Kịch bản nào cho Biển Đông trong 10 năm tới?

Hồng Chính Quang |

(Soha.vn) - Theo TS Đỗ Minh Cao, trong 10 năm tới, Trung Quốc sẽ gây ra những cuộc xung đột cường độ thấp hòng liên tục thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

Liên quan đến những động thái mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như sự phản ứng mạnh mẽ từ các nước trên thế giới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Đỗ Minh Cao – Viện nghiên cứu Trung Quốc (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) về vấn đề này.

TS Đỗ Minh Cao
TS Đỗ Minh Cao

PV: Việc Trung Quốc thừa nhận phun vòi rồng vào tàu của Việt Nam và công bố thông tin đóng các giàn khoan Hải Dương 982, Hải Dương 943 và Hải Dương 944 cho thấy điều gì, thưa ông?

TS Đỗ Minh Cao: Theo tôi đó là bước mới của Trung Quốc nhằm răn đe các nước trong khu vực. Hiện giờ họ mới chỉ phun vòi rồng, dùng tàu lớn hơn đâm vào tàu của ta và hạ đặt 1 giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta. Sắp tới họ sẽ dùng nhiều giàn khoan như đã nói với mức độ răn đe các nước ở mức độ cao hơn.

Trước đây, Trung Quốc không công nhận việc phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Những hành động hung hăng của họ quá rõ ràng đã được các phóng viên nước ngoài có mặt tại thực địa ghi nhận. Tuy nhiên, từ bước công nhận hành động của mình cho đến bước dừng hành động đó thì phải trải qua những nấc khác nhau.

Trung Quốc đã phải thừa nhận việc dùng vòi rồng phun nước về phía tàu thực thi pháp luật của Việt Nam
Trung Quốc đã phải thừa nhận việc dùng vòi rồng phun nước về phía tàu thực thi pháp luật của Việt Nam

PV: Tiến sỹ có cho rằng việc Trung Quốc phải thừa nhận việc mình phun vòi rồng cũng như việc bị nhiều nước trên thế giới phản đối mạnh mẽ hành động phi pháp tại Biển Đông nằm ngoài dự tính của họ?

TS Đỗ Minh Cao: Tôi không nghĩ như vậy, bởi Trung Quốc làm việc gì cũng rất bài bản với nhiều kịch bản khác nhau. Trên các tàu của họ không chỉ có vòi rồng mà còn có cả súng bắn nước. Và hiện tại họ mới chỉ dùng nước biển nhưng nó có thể nguy hiểm hơn nếu được trộn hóa chất chẳng hạn. Chúng ta không thể không lường trước đến những hành động như thế từ Trung Quốc.

PV: Xin ông lý giải đôi điều về lợi ích của Nhật Bản tại Biển Đông khi mới đây, họ có những tuyên bố rất cứng rắn với Trung Quốc? Nhật Bản sẽ góp phần tác động như thế nào vào tình hình Biển Đông?

TS Đỗ Minh Cao: Biển Đông của chúng ta nối liền với biển Hoa Đông – nằm trong một vành đai chiến lược có quan hệ với nhau chặt chẽ. Biển Đông có vấn đề thì dứt khoát biển Hoa Đông cũng có vấn đề. Nếu Trung Quốc có thể đạt được tham vọng tại Biển Đông thì họ sẽ gia tăng cường độ và tìm mọi cách để đạt được mục đích của họ tại biển Hoa Đông.

Với Nhật Bản, lợi ích của họ không chỉ dừng lại ở biển Hoa Đông mà còn có cả ở Biển Đông. Các tàu chở dầu và chở hàng của Nhật Bản phải đi qua Biển Đông rất nhiều. Nếu Biển Đông có căng thẳng thì đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Nhật Bản tại khu vực này. Và không chỉ có Nhật Bản mà các nước khác như Mỹ, Canada hay Úc… cũng có lợi ích tại khu vực Biển Đông vì Biển Đông không chỉ mang tầm quan trọng khu vực nữa mà mang ý nghĩa toàn cầu.

Trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản cùng chịu sức ép như nhau tại biển Hoa Đông cũng như tại Biển Đông, Nhật Bản cảm thấy cần phải ủng hộ Việt Nam. Điều này có lợi cho cả Nhật Bản bởi trước tiên, tuyến đường hàng hải qua Biển Đông không bị ảnh hưởng. Thứ hai là không để xảy ra “chuyện đã rồi” ở Biển Đông để từ đó làm cơ sở cho Trung Quốc gây sức ép cho Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

PV: Theo quan điểm cá nhân, ông có cho rằng với hàng loạt tuyên bố của Mỹ, Nhật Bản và những nước có liên quan trực tiếp tại Biển Đông, tham vọng “nuốt trọn” Biển Đông của Trung Quốc sẽ ra sao?

TS Đỗ Minh Cao: Nếu nói một cách rất lý thuyết, tham vọng đó của Trung Quốc sẽ khó đạt được bởi Trung Quốc không có chính nghĩa, không theo đuổi mục đích hòa bình thực sự thì Trung Quốc sẽ không có được sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Và Trung Quốc cũng sẽ vấp phải sự phản ứng của các nước ASEAN, đặc biệt là những nước mà chủ quyền của họ bị Trung Quốc xâm phạm, trong đó có Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc đi gây hấn tại Biển Đông cũng như có tranh chấp căng thẳng với Nhật Bản là bởi họ có tiềm lực kinh tế. Tuy nhiên, tiềm lực kinh tế này có được là do một quá trình tương đối dài, Trung Quốc tuyên bố trỗi dậy hòa bình nên các nước khác đầu tư vào Trung Quốc rất nhiều. Với những hành động ngang ngược tại Biển Đông, Trung Quốc đã làm cho các nước trên thế giới hiểu được tuyên bố trỗi dậy hòa bình của họ chỉ là trên đầu lưỡi. Chính vì thế các nước sẽ hạn chế đầu tư vào Trung Quốc và từ đó họ sẽ bị yếu đi. Việc Nhật Bản giảm khoảng 30% đầu tư vào Trung Quốc đã cho thấy điều đó.

PV: Là một nhà nghiên cứu, xin ông có thể chia sẻ một chút về tình hình Biển Đông trong 10 năm tới?

TS Đỗ Minh Cao: Tình hình Biển Đông trong 10 năm tới sẽ khó đoán. Là một người nghiên cứu về quân sự Trung Quốc, tôi cho rằng 10 năm tới, tiềm lực quân sự của Trung Quốc sẽ mạnh lên rất nhiều. Hiện tại họ mới chỉ có 1 tàu sân bay. 10 năm tới, họ sẽ có ít nhất 3 tàu sân bay nữa bởi hiện nay họ đang đóng thêm 2 chiếc. Với tiềm lực kinh tế của mình, họ có thể mua nhiều tàu sân bay khác. Kỹ thuật quân sự của Trung Quốc sẽ đạt được những trình độ cao hơn hiện nay.

Còn Mỹ, với tư cách là một cường quốc toàn cầu, Mỹ phải chia sẻ trách nhiệm với nhiều khu vực trên thế giới. Có thể Trung Quốc phải mất nhiều năm để đuổi kịp Mỹ hiện nay. Nhưng tại khu vực Biển Đông, Trung Quốc sẽ tập trung lực lượng rất mạnh và lực lượng ấy có thể trội hơn Mỹ, dù trước đó Mỹ đã tuyên bố sẽ chuyển 60% năng lực quân sự của Mỹ về khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Còn những đồng minh của Mỹ như Nhật và Hàn Quốc cũng sẽ mạnh lên. Philippines khó có bước tiến lớn. Tổng cộng lại, các nước này chưa thể là một đối trọng lớn đối với Trung Quốc tại Biển Đông.

Về diễn biến trên Biển Đông, tôi cho rằng sẽ có những xung đột cường độ thấp và kéo dài chứ không chỉ 1-2 năm. Đưa giàn khoan vào Biển Đông nằm trong “kịch bản” xung đột cường độ thấp của Trung Quốc. Với tình hình tương quan giữa các nước như vậy, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện tham vọng của mình nhưng Trung Quốc cũng sẽ không đủ lực để có thể làm bá chủ Biển Đông bằng cách tiến hành xung đột toàn diện với các nước. Vì vậy liên tục trong thời gian ngắn, họ sẽ tiến hành những cuộc xung đột cường độ thấp, chưa đến mức chiến tranh: đưa giàn khoan vào Biển Đông, xây dựng một cách trái phép các đảo nhân tạo và liên tục thay đổi hiện trạng tại Biển Đông.

(Còn nữa)

Công bố clip tàu Trung Quốc khổng lồ đâm chìm tàu cá Việt Nam

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại