Xã Hải Minh, Hải Hậu, Nam Định vốn nổi tiếng với nghề chế tác gỗ mỹ nghệ thủ công hàng chục năm nay, nhưng ít ai biết rằng, Hải Minh còn là một trung tâm đồ cổ nổi tiếng của cả nước.
Buôn bán đồ cổ từ nghề… đồng nát
Hải Hậu vốn là một huyện nằm ven biển với tính chất thuần nông, người dân quanh năm chỉ biết có cây lúa, đánh bắt thuỷ hải sản. Nhưng hiện nay ở nơi đây lại đang nổi như cồn bởi thú chơi hết sức quý tộc là cây cảnh và đồ cổ. Chỉ đếm qua cũng đã có cỡ 50 người buôn bán cổ vật chuyên nghiệp, hàng trăm, hàng ngàn người chơi nghiệp dư. Dưới những mái nhà cấp ba, cấp bốn bình dị, khuất lấp sau những bức tường quét vôi, quét ve dân dã là cơ man quý vật, báu vật.
Có thể điểm mặt một số cổ vật nổi bật mà ai cũng biết như bộ tam khẩu bình của anh Trần Văn Lưu (xã Hải Phong), giá sơ sơ trên 1 tỷ hay bộ ghế khánh của anh Trần Văn Sơn, 1 tỷ đừng hòng mong mua được. Vượt trội lên tất cả là cái đĩa Huế tích "Khánh xuân thị tả" của anh Kim ở Hải Minh được giới chơi định giá tới 1,8 tỷ. Chỉ kể sơ sơ một vài món cũng có thể thấy cái độ "máu mặt" của dân chơi đồ cổ ở đây thế nào.
Và ở nơi trung tâm của thứ nghề đặc biệt này, xã Hải Minh, đồ cổ là một nghề mà nhiều người trưởng thành nên thầy, nên thợ từ nghiệp… đồng nát. Đồng nát Hải Minh là đồng nát xuyên quốc gia, dọc ngang khắp Bắc - Trung - Nam với những "bang hội" đông đảo, mạnh nhất là hội của dân xóm 9 với hàng trăm người. Khác với đồng nát "lông gà, lông vịt", họ là đồng nát cao cấp, đồng nát quý tộc với con mắt tinh tường, chuyên tăm tia đồ cổ. Chuyện một đồng nát xóm 9 mua một đầu tượng Chăm cổ giá vài triệu, không ngờ nó bằng vàng nên về bán được 180 triệu đã là một thứ thuốc kích thích cực mạnh thôi thúc nhiều con em Hải Minh quang gánh lên đường.
Đến trung tâm xã Hải Minh, nhiều người không khỏi bất ngờ khi đi từ đầu xã vẫn thấy một không gian yên bình, tĩnh lặng như mọi miền quê khác, nhưng càng vào sâu, không khí buôn bán càng trở nên sôi động, tấp nập. Ở đây người ta gọi khu buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ cổ của Hải Minh là khu Tân Tiến với hàng chục cửa hàng buôn bán nằm san sát nhau, chẳng khác gì một phố buôn bán lớn ở Hà Nội. Người ta đùa rằng, ở Tân Tiến, mỗi nhà có vài chiếc xe hơi, hàng chục tỷ đồng là chuyện bình thường, bởi nghề buôn bán đồ cổ đã đem lại lợi nhuận rất lớn.
Sập gụ, tủ chè, đồng hồ côn... những thứ tưởng đã lỗi thời nhưng coi chừng, đụng vào sẽ "bỏng tay" vì giá. Đến ngay cả ngà voi xịn, có gân, có thớ (nhân tự) với giá bán xô từ 35-40 triệu/kg cũng được dân bản xứ lùng mua ngay về nếu có đơn hàng. Đến nhà ai trên đất Hải Minh cũng có thể vấp vào đồ cổ. Những chiếc tủ chè tiền tỷ, khảm ốc già, ngả xanh hoa lý hay vàng chanh khi có ánh sáng chiếu hay chiếc sập gụ đen thẫm, bóng loáng quang dầu bao thế hệ. Ngoài ra là cơ man câu đối, cuốn thư lóng lánh sắc vàng mười, các sắc phong còn nguyên dấu triện và các kiểu đồng hồ lên giây cót ODO 36/10 hay đồng hồ tủ cao to lừng lững gần chạm mái...
Cả làng đều là "đại gia"
Đồ cổ Hải Minh chủ yếu là đồ sành, sứ, bàn ghế, sập Tàu, long sàng… Xã Hải Minh hiện có khoảng trên 30 người chuyên buôn bán, sưu tầm cổ vật. Đó là chưa kể nhiều nhà làm nghề đồng nát nhưng vẫn lùng mua đồ cổ để bán cho các nhà buôn. Theo anh Lương Văn Minh, một người chuyên buôn bán đồ cổ có tiếng ở Hải Minh thì nghề buôn bán đồ cổ có ở Hải Minh từ rất lâu. Cách đây khoảng hơn chục năm, nghề buôn đồ cổ phát triển thành một phong trào khi nhà nhà đi buôn, người người đi buôn. Người già đi trước kéo theo những người trẻ đi sau, người biết nhiều tư vấn kinh nghiệm cho người biết ít.
Thợ Hải Minh chia làm hai chiếu. "Thợ chạy" mua đuổi, bán đuổi, ăn lãi mỏng ngồi chiếu dưới. Thợ "tay to" chuyên ôm găm hàng, đàng hoàng khoanh chân ở chiếu trên. Thợ "tay to" ở Hải Minh cũng phải tới hơn chục người. Tuy còn trẻ và mới vào nghề độ hơn chục năm nay, nhưng những thợ "tay to" ở Hải Minh đã sở hữu trong tay một khối lượng tài sản khổng lồ.
Anh Minh sinh năm 1976, nhưng nhìn vào cơ ngơi mà anh đang có, ai cũng phải trầm trồ thán phục. Anh bảo: "Săn đồ cổ phải có duyên, có khi mình nghe nói ở đâu đó có đồ quý nhưng đến xem thì nó không quý như mình tưởng. Hoặc có đồ quý thật nhưng chủ nhân nhất định không bán. Chính vì lẽ đó, những tay săn đồ cổ ở Hải Hậu thường biến mình thành "đồng nát, ve chai" để tìm kiếm, nhòm ngó khắp xó xỉnh làng quê mong tìm thấy đồ cổ". May mắn ấy đã trúng với ông Đỗ Văn Thiện người xã Hải Minh khi mua được chiếc bát Thiệu Trị niên chế (chế tác từ thời vua Thiệu Trị) tại nhà một bà lão ở Tiền Hải (Thái Bình). Cái bát đang được đựng cá kho, ông Thiện hỏi mua, bà lão nói giá bâng quơ 1 chỉ vàng. Ông Thiện tháo chiếc nhẫn 1 chỉ vàng trả cho bà lão rồi ôm cái bát chạy thẳng, về đến nhà đã có khách đến mua trả 1,2 cây vàng nhưng ông không bán.
Trước đây miền Bắc có nhiều đồ cổ, nhưng về sau nhiều người buôn bán và săn tìm nên đồ cổ khan hiếm dần. Thợ Hải Minh lại lặn lội vào tận miền Nam, những vùng mà ngày xưa nổi tiếng giàu có như Bạc Liêu, Cần Thơ, An Giang… hoặc sang Trung Quốc để săn tìm cổ vật.
Vốn là một người nhà săn tìm cổ vật nổi tiếng ở Hải Minh, anh Sao Huy, biệt danh "điếu" (sinh năm 1968) cho biết: "Trước kia tôi chỉ chuyên buôn cây cảnh, nhưng 7 năm trở lại tôi chuyển sang buôn đồ cổ, bởi giá trị lớn của mặt hàng này. Đó cũng là một cơ duyên thôi. Người ta gọi tôi là Huy "điếu" vì trước đây tôi chuyên đi lùng mua những chiếc điếu hút thuốc lào. Săn được đồ cổ quý, hiếm, nhiều khi cũng phải có duyên. Tôi nhớ mãi 1 lần, ở xã bên có 1 bà cụ có một chiếc điếu bằng gỗ trắc rất quý, bao nhiêu người hỏi mua bà không bán. Nghe tiếng, tôi liền tìm sang để được tận mắt chứng kiến, chẳng hiểu sao qua lần nói chuyện ấy, bà cụ mang chiếc điếu sang tận nhà để bán cho tôi". Anh Huy thường lặn lội vào tận miền Nam và ra nước ngoài để tìm mua cổ vật. Mỗi chuyến đi của anh nhiều cũng phải mất vài ba tháng, và bao giờ anh cũng chất theo một đến hai xe tải chở đồ cổ của nhà đi vừa để bán, vừa để quảng bá sản phẩm.
Việc định giá đồ cổ dựa vào rất nhiều yếu tố, đòi hỏi người trong nghề luôn phải biết tự học hỏi, nâng cao trình độ của mình. Ví dụ như đồ sành, sứ có thể dựa vào men, màu sắc, đồ gỗ dựa vào các vân gỗ… Thợ Hải Minh không hề qua một trường lớp đào tạo nào, tự học hỏi, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau, thế nhưng đồ cổ Hải Minh lại nổi tiếng cả nước vì sự quý hiếm và giá trị của nó.
Kinh nghiệm đầy mình, nhưng thợ Hải Minh vẫn không thể nào tránh được những lần bị lừa, bị hớ khi mua phải đồ bất hợp pháp, hoặc đồ làm giả. Có lần anh Huy mua được một cuốn thư rất quý hiếm có giá trị rất lớn, nhưng chỉ một thời gian sau, khi Công an truy tìm cuốn thư đến tận nhà anh, thì anh mới biết đó là đồ trộm cắp ở một ngôi đình ở Bắc Ninh. Thậm chí nhiều vụ lừa đảo tinh vi trong giới cổ vật với các kịch bản hoàn hảo như trong truyện trinh thám. Dạng như, những món đồ cổ "tình cờ" được để cho người "đi sứ" hé thấy hoặc được "cò" báo trước. Lúc mang ra giới thiệu "show hàng" là đồ xịn nhưng ngày mai mang về mới biết là đồ dỏm đã bị đánh tráo lúc nào không hay.
Một chiêu khác là "tút" lại hàng. Những chiếc lọ bị sứt, mẻ được các tay thợ lành nghề ở Bát Tràng, Thanh Hoá "phù phép" trở thành nguyên vẹn, lóng lánh như thường. "Chúng dùng một thứ bột và keo mua ở Trung Quốc về ráp lại, đánh bóng. Khéo đến nỗi mắt thường không nhìn thấy, chỉ khi dùng kính lúp hoặc đèn pin chuyên dụng mới nhìn ra. Vì thế mà thợ Hải Minh đi đâu cũng mang theo một chiếc đèn pin nhỏ để chuyên soi các vết nứt, rạn của đồ sành, sứ", anh Huy cho hay.
Thời gian gần đây, cơn sóng ngầm trong giới sưu tầm cổ vật bỗng bùng lên dữ dội mặc cho suy thoái kinh tế, mặc cho giá cả lạm phát. Nhiều người vẫn bằng cách nào đó giàu lên nhanh chóng với khối tài sản kếch xù. Trong trăm vạn cách tiêu khiển bằng đồng tiền, một cách chơi tao nhã, đẳng cấp là sưu tầm đồ cổ. Chính vì thế, người mua kẻ bán ở trung tâm đồ cổ Hải Minh chưa bao giờ thôi nhộn nhịp. Đồ cổ đã thực sự làm nên bộ mặt mới cũng như tạo dựng thương hiệu cho Hải Minh ngay trên mảnh đất Hải Hậu vốn được coi là thuần nông, người dân chỉ biết đến ruộng đồng, biển cả
Ông Đỗ Văn Thiện, Chi hội trưởng Chi hội cổ vật Hải Hậu và là thành viên Hội cổ vật Thiên Trường, tỉnh Nam Định cho biết: "Ở Hải Minh có khoảng 30 hộ chuyên buôn bán cổ vật, xuất hiện khoảng 20 năm trở lại đây. Nghề buôn bán cổ vật tự phát từ những ông cụ chuyên sưu tầm, chơi đồ cổ từ khoảng 50 năm trước. Từ đó, người dân Hải Minh ý thức được giá trị của đồ cổ nên cất công sưu tầm về vừa chơi vừa buôn bán. Việc đánh giá đồ cổ cũng rất khó, phải dựa vào đặc điểm năm tháng phai mờ như thế nào trên đồ cổ để biết được tuổi và niên đại của nó. Những hội viên trong Hội cổ vật ở Hải Minh đều là thành viên của Hội cổ vật Thiên Trường. Hội thường xuyên gặp gỡ vào ngày 7/1 âm lịch hàng năm để giúp đỡ nhau, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề trong việc lựa chọn, đánh giá đồ cổ".