Năm nay đã ở tuổi 63 nhưng hàng ngày ông Sơn vẫn đạp xe phăng phăng đi buôn sắt vụn, xe đạp, tivi cũ… về bán kiếm tiền lo cho cuộc sống gia đình.
10 cuộc tình chớp nhoáng
Gặp chúng tôi một ngày đầu xuân, ông Sơn hồ hởi: “Đầu năm tôi đi mua cái xe đạp cũ bán mở hàng rồi sang nhà ông bạn ở xã bên dự đám cưới, cả ngày đạp xe đi gần chục cây số nhưng bù lại bán cái xe lãi được 200 ngàn đồng”. Bị mù từ năm lên 2 tuổi nhưng kỳ lại thay, người sáng mắt làm được việc gì ông Sơn đều làm được việc ấy, thời thanh niên ông còn được nhận vào làm công nhân ngành đường sắt.
Cái khiến người dân ở thị trấn Chi Đông ngạc nhiên suốt hàng chục năm qua là việc ông biết đi xe đạp và lấy được liền tù tì 10 bà vợ. “Yêu là lấy. Các bà ấy có người lành lặn xinh đẹp, có người bệnh tật. Nhưng kệ, tôi lấy các bà ấy cũng là gánh bớt cho các bà nỗi đau chiến tranh mà”, ông Sơn mở đầu câu chuyện như vậy.
Ông cưới người vợ đầu tiên năm 20 tuổi, đó là một cô gái người cùng xã tên là Nguyễn Thị Bé.
Vì bị bố mẹ ép cưới nên khi về với nhau không có tình cảm, ông bỏ nhà, bỏ vợ lên công ty ở hẳn tại đó. Rồi con tim ông cũng bắt đầu biết loạn nhịp khi ông gặp bà Lan, con gái của một người làm cùng ngành đường sắt. Ở với nhau một thời gian biết ông Sơn đã có vợ nên bà Lan mang con về nhà mẹ đẻ.
Mối tình với bà Lan tan vỡ, ông Sơn bỏ việc ngành đường sắt về nhà sinh sống, trong một mái nhà, ông và bà Bé bắt đầu “tìm hiểu” lại và yêu nhau. Cứ tưởng ông Sơn đã yên phận với mối tình mà bố mẹ sắp đặt, nào ngờ con tim ông vẫn “chứng nào tật nấy”, vẫn liên tục loạn nhịp.
Ông tiếp tục gặp bà Chuyền - một người phụ nữ ở xã bên đã nhiều tuổi nhưng vẫn chưa lấy chồng; sau nữa là bà Xuân, rồi bà Sâm - một cô gái bệnh tật từ nhỏ… Mỗi bà, ông chỉ ở cùng được vài tháng, lại chia tay. Sau đó, ông đem lòng yêu bà Hà - một cô gái bị chất độc da cam ở cùng huyện, nhưng cưới bà Hà chưa được bao lâu thì cuộc tình ấy lại tan vỡ… Tuy những cuộc tình ngắn ngủi, nhưng mỗi bà đều đã kịp sinh cho ông ít nhất một đứa con.
“Nói là cưới cho sang vậy chứ có tổ chức gì đâu. Tôi dẫn các bà ấy về nhà làm mấy mâm cơm lễ gia tiên coi như xong, sống không hợp lại chia tay”, ông Sơn nói. Ban đầu những người thân trong gia đình cũng cấm đoán, khuyên ngăn nhưng ông không nghe theo nên đành chịu.
Cuộc tình cũ tan vỡ, ông lại tiếp tục tìm kiếm cho mình một cuộc tình mới. Trong một lần đến xã Tráng Việt (Mê Linh) buôn bán, ông tình cờ gặp bà Lê Thị Ngãi, một người con gái xinh đẹp, hiền lành nhưng bị bom đánh cụt mất một cánh tay. Kể về cuộc tình ngang trái chồng mù - vợ què, ông Sơn cất giọng buồn buồn: “Bà ấy là người vợ thứ 7 của tôi. Ngày mới yêu, ai cũng ngăn cấm, nhưng tôi thương và hiểu bà ấy, vì từ nhỏ bà ấy đã chịu nhiều bất hạnh như tôi.
Tôi lấy vì muốn gánh bớt cho bà ấy nỗi đau mà chiến tranh để lại”. Cuộc hôn nhân có vẻ ngang trái ấy đã sinh ra cho ông 2 người con trai và 2 cô con gái, nay các con đều đã xây dựng gia đình.
Tự tay pha ấm trà nóng mời khách, ông Sơn nói như giải thích về cái “kiếp nhiều vợ” của mình: “Cuộc đời tôi như vướng phải nợ tình, gặp ai có hoàn cảnh nghèo khó, tàn tật tôi lại thấy thương và yêu họ, tôi muốn bù đắp và cho họ một điểm tựa nên mới lấy nhiều vợ như vậy”.
“Tổng cộng tôi có 10 vợ và 24 người con. Sau bà Ngãi, tôi còn cưới và chung sống cùng bà Thân, bà Phương và bà Tỵ, các bà ấy người bị chất độc da cam, người què quặt. Bà nào tôi cũng thương nên không thể bỏ mặc bà nào cả, mỗi bà đều sinh cho tôi 2 đến 3 người con rồi mới chia tay”, ông Sơn cởi mở.
Tập đi xe đạp vì không nhờ được người đưa con đi viện
Việc ông Sơn ngày ngày đạp xe đi khắp nơi để buôn bán, làm ăn và thăm vợ lẽ hàng chục năm nay khiến những người biết đến ông đều phải kinh ngạc, nếu như không nhìn thấy tận mắt nhiều người sẽ không tin đó là sự thật. Ông Sơn bảo lấy được nhiều vợ là vì cái miệng ông có duyên, cái số ông phải như vậy, còn chuyện đi được xe đạp chắc chắn là vì con.
“Khoảng năm 1978, trong một đêm, con trai tôi lên cơn đau bụng nhưng không mượn được ai bế con đi bệnh viện, tôi bảo vợ dẫn đường rồi ôm con chạy đi khám nhưng vì bệnh viện quá xa nên hai vợ chồng phải chạy cả đêm mới đến nơi. Sáng hôm sau, tôi quyết định phải mua xe đạp để đi lại cho nhanh”, ông Sơn nhớ lại.
Nói là làm, hai vợ chồng ông ra chợ mua ngay một cái xe đạp khiến bà con lối xóm ai cũng hết sức bất ngờ. Sau nhiều lần ngã lên ngã xuống, ông Sơn liền lấy hai cái sọt tre cột vào hai bên yên sau xe để khi không giữ được thăng bằng sẽ không bị ngã lăn ra đường. Bằng cách làm này, chỉ sau một ngày tập tành, ông đã tự đi được xe.
Khi chúng tôi tỏ vẻ ngạc nhiên về việc làm sao ông nhớ được đường, bà Bé - vợ cả ông Sơn khoe: “Ông ấy mù mắt nhưng được cái thính lắm, cái chân như có mắt nên chưa bao giờ đi lạc, cũng chưa đâm vào ai bao giờ, chỉ cần dẫn ông ấy đi một lần là ông nhớ như in từng ngóc ngách, tùng ổ gà giữa đường.
Ông ấy đi buôn xe đạp, đài cátsét cũ mấy chục năm nay cũng chưa bị ai lừa bao giờ, chỉ cần sờ vào xe là ông biết xe tốt xấu thế nào, còn đài cátsét chỉ cần nghe tiếng nói là ông biết cái nào là đài Nhật, cái nào là đài Trung Quốc cả đấy”.
Đang chuyện trò cùng khách, chợt nghe tiếng xe máy nổ ngoài sân, ông Sơn lớn tiếng chào: “Ông Bình sang chơi đấy à!”.
Bước xuống xe, người đàn ông tên là Bình nói như giải thích trước vẻ mặt đầy ngạc nhiên của chúng tôi: “Ông ấy tài lắm, chỉ cần nói chuyện một lần, hôm sau gặp lại nghe tiếng chào là ông ấy biết đang gặp ai, nghe tiếng xe máy là ông biết xe ấy của ai”. Còn theo ông Sơn, nhờ cái tài ấy mà ông đã gặp được những bà vợ của mình. Dù không còn chung sống với nhau, nhưng ngày ngày ông vẫn biết đường để đạp xe đến thăm vợ cũ và những đứa con của mình.
Những "ngọn lửa ghen tuông" cháy âm ỉ
Nhìn vào ai cũng thấy cuộc sống gia đình ông Sơn luôn đầm ấm, con cái yêu thương nhau nhưng cũng có những chuyện bi hài ít ai biết được. Hiện ông Sơn đang sống cùng người vợ cả tên Bé cùng cậu con trai út trong căn nhà cấp 4 rách nát, tuềnh toàng và người vợ thứ bảy tên Ngãi ở ngay căn nhà bên cạnh.
Tuy hai bà vợ ở hai nhà, nhưng chỉ cách nhau một bức tường rào và chung một ngõ. Dù những cuộc tình chớp nhoáng đến rồi đi, nhưng hôm nào nhà ông có công việc, lễ tết, vợ và các con ông Sơn lại tập trung về nhà đông đủ. Chưa bao giờ hàng xóm, láng giềng phải chứng kiến cảnh các bà vợ đánh ghen hay con cái cãi nhau.
Dù vậy, theo ông Sơn, trước đến nay “ngọn lửa” ghen tuông trong các bà vẫn cháy âm ỉ, nhưng sợ cái uy của ông nên không ai dám lên tiếng. “Các bà ấy về với tôi rồi bỏ đi, nói là vì không hợp nhau nhưng nguyên nhân chính là vì ghen, các bà ấy thấy tôi có vợ vẫn đi tán tỉnh bên ngoài nên các bà ấy không chịu nổi” - ông Sơn thật thà - “Các bà ấy không chung sống cùng tôi nhưng bà nào cũng ở gần đây, nhớ vợ, nhớ con tôi lại đến thăm, hôm ở vợ này, hôm vợ kia nên tôi đến nhà bà nào thì những bà còn lại không thể biết được”.
Bà Bé cũng thật thà cho biết ngày ông Sơn đưa bà Ngãi về sống chung trong nhà, bà cũng ghen ghét và tức giận, nhưng cuối cùng hiểu được hoàn cảnh của nhau nên hai bà cũng thông cảm cho nhau để ai chăm lo con người nấy. Lắm vợ, con đông nên các con ông Sơn đều phải vất vả từ nhỏ, người học nhiều là đến lớp 4, nhưng nay ai nấy đều quên hết mặt chữ, cuộc sống cũng hết sức vất vả.
Năm nay, đã 63 tuổi nhưng ông vẫn còn 4 người con chưa đến tuổi xây dựng gia đình. “Chúng tôi có nhiều anh em, nhưng ai cũng nghèo khổ, không được học hành, mỗi người một nơi nên nhiều lúc ra đường anh em gặp nhau mà không ai biết ai, cũng chẳng biết lúc nào tất cả anh chị em tôi mới biết hết nhà nhau”, cậu con út ông Sơn tâm sự.
Ông Nguyễn Văn Quang - Phó chủ tịch UBND thị trấn Chi Đông - cho biết việc ông Sơn lấy nhiều vợ và đông con, chính quyền địa phương đã nhiều lần đến tuyên truyền và can thiệp nhưng không có kết quả vì ông Sơn cưới chui và không đăng ký kết hôn với ai ngoài bà Bé. Ông Quang cũng cho biết, dù đông con và nhiều vợ nhưng gia đình ông Sơn sống rất hòa thuận và chăm chỉ làm ăn.