Huấn luyện bồ câu đua
Vào ngày cuối tuần nắng đẹp, tôi hẹn những chủ nhân đang tự mang sứ mệnh huấn huyện “chiến binh hòa bình” cho các cuộc đua trên bầu trời tại Hội Chim cảnh Cầu Tre (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) để tìm hiểu về thú chơi vô cùng đặc biệt này.
Họ không phải những đại gia lắm tiền nhiều của, họ là những lao động làm việc nghiêm túc theo giờ hành chính. Thế nên, tôi chỉ có thể hẹn gặp họ vào hai ngày cuối tuần. Bỏ lại sau lưng những nhọc nhằn, lo toan, áp lực của công việc, tạm gác lại những việc riêng gia đình, bè bạn, tôi thấy họ tập trung ở đây, vẻ mặt vô cùng viên mãn với những chú chim bồ câu.
Họ đến từ khắp nơi, ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề nhưng chung quy lại, họ có cùng một niềm đam mê cháy bỏng bồ câu đua. Chấn, hiện đang là sinh viên năm cuối Trường Đại học Hoa Sen, khá rành về việc huấn luyện bồ câu đua. Tôi trố mắt ngạc nhiên, Chấn cười ý nhị: “Tôi chơi chim từ những năm 1996, 1997 mà. Lúc đó mới mấy tuổi đã biết mê chim rồi”.
Từ câu chuyện của Chấn, tôi phần nào hiểu được công việc huấn luyện một chiến binh bồ câu nó gian nan, tỉ mẩn và nhọc nhằn biết mấy.
Chọn giống bồ câu là công đoạn đầu tiên và quan trọng nhất. Bồ câu đua không giống với bồ câu làm cảnh hay bồ câu ta vì yêu cầu cao về sức khỏe và sự tinh anh. Họa may bắt được chú bồ câu bay lạc từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc qua thì như vớ được vàng. Bởi, đây là những giống chim đã được đào tạo, huấn luyện bay đường xa, chúng có khả năng đề kháng và sức bay phi thường.
Nhân giống bồ câu đua ưu tiên bằng dòng gen F1 này là tuyệt nhất. Chấn cho biết: “Bồ câu con nở ra được khoảng 5-7 ngày tuổi là bắt đầu đeo kiềng. Độ một vài tháng, chim mọc lông, mọc cánh, mình bắt đầu tập cho nó bay. Đầu tiên là bay vòng chảo trên không trung nhằm luyện khả năng của đôi cánh cũng như định vị trí căn cứ trú ngụ.
Tiếp đó, người chủ sẽ mang chim đi thả từng chặng bay, lần lượt từ gần tới xa cự ly tăng và giảm cho chiến binh quen dần. Nếu như cuộc đua từ Phan Thiết (Bình Thuận), chúng tôi sẽ đưa chim thả ở Dầu Giây, Xuân Lộc (Đồng Nai) rồi ra tới vạch xuất phát ở Phan Thiết cho chim làm quen chặng đường nó sẽ đua”.
Tuy nhiên, việc huấn luyện không chỉ suôn sẻ là đưa chim đi thả như thế. Công sức nhọc nhằn huấn luyện một chiến binh bồ câu khi mang đi thả, có khi lần đầu nó đã bay mất dạng. Thế là mất chim, mất hết công sức, thời gian. Lại bắt đầu từ con bồ câu “đỏ hỏn”.
Mỗi bồ câu con một khi được nhắm sẽ trở thành chiến binh thì ngay khi vừa lọt trứng đã phải mang chiếc kiềng “thân phận”. Trên kiềng ghi đầy đủ tên họ, số điện thoại. Một cái kiềng khác ghi đặc điểm năm kiềng phát hành và một dãy số nhảy để phân biệt với những chú chim khác.
Một chiến binh được cho là “chín muồi” cho cuộc đua khi chiến binh ấy đã phải trải qua thời gian huấn luyện bền bỉ, nghiêm khắc từ một đến hai năm.
Cuộc thi của những người chơi chim thường tổ chức một hoặc nhiều lần một năm tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cho phép. Chấn chia sẻ: “Thời gian đăng ký ghi danh và làm thủ tục dự thi là vui và hào hứng nhất. Chiến binh dự thi mang tới trình Ban tổ chức để dán mật mã và đóng dấu giáp lai lên cánh của chiến binh. Mật mã là những dãy số được bảo mật tuyệt đối chia làm hai liên. Ban tổ chức giữ một liên, chân chim được dán một liên, để cuộc đua diễn ra tuyệt đối khách quan, trung thực”.
Đến ngày giao chim, một nài chim sẽ chịu trách nhiệm mang chim đi thả, cùng đi là một trọng tài trong Ban tổ chức theo giám sát.
Tự hào “chiến binh hòa bình”
Từ thời điểm giao chim cho Ban tổ chức thì những người chủ ai về nhà nấy và hồi hộp ngóng cánh chim bay về. Từ độ ấy, không một ai quan tâm đến công việc gì ngoài việc chăm chăm chờ chim. Nguyễn Vĩ, một người chơi chim lâu năm, hiện đang là Hội trưởng Hội Chơi chim bồ câu của Chi hội Chim cảnh Cầu Tre cho biết: “Năm vừa rồi, chúng tôi tổ chức chặng đua Nha Trang – Sài Gòn.
Đoạn đường chim bay ước chừng 340km, với vận tốc trung bình từ 70-80km/h thì khoảng hơn bốn tiếng là chim bay về tới đích. Tuy nhiên, số lượng chiến binh tham gia đường đua trở về chỉ còn 50%, số còn lại hoặc là bị diều hâu, chim cắt tấn công, hoặc rơi rụng do gió bão, con người”.
Ngóng chim trở về luôn là khoảnh khắc hồi hộp, lo âu và tâm trạng nhất bởi những người chủ thật sự có tâm huyết và tình cảm với chiến binh của mình thì việc chúng có giành được giải hay không không còn là điều quan trọng nữa. Chiến binh tìm về đích, nơi tổ ấm của chúng với chủ là một điều gì đó thiêng liêng vô cùng.
Anh Vĩ chia sẻ: “Bồ câu không giống với những loài chim khác, người nuôi chúng hiểu được chúng và ngược lại, chúng hiểu được tình cảm của người chủ. Dường như hiểu được sứ mệnh của mình nên mỗi khi vào cuộc đua, tôi biết, chiến binh của mình cũng phải vật lộn với giông gió, vật lộn với hiểm nguy để tìm đường bay nhanh nhất về với chủ. Có những chú chim khi về tới nơi toàn thân trầy xước, lông lá tơi tả, máu me vương đầy mình”.
Theo luật lệ của Ban tổ chức, những người có chim tham gia đua sẽ túc trực ở nhà mình chờ chim về. Khi chim bay về, chủ chim sẽ lấy ở chân chim thẻ cào mật mã. Dùng điện thoại nhắn tin dãy số cào, sau đó gửi vào số điện thoại chung của Ban tổ chức. Căn cứ vào thời gian nhắn tin, đối chiếu mật mã thẻ cào, Ban tổ chức sẽ xác định chiến binh nào về sớm nhất để trao giải.
Anh Vĩ kể: “Có những trường hợp nhìn thấy chim trở về, chủ mừng quá nên nhắn tin sai mã số thẻ cào. Cho dù tin nhắn ấy có sớm nhất cũng sẽ bị loại”.
Cứ mỗi năm, Ban tổ chức lại kéo dài chặng đường đua theo chiều dài đất nước. Chặng đua mới nhất là Vinh – Sài Gòn với chiều dài đường chim bay khoảng 870km. Khi những chiến binh vừa được tung lên bầu trời Vinh thì bão tố nổi lên, cánh chim bay chao đảo. 4 cơn bão lớn bé liên tiếp đổ bộ vào đất liền những ngày sau đó. Ở trong Sài Gòn, những người chủ lòng nóng như lửa đốt, lo lắng cho sự an nguy của chiến binh.
Một tuần trôi qua, số điện thoại của Ban tổ chức chưa có một dòng tin nhắn. Và cuối cùng chỉ có hai chiến binh bay về. Đó là chiến binh của căn cứ Hoàng Râu về đích trong thời gian 9 ngày. Chiến binh về nhì của căn cứ Minh Bạc Đạn về đích trong thời gian 12 ngày. Một tháng một ngày sau đó, chiến binh của Lễ ở quận 8 về đích nhưng không được trao giải vì quá thời gian quy định.
Như vậy, trong đường đua xa nhất, bão tố nhất chỉ có hai chiến binh chạm đích còn lại hơn 30 bồ câu đã mất hút theo cánh chim trời. Hai chiến binh đoạt giải trong cuộc đua được trao cờ, trao cúp vinh danh và chủ nhân của nó được ngưỡng mộ hết lời.
Chiến binh đường đua, ngoài những câu chuyện về phân tranh đôi cánh còn nhiều kỷ niệm về thông điệp hòa bình, yêu thương của con người từ khắp mọi miền qua cánh chim bồ câu. Đó là câu chuyện chiến binh của anh Nguyễn Vĩ. Số là lần đó, bồ câu của anh Vĩ tham gia tập huấn tại Phan Rang – Tháp Chàm. Không hiểu sao, chiến binh của anh lại bay lạc tận quần đảo Thổ Chu, nằm ở phía Tây Nam đảo Phú Quốc.
Bẵng đi thời gian khá dài, anh không còn hy vọng chiến binh của mình sẽ quay về nữa. Thì một ngày, anh nhận được số điện thoại lạ gọi đến xưng là lính Hải quân ở đảo Thủ Chu đã bắt được chú bồ câu. Xem trên kiềng thấy có tên, số điện thoại nên anh lính Hải quân gọi tìm chủ của chim. Anh Vĩ mừng vui không tả được vì chặng đường quá xa không thể đưa chim trở về nên anh Vĩ đã nhờ người lính trên đảo chăm sóc hộ.
Sự cố trên đường đua khiến những chiến binh không thể hoàn thành sứ mệnh của mình, số may mắn sống sót, người dân bắt được trao lại cho chủ hoặc đòi tiền chuộc, còn lại đa phần tử nạn ở một nơi nào đó chúng bay qua.
Những chiến binh bay đi không quay trở về luôn làm người chủ thẫn thờ, nuối tiếc, đau đớn bởi chúng đã như một phần máu thịt đối với họ