Với tổng sản lượng mùa vải thiều năm nay ước tính lên đến cả trăm ngàn tấn, việc vận chuyển, bảo quản vải cần những đồ chuyên dụng… đã giúp nhiều hộ dân kiếm bạc triệu chỉ trong một mùa vải.
Tại Lục Ngạn, riêng các cơ sở sản xuất đá cây (làm lạnh vải trong quá trình vận chuyển) năm nay đã lên tới con số hơn 50 xưởng sản xuất.
Tổng công suất của những xưởng sản xuất đá này lên tới 1,2 triệu cây, mỗi cây dài hơn một mét, nặng 40kg được bán với giá trên 20.000 đồng/cây.
Một vựa vải, để đóng một xe vải vài chục tấn sẽ cần đến hàng trăm thùng xốp, thùng gỗ, hàng trăm cây đá và chăn ngâm nước để giữ lạnh, bảo quản vải.
Những phương pháp bảo quản thủ công này đã “tạo đất” cho các xưởng sản xuất, chế biến nước đá, thùng xốp, chăn… có đất sống.
Ngoài những xưởng sản xuất quy mô nhỏ, Lục Ngạn có tới bốn nhà máy chuyên sản xuất bao bì, thùng… đóng gói hoa quả.
Thông tin từ Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lục Ngạn, ông Nguyễn Mạnh Hà, nếu chạy hết công suất, số lượng thùng xốp của các cơ sở sản xuất ra đủ để đáp ứng gấp… 3 lần tổng sản lượng vải của Lục Ngạn.
Chính vụ thu hoạch vải thiều ở Lục Ngạn kéo dài hơn một tháng. Hàng ngàn lượt người, hàng ngàn xe tải chở hàng… từ khắp các nơi đổ dồn về Lục Ngạn khiến nơi đây trở thành vựa vải lớn nhất miền Bắc.
Anh Nguyễn Văn Hùng, chủ một điểm thu mua vải tại thị trấn Chũ cho biết, để phục vụ thu mua vải, gia đình anh phải thuê 40 lao động.
Những người này sẽ chia nhóm để phụ trách các phần việc cụ thể: người giám sát cân, người trả tiền, người xếp vải, đóng vải lên xe…
Lực lượng đông đảo nhất là xếp vải vào thùng xốp, ướp đã lạnh, đóng gói, dán băng dính… để đưa lên xe trọng tải lớn chở vào các tỉnh phía Nam hay sang Trung Quốc qua các cửa khẩu.
Anh Mạnh, chủ hàng tạp hóa tại xã Phượng Sơn (huyện Lục Ngạn) cho hay, rất nhiều cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa dịp này để làm điểm thu mua, điểm cân vải.
Đây là một trong rất nhiều cửa hàng "chuyển chỗ" tạm thời để nhường vị trí cho người cân vải. Nhiều nhà còn treo biển "cho thuê địa điểm cân vải" khiến đất vải càng sầm uất.
Anh Mạnh không dừng bán hàng dịp này, vì lý do “nếu mình đóng cửa, thì lấy ai bán hàng tạp hóa, hàng nước, thực phẩm… cho những người đi mua – bán vải”.
Tính riêng cửa hàng của anh Mạnh, mỗi mùa vải bán được trung bình 2.000 chiếc chăn, mỗi chiếc có giá từ 25 – 30 ngàn đồng. Chăn này sẽ được ngâm nước để ủ vải, giúp vải tươi, không bị khô héo, nhất là trong hoàn cảnh thời tiết nắng nóng.
Đối với người trồng vải, mùa thu hoạch vải, mỗi gia đình cũng phải đi thuê từ 4 – 5 lao động.
Ông Nguyễn Văn Quý (thôn Mào Gà, xã Phượng Sơn) thuê 4 lao động chuyên… hái vải, bó vải.
Họ chủ yếu là người từ các tỉnh lân cận như Lạng Sơn, Hải Dương đi sang, làm theo mùa vụ. Một ngày công của họ dao động từ 130 – 140.000 đồng, nuôi ăn ở.
“Giá vải rẻ, nhưng nếu không thu hoạch nhanh, vải chín nẫu sẽ nứt vỏ và thối hết, vì thế nhà nào cũng phải thuê nhiều người để hái vải cho kịp” - ông Quý cho biết.
Anh Nguyễn Văn Quyết, chủ một cơ sở sản xuất nước đá cho biết: một mùa vải, xưởng sản xuất nước đá của anh thu được khoảng 200 triệu tiền bán đá cây. Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ khác, anh cũng phải mượn nhiều lao động, và bận rộn cả ngày đêm vì công việc nặng nhọc.