“Kiệu quay” không phải là sự cố ý
Clip lễ rước “kiệu quay” đâm liên tiếp và phá nát cửa kính hậu của chiếc xe Kia Morning và Toyota Zace được lan truyền nhanh chóng trên mạng ngày 27/2.
Clip ghi lại 4 thanh niên mặc trang phục truyền thống màu đỏ khiêng kiệu lao vào kính hậu của một chiếc xe ô tô sau khi có tiếng còi ra hiệu lệnh.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch phường Xuân Đỉnh xác nhận, 2 clip đó được ghi trong lễ hội của làng nhưng vào năm 2011 và 2012 chứ không phải năm nay như báo chí đã đưa tin.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch phường Xuân Đỉnh xác nhận sự việc kiệu quay vỡ cửa kính ô tô.
Ông cho biết, đó là chiếc xe Toyota Zace bị kiệu húc thủng kính trong lễ rước năm 2011 tại khu đô thị Ciputra và xe Kia Morning bị đâm thủng tại cổng trường THPT Xuân Đỉnh năm 2012.
“Từ đầu năm nay, chúng tôi chưa tổ chức lễ hội nào cả. Sự việc đó diễn ra vài năm trước, kiệu xô vào xe làm vỡ cửa kính là điều đáng tiếc, sự cố không may.
Để xảy ra sự cố đó, với vai trò là lãnh đạo địa phương, chúng tôi rất buồn. Vì vậy, sau khi xảy ra sự cố này, lãnh đạo quận và phường đã có ý kiến chỉ đạo đền bù cho người dân, nhưng đa phần họ không nhận.
Sau vụ việc đó, chúng tôi đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, không ảnh hưởng đến tài sản người dân. Và hai năm nay không xảy ra chuyện đó nữa”- ông Thạch khẳng định.
Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng, lãnh đạo phường đã rút kinh nghiệm và quán triệt nghiêm túc thực hiện.
Nếu tái diễn sẽ dừng lễ hội
Để hiểu rõ thêm về “kiệu quay” trong lễ hội của làng Xuân Đỉnh, chúng tôi gặp ông Nguyễn Công Nhã (78 tuổi) - Trưởng ban quản lý di tích Đình Giàn (Xuân Đỉnh).
Ông cho biết, làng Xuân Đỉnh từ xưa đến nay diễn ra hội chính (5 năm 1 lần rước kiệu vào 10/2 Âm lịch) và hội lệ (rước nước ngày mùng 9/2 Âm lịch).
Ông Nguyễn Công Nhã - Trưởng ban quản lý di tích Đình Giàn lý giải về kiệu quay.
Sự việc mà video phản ánh là ở hội rước tre nước năm 2012 (rước nước từ giếng cổ về đình làng) chứ không phải năm nay.
“Kiệu quay phá cửa kính ô tô năm 2011, 2012 chúng tôi đánh giá đó không phải cố tình. Trước đó, ban tổ chức rất lo lắng thực hiện lễ hội truyền thống làm sao cho an toàn cho người dân.
Bản thân người rước kiệu không hề có thù oán với chủ nhân chiếc xe đó, không chủ đích nhắm vào ai trước đó và không có tập duyệt trước đó. Vì vậy, không thể nói là cố tình gây thiệt hại tài sản của người dân.
Hiện tượng kiệu bay diễn ra ở nhiều lễ hội các địa phương, thậm chí kiệu còn bay xuống ao, ruộng…”- ông Nhã khẳng định.
Năm 2012, sau khi sự việc xảy ra, ban tổ chức đã đến nhà chủ nhân chiếc xe bị vỡ cửa kính hậu để làm việc và đền bù. Tuy nhiên, gia đình cô giáo đó vui vẻ nói rằng, số tiền đó xin công đức nhà chùa.
Trong clip, nhiều người dân tin vào tâm linh nên liên tục vái vì sợ "thánh phạt" khi kiệu húc vỡ cửa kính ô tô.
Ông cũng cho biết thêm, sau đó ban tổ chức đã có giải pháp ngay để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.
“Chúng tôi làm barie chắn hai đầu để kiệu đi đúng lộ trình, không cho kiệu chạy ra đường cao tốc và chặn các phương tiện giao thông vào khu vực rước kiệu.
Quán triệt những người bảo vệ phải thực hiện đúng và năm nay chúng tôi sẽ làm chặt chẽ hơn mọi năm để tránh xảy ra việc đáng tiếc.
Có thể, năm nay chỉ cần 2 người rước nước chứ không phải 4 người, hoặc thay nam kiệu bằng nữ kiệu để hạn chế tốc độ”- ông Nhã đưa ra giải pháp.
Sắp diễn ra lễ hội năm nay, ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch phường Xuân Đỉnh tái khẳng định: “Nếu năm nay để tái diễn tình trạng này nữa thì chúng tôi sẽ quy trách nhiệm và có thể đình chỉ lễ hội”.