Kỳ bí thi thể hòa thượng chôn 26 năm không phân hủy ở Quảng Ngãi

N.Chinh – T.Phúc |

Việc phát hiện nhục thân của Hòa thượng Thích Minh Đức sau 26 năm táng nhưng không hề phân hủy gây sững sờ đối với các nhà khoa học khảo cổ.

Khi nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ này, nhiều chuyên gia khẳng định, đây là một điều phi thường, chỉ có thể là thành quả của sự tu luyện đắc đạo mới thành.

Bởi, nhục thân của Hòa thượng Thích Minh Đức không hề cần đến bất kỳ một hình thức bảo quản nào, ngài được chôn tự nhiên, bị đè lên bởi một khối đất khổng lồ nhưng trải qua bao nhiêu năm mà vẫn không hề hấn gì.

Một hiện tượng lạ khác biệt hoàn toàn so với các nhục thân của những vị thiền.

Thi thể Hoà thượng Thích Minh Đức sau 26 năm chôn trong lòng đất vẫn như người đang ngủ.

"Xá lợi toàn thân" độc nhất vô nhị

Hiện tượng kỳ lạ và đặc biệt này được phát hiện vào 20h ngày 11/1/2011 (tức ngày 8 tháng Chạp năm Canh Dần) tại chùa Long Bửu (thôn Xuân Vinh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

Hôm đó, môn đồ pháp quyến cùng Phật tử địa phương đã tổ chức buổi lễ khai quật và di dời hài cốt của cố Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức qua tháp mới.

Mọi người đều ngỡ ngàng khi đào phần đất lên thì thấy di hài của ngài vẫn còn nguyên vẹn sau 26 năm chôn cất.

Quan tài của ngài đã bị mục nát nhưng chiếc áo cà sa những dải băng vải bó thân xác ngài vẫn còn nguyên vẹn.

Xương sọ của ngài có màu vàng. Hai xương bàn chân, các đốt xương bàn và cổ chân dính chặt vào nhau và dựng đứng lên như tư thế chôn ban đầu.

Khung xương phần thân của ngài không bị sập xuống, mặc dầu khối đất đè trên mình là quá lớn khi quan tài đã mục nát.

Kể về nhục thân bất hoại của Hòa thượng Thích Minh Đức, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, ông còn được đích thân Thượng tọa Thích Hạnh Khương (trụ trì của chùa Long Bửu) kể lại một chi tiết rất huyền bí.

Khi mới khai quật lên, thấy trên sọ Hòa thượng có ba chấm màu hồng.

Sau khi đưa nhục thân của ngài vào tháp thì một tuần sau, ba chấm chuyển sang màu đen, một tuần sau nữa ba chấm chuyển thành màu trắng, còn hiện nay là màu vàng.

Sau khi nghiên cứu về hiện tượng kỳ lạ trên, PGS.TS Nguyễn Lân Cường cho rằng, đây là hiện tượng “xá lợi toàn thân” hiếm có không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới.

Một hiện tượng bí ẩn của những vị cao tăng đắc đạo trong Phật giáo mà đến nay rất khó để giải thích thoả đáng về mặt khoa học.

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Cường, nói về sự huyền bí liên quan đến nhục thân của các vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam, trước đây chúng ta có 4 trường hợp và đặt tên theo khoa học là hiện tượng thiền táng , đó là các thiền sư: Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường (chùa Đậu -Hà Nội), Như Trí, Chuyết Chuyết (Bắc Ninh).

Đây là hình thức chôn cất người chết đặt trong chùa, ngồi trong tư thế thiền và để qua hàng trăm năm mà thân thể vẫn không mục rữa.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường với công việc khảo cứu
PGS.TS Nguyễn Lân Cường với công việc khảo cứu

Hình thức này đã xuất hiện ở Trung Quốc từ lâu và được gọi là “sơn ta bó lụa”. Ngồi chết trong tư thế thiền sau đó được cho vào một pho tượng, dùng tượng để táng thế nên còn có một tên gọi khác là tượng táng.

Hình thức này chỉ có ở trong Phật giáo, chỉ có ở những vị cao tăng đắc đạo.

Khi so sánh với hiện tượng “xá lợi toàn thân” của Hòa thượng Thích Minh Đức, thì được biết cả 4 vị này đều dùng kỹ thuật sơn ta trộn với phụ gia: Đất mối đùn, giấy dó, mạt cưa, vải màn rồi dát vàng, bạc, quang dầu... để phủ bọc lên cơ thể.

Còn nhục thân của cố đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức lại được chôn trong lòng đất vài chục năm.

Điều kỳ diệu nhất là khung xương phần thân của ngài không bị sập xuống, mặc dầu khối đất đè trên mình là quá lớn khi quan tài đã mục nát, bộ áo cà sa ngài mặc vẫn còn nguyên vẹn.

Kết quả của sự tu hành đắc đạo!?

Hiện tượng “xá lợi toàn thân” của Hoà thượng Thích Minh Đức nhanh chóng được lan truyền. Nhiều người khi chứng kiến hiện tượng này đã cho rằng đó là hiện tượng “mộ kết” mà trong dân gian vẫn thường đề cập đến.

Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã lần lượt phủ nhận những nhận định trên. PGS.TS Nguyễn Lân Cường khẳng định đây không phải là hiện tượng “mộ kết”.

Bởi khi tiến hành phân tích mẫu đất tại mộ của cố đại sư Thích Minh Đức thì không có dấu hiệu vật lý đặc biệt nào. Các nhà khoa học quả quyết rằng, đây không phải “mộ kết” như nhiều người vẫn lầm tưởng.

Để giải thích cho hiện tượng kỳ lạ này, PGS.TS Nguyễn Lân Cường quả quyết rằng, thân thể của vị hoà thượng này 26 năm trong lòng đất không bị mục rữa chỉ có thể là kết quả của quá trình tu hành.

Theo đó, Đại lão Hòa thượng Thích Minh Đức đã có một quá trình rất dài chứng nghiệm trong tu tập và đạt đến sự giác ngộ viên mãn. Điều đó thể hiện sự đắc đạo trong “tu chứng” mà chỉ có những vị cao tăng mới đạt được.

Chỉ có làm chủ được tâm thức thì ngài mới tự điều khiển được ngày, giờ ngài ra đi để trở về với cõi vĩnh hằng. Bên cạnh đó, PGS. Cường cũng cho rằng, cũng có thể do long mạch khi đặt huyệt mộ rất chính xác nên nhục thân được bảo toàn.

Cũng liên quan tới xá lợi toàn thân của Hoà thượng Thích Minh Đức, trao đổi với PV báo, Đại đức Thích Bản Quyền, trụ trì chùa Phúc Long Tự, Hải Phòng, cho rằng, ở góc độ nhà Phật, chúng tôi cho rằng đó là kết tinh của cả một quá trình tu luyện khi còn sống của cố đại sư Thích Minh Đức.

Theo quy luật thì sau một thời gian chôn dưới đất, vạn vật sẽ tiêu biến theo đất.

Hơn nữa vị trí đặt mộ của Hoà thượng Thích Minh Đức còn thường xuyên ngập nước thì chuyện di hài của ngài vẫn còn nguyên quả đúng là điều kỳ diệu.

Theo quan điểm của nhà Phật, nếu như hỏa táng mà còn lại một phần thì gọi đó là “ngọc xá lợi”, còn địa táng sau một thời gian vẫn còn lại xương thi gọi là “cốt xá lợi”, còn cố Hòa thượng Thích Minh Đức lại còn nguyên cả di hài thì chúng tôi gọi đó là “xá lợi toàn thân”.

“Hiện tượng “xá lợi toàn thân” là một điều quý giá, vinh dự cho đệ tử Phật môn.

Nếu như đối với người ngoài Phật thì có thể người ta sẽ cho rằng thời gian con người ta sống trên cõi đời này đã mắc phải nhiều sai lầm nên đến khi chết đi vẫn không được tiêu biến nhưng đối với cửa Phật thì chúng tôi lại có quan niệm ngược lại.

Như đã nói, điều này có được là do quá trình tu luyện của Ngài đã đạt tới cảnh giới của sự viên mãn, Ngài đã tuân thủ chặt chẽ các nội quy của nhà phật và hoằng dương pháp Môn tịnh độ đã làm cho nhục thân của Ngài được lưu giữ mãi với thời gian làm cho hàng vạn tăng ni Phật tử thêm xúc động, tín tâm càng thêm vững chắc trên con đường tu hành” – Đại đức Thích Bản Quyền chia sẻ.

Đồng quan điểm với Đại đức Thích Bản Quyền, TS. Vũ Thế Khanh, Giám đốc trung tâm UEA cho rằng, “ý kiến của tôi cũng giống như nhà Phật đưa ra đó là do công năng của ngài khi tu luyện, đã đạt đến mức gọi là đắc đạo.

Hiện tượng “xá lợi toàn thân” của Hoà thượng Thích Minh Đức không phải là hiện tượng mộ kết như quan điểm của nhiều người. Vì mộ kết hay không còn do vị trí mộ, chất đất nhưng trước đây đã có nghiên cứu chỉ ra rằng chất đất ở đó không có gì đặc biệt.

Do đó đây không phải là hiện tượng mộ kết. Có lẽ đó là công năng tu hành của các vị đại sư. Lấy ví dụ như trường hợp của Lục Tổ Huệ Năng bên Trung Quốc hay như các trường hợp thiền táng ở Việt Nam đều là do tu hành thì nhục thân của họ mới có thể bất hoại như vậy”.

Hòa thượng Thích Minh Đức, thế danh Nguyễn Khắc Dần, sinh năm 1901 tại làng Hiệp Phổ (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi).

Năm 17 tuổi, ngài xuất gia tu học. Vốn là người thông minh, ham học hỏi, lại vô cùng đức độ, khiêm nhường, nên năm 1940, ngài được cử về trụ trì Tổ Đình Long Bửu và đảm nhận làm Hội trưởng hội Phật giáo huyện Nghĩa Hành.

Năm 1945, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ngài được cử làm Hội trưởng hội Phật giáo cứu quốc huyện Nghĩa Hành...

Bên cạnh việc tu tập, ngài còn nghiên cứu về Đông y và trở thành một lương y nổi tiếng để cứu độ chúng sinh. Trước khi ra đi, ngài gọi đệ tử đến và dặn dò sau đó mới viên tịch.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại