người ngoài không cầm được đâu. Lúc nào đi trị bệnh phát ban hoặc lên hạch ở cổ…, thì tôi mới dùng đến nó thôi chú à”. Bài phép trị bệnh phát ban bằng “dao thần” rất kỳ quăc, đầu tiên mế sẽ đưa lưỡi dao lên miệng đọc lẩm bẩm một vài câu gì đó. Đọc xong mế chém nhẹ lưỡi dao từ phía trên xuống hòn ban đang nổi cục ở bẹm, sau đó tiếp tục chém từ dưới lên, rồi lại từ trái qua phải, xong lại chém từ phải qua trái. Chém khi nào nhìn thấy hòn ban của người bệnh dồn lại nhỏ bằng hạt đỗ thì mới khỏi.
Con “dao thần” đã trải qua bốn đời.
Ngoài cách trị bệnh bí truyền này, mế Hán còn sử dụng lá thuốc nam kết hợp “âm – dương” để chữa bệnh phong gió, bệnh thận, động kinh… Mế tâm sự: “Chữa bệnh động kinh nhạy nhất là sử dụng dây thắt cổ của người tự vẫn. Sợi dây này chỉ cầm mang luộc vào nước, sau đó đem cho người bệnh uống là khỏi ngay tức khắc”. Phương pháp trị bệnh lạ này là sự kết hợp giữa người sống và người chết, tuy nhiên để tìm được dây thắt cổ là rất khó.
Mế sinh được bảy người con, trong số đó chỉ duy nhất có một người con gái. Mỗi khi đi hái thuốc, bà lại mang con gái đi theo để chỉ dẫn cái bài thuốc từ những loài cây rừng. Mế bảo: “Nghề này chỉ truyền cho con gái, khi nào tôi chết đi ắt nó sẽ báo mộng rồi lại nhập và con Tư thôi. Ngay xưa khi mẹ tôi mất, tự nhiên bà cụ quay về báo mộng rồi mách các bài thuốc là nhớ hết”.
Trao đổi với ông Bùi Văn Đặng trưởng thôn Nghẹn về phương pháp trị bệnh bí ẩn này, ông cho biết: “Việc thổi mắt bằng “thần chú”, trị bệnh phát ban bằng “chém dao” của cụ Hán có vẻ phản khoa học. Tuy nhiên cũng chưa có ai nghiên cứu và khẳng định việc chữa bệnh này có hiệu quả thật hay không. Việc chữa bệnh của mế Hán xuất phát từ cái tâm cho nên người dân họ rất tin tưởng”.