"Kiểm điểm cán bộ vì uống bia không đúng loại là vi phạm"

Hoàng Đan |

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, nếu ở đâu đó có chuyện kỷ luật cán bộ vì uống bia không đúng loại thì đó là việc làm vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp.

Dư luận đang xôn xao khi báo giới trong nước thông tin về việc, 7 cán bộ của tỉnh Hà Tĩnh bị kiểm điểm vì không uống bia Sài Gòn theo chủ trương của tỉnh này.

Hành vi vi hiến

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sỹ, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, nếu ở đâu đó mà có việc kiểm điểm cán bộ vì uống bia không đúng loại trong buổi liên hoan thì đó là việc vi phạm pháp luật.

"Nếu đúng có sự việc kiểm điểm cán bộ vì uống bia không đúng loại thì tôi đề nghị các cơ quan chức năng ở Trung ương cần phải kiểm điểm ngược lại đối với người lãnh đạo nào bắt những người cán bộ kiểm điểm", luật sư Triển nói.

Luật sư Triển cũng khẳng định, nếu đúng có việc chỉ đạo kiểm điểm cán bộ như thế này thì còn là vi phạm Hiến pháp.

"Hiến pháp đã quy định công dân có quyền tự do, họ có quyền sống, quyền hưởng thụ, quyền đáp ứng những nhu cầu, sở thích... mà không ai được bắt ép phải làm theo những điều pháp luật không cấm.

Vì vậy, việc bắt ép rồi kiểm điểm cán bộ vì uống bia không đúng loại nếu có là vi hiến", ông nói.

Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cũng cho hay, Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm bổ sung quan trọng về quyền con người.

Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường.

Theo luật sư này, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên quy định quyền sống, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, nghiên cứu và thụ hưởng các kết quả khoa học...

Đồng thời, khẳng định mạnh mẽ mọi công dân Việt Nam đều quyền bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình, có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình.

Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội; có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi.

Đồng thời, Hiến pháp 2013 cũng xác định rõ nguyên tắc và điều kiện thực thi quyền công dân. Cụ thể, quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân.

Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội.

Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích Quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác (Điều 15)...

"Do đó, nếu ở đâu đó có việc bắt ép sử dụng bia đúng loại và đưa ra kiểm điểm cán bộ vì uống bia không đúng loại là vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp", luật sư Cường nêu rõ.

Tạo sự cạnh tranh không lành mạnh

Theo luật sư Triển, nước ta đã và đang có nhiều chính sách nhằm khuyến khích người dân sử dụng hàng nội địa để đảm bảo cho việc sản xuất, kinh doanh của các đơn vị này phát triển.

"Trong sở thích uống bia, có người thích uống bia Huế, có người thích bia 333, bia Sài Gòn hay bia Hà Nội...

Các loại bia này đều là bia do các đơn vị trong nước sản xuất. Nếu ở đâu đó, bắt ép cán bộ phải sử dụng một loại bia nào đó rồi khi không sử dụng mà bị kiểm điểm thì rõ ràng là đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.

Điều này vi phạm luật cạnh tranh, chưa kể, nếu ở đâu cũng chỉ sử dụng một loại bia thì các loại bia đều do đơn vị trong nước khác sản xuất sẽ như thế nào. Đó là điều không công bằng", luật sư Triển nói thêm.

Còn theo luật sư Cường, về nguyên tắc thì cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước chỉ bị xử lý kỷ luật khi họ có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật lao động.

Nếu ở địa phương nào có quy định buộc các cán bộ phải sử dụng một loại mà không được sử dụng các loại bia rượu khác khi liên hoan, tiếp khách... mà những người này không chấp hành thì hành vi lựa chọn loại bia khác mới là hành vi vi phạm.

"Tuy nhiên, nếu địa phương có quy định như vậy thì đây là một quy định mang tính cảm tính của lãnh đạo, xâm phạm quyền tự do, dân chủ của người khác.

Nói cách khác, quy định như vậy trên địa phương này là vi phạm pháp luật. Vi phạm các quyền cơ bản của công dân đã được hiến pháp và pháp luật ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ. Văn bản này sẽ bị hủy bỏ bới cơ quan cấp trên.

Nếu không có quy định cụ thể (bằng văn bản, được ban hành theo trình tự thủ tục luật định) về việc sử dụng loại bia nào thì càng không có căn cứ để xử lý vi phạm", luật sư Cường phân tích.

Thêm vào đó, nếu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì cũng phải tuân thủ trình tự, thủ tục luật định... chứ không thể tùy tiện theo kiểu thích thì kỷ luật được.

"Nếu bị kỷ luật không có căn cứ thì người bị xử lý có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định. Nếu UBND cấ tỉnh ban hành quy định không đúng pháp luật thì các quy định này cũng bị khiếu nại và bị hủy bỏ", luật sư Cường nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại