Kỳ 2: Xôn xao tin đồn người dân mắc bệnh ung thư do bị "thánh vật"?

Tiến Mạnh |

(Soha.vn) - Rất trùng hợp, sau khi di chuyển mộ tại nghĩa trang cổ linh thiêng, nhiều người dân tại thị trấn Gia Lộc mắc bệnh hiểm nghèo.

Người sống “chiếm đất” người cõi âm

Liên tục mấy năm gần đây, ở khu vực thị trấn Gia Lộc xuất hiện những cái chết bất thường và tình trạng người mắc chứng bệnh tâm thần gia tăng đến mức báo động. 

"Cái hạn" của vùng đất này bắt đầu xảy ra từ năm 2007 -  mốc thời gian những ngôi mộ cổ thuộc nghĩa trang chợ Cuối (thị trấn Gia Lộc, Hải Dương) bị di dời để nhường đất cho việc xây dựng siêu thị.

Những câu chuyện về việc người sống “chiếm đất” người cõi âm, những thông tin ma mị đã xuất hiện và lan nhanh trong làng khiến ai nghe thấy cũng rợn người kinh hãi.

Để tìm hiểu thông tin xung quanh việc “chiếm đất” người cõi âm, PV đã đến gặp ông Nguyễn Xuân Miễn (cụm 15, thị trấn Gia Lộc), người được người dân nơi đây coi như một pho sử sống của làng.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Xuân Miễn đã lật giở lại ký ức lịch sử của khu chợ Cuối và khu nghĩa trang cổ.

Theo lời ông Miễn: "Chợ Cuối thuộc địa phận làng Cuối, thuộc xã Hội Xuyên, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng (thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay), được danh tướng thời nhà Trần là Nguyễn Chế Nghĩa xây dựng từ cuối thế kỉ XIII. Gặp thời binh cách, loạn lạc chợ không họp được, hàng hóa không thông.

Đến năm Mậu Tuất (1598) mới mở lại được chợ là nơi giao lưu hàng hóa của cư dân trong vùng. Cùng với sự phát triển của khu chợ Cuối, khu mồ mả cổ rộng 4000m2 nằm ngay sát khu vực chợ mà theo lịch sử truyền lại thì khu nghĩa địa này đã có cách đây gần 700 năm".

Cụ Miễn trò chuyện cùng phóng viên.

"Năm 2007, người ta đào khu mộ này để xây dựng siêu thị với số lượng 804 ngôi mộ. Có điều, lẽ ra chủ đầu tư nên phân loại và chôn riêng từng hài cốt thì với những hài cốt không có tiểu, người ta lại cho xương cốt chung vào bao và chôn thành hai ngôi mộ tập thể rộng 100m2 tại nghĩa trang Đống Rứa và tại khu vực nghĩa địa của làng", ông Nguyễn Xuân Miễn cho biết.

Việc đào chôn chung các ngôi mộ được ông Nguyễn Văn Tước, khu đội 6 xác nhận. Ông Tước cho biết, khi được người ta thuê chôn những ngôi mộ cổ này ông đã chôn hơn 800 ngôi mộ, thành hai ngôi mộ tập thể.

Ông Miễn cho biết thêm: "Ngay sau khi di chuyển nghĩa địa cổ này, người dân đã mời một nhà ngoại cảm về để nói chuyện với người cõi âm. Theo lời của nhà ngoại cảm này thì ở ngay khu nghĩa địa cổ vẫn còn nhiều ngôi mộ còn sót lại chưa được di chuyển hết".

Thông tin đồn thổi chuyện “thánh vật”

Những thông tin về việc di chuyển mộ tại nghĩa địa cổ linh thiêng cộng thêm việc nhiều năm nay các gia đình trong khu vực này lại liên tục gặp phải tai ương, điên loạn và những tai nạn bất thường khiến người dân nơi đây vô cùng hoang mang lo lắng.

Từ những nỗi sợ hãi ấy, người dân bán tín bán nghi đã thêu dệt nên những thông tin tưởng như hoang đường xung quanh những cái chết bất thường ấy. Họ đều quả quyết, tất cả những thông tin trên đều có căn cứ, không phải huyễn hoặc mà người ta dựng lên.

Nghĩa trang Đống Rứa nơi chôn cất ngôi mộ tập thể di dời từ nghĩa trang chợ Cuối.

Chúng tôi đã ra để mục sở thị khu nghĩa địa cổ theo sự chỉ dẫn của ông Nguyễn Xuân Miễn, nơi đã di chuyển những ngôi mộ để xây dựng siêu thị.

Nằm ngay sát khu vực chợ Cuối lụp sụp, là một tòa nhà ba tầng hiện đại, thuộc dự án khu phố thương mại và siêu thị chợ Cuối (nay là chợ Cuối) được hoàn thành hơn 4 năm với số vốn được đầu tư hơn 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trái ngược với bề ngoài khang trang, bên trong khu siêu thị này lại xuống cấp đến thảm hại và trông giống như một “ngôi nhà ma” vì từ khi xây dựng xong đến giờ không ai đặt chân đến.

Một người dân sống gần đây cho biết, nửa đêm đã có người nghe thấy những âm thanh lạ trong ngôi nhà như tiếng trẻ em khóc than. Những chuyện tâm linh thì không được thấy tận mắt nhưng chỉ nghe thấy người dân đã hoảng hồn.

Ngoài ra, khi nói về vấn đề tâm linh liên quan đến nghĩa trang cổ này, ông Nguyễn Xuân Miễn quả quyết, từ khi di chuyển mộ để xây dựng công trình đến nay, hàng chục người chết trẻ tại một dãy phố khoảng 200 mét thuộc khu vực đội 5 và đội 6. Khu vực này chạy dọc gần theo khu vực nghĩa trang cổ đã bị di chuyển để xây dựng cơ sở hạ tầng như hiện nay.

Hàng loạt người đang khỏe mạnh đột nhiên mắc bệnh tâm thần và đột tử khiến người dân thêu dệt nhiều câu chuyện hoang đường.

Không biết thực hư những câu chuyện trên đến đâu nhưng trong suốt thời gian qua nó khiến không ít người dân nơi đây “ăn không no, ngủ không yên” vì lo lắng. Họ bảo nhau mời thầy cúng, rồi góp gạo tu bổ một ngôi chùa, thờ cúng để mong “thần linh đừng bắt tội”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại