Kì 2: “Bài thuốc” chữa khỏi bệnh tâm thần là... lao động, ca hát

Ngoài một loại dược lý hướng tâm thần giúp dễ ngủ, ông Thu và bà Tươi không sử dụng bất cứ loại thuốc nào để điều trị, nhưng các bệnh nhân tâm thần đến đây vẫn khỏi bệnh.

Những câu chuyện khó tin nhưng có thật

Tại nhà ông Bùi Văn Thu, bà Trần Thị Tươi (ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) cứ mười một giờ trưa phát đi hiệu lệnh: “Tất cả đi rửa tay, xếp hàng trật tự vào nhà ăn”. Vậy là hàng trăm người điên lục tục ra bể nước rửa tay, rồi vào phòng ăn ngồi ngay ngắn như những đứa trẻ ngoan ngoãn. Thấy tôi ngạc nhiên, bà Trần Thị Tươi nói: “Họ ngoan lắm, ở nhà bướng bỉnh, hung hăng vậy chứ vào đây hiền như cục đất. Không có người điên nào chửi bới, đánh nhau, cắn nhau phải đi bệnh viện đâu”.

Còn ông Nguyễn Huy Sân - bố của bệnh nhân Nguyễn Huy Cường, nhận xét: "Trước đây, ở bệnh viện tâm thần chăm con, chẳng đêm nào tôi ngủ được vì người điên la hét, đập phá, nhưng vào người điên lại ngủ rất ngon lành. Mà đây toàn bệnh nhân điên nặng, gia đình chạy chữa khắp nơi không khỏi mới đưa vào". Đã 6 năm nay, ông Sân cùng vợ là bà Lê Thị Thường vào cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức ở hẳn với con.

Ông Bùi Văn Thu nghe điện thoại của một gia đình ở Đồng Nai xin gửi bệnh nhân tâm thần nặng.

Còn ông Trần Thanh Nam - nhân viên quản lý người điên - cho biết, không phải ở lâu họ mới hiền, mà bước chân vào đây đã ngoan rồi. Để đưa bệnh nhân Lương Ngọc Vĩnh - ở quận Bình Thạnh, TP.HCM - đến cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức chữa bệnh, gia đình phải nhờ đến 9 anh cảnh sát và một chiếc xe đặc chủng, bởi bệnh nhân này rất hung dữ và nặng tới... 106kg. Khi mở cốp bên hông thùng xe, ông Nam thấy "người khổng lồ" bị quấn xích khắc cơ thể, đang nằm thở phì phò. Mấy anh cảnh sát bảo mở cổng cho xe chạy vào, tìm cái phòng nào chắc chắc, tống anh ta vào đó rồi khóa lại. Họ cho ông Nam biết bệnh nhân này rất khỏe, lúc bắt lên xe đã đánh 2 cảnh sát gãy răng, cho nên chỉ còn 7 người đưa lên đây.

Ông Nam vẫn yêu cầu mở hết còng xích, chỉ chừa lại sợi xích ở chân anh ta để phòng bất trắc. Mở còng xong ông Nam hỏi: “Sao đánh người ta dữ vậy?”. "Người khổng lồ" nói: “Con đâu làm gì mà tụi nó tới bắt con. Ông Nam bảo lên đây là không có bắt, trói gì hết, cứ vô đây chơi với chú, rồi chú đuổi mấy đứa kia về. Dắt bệnh nhân Vĩnh đi được 200 mét, ông Nam vỗ mạnh vào lưng "người khổng lồ" để "nắn gân": "Làm gì mà đi chậm vậy?". Thật bất ngờ, bệnh nhân Vĩnh giật thốt: "Trời, chú làm con hết hồn". Thấy ổn, ông Vĩnh mở luôn sợi xích cuối cùng cho ông Vĩnh. Trưa đó ông Nam gom hết bộ xích trên người ông Vĩnh, cân được đúng... 36kg.

Chỉ chiếc bàn đá bị nứt ở khu tiếp khách, ông Nam nói với tôi: "Lúc mấy anh công an theo lên làm thủ tục, bệnh nhân Vĩnh nổi cáu vỗ một cái, chiếc bàn đá nứt toác thế này đây. Như vậy đủ biết anh ta khỏe như thế nào rồi". 

Theo ông Nam, căn bệnh của Vĩnh cũng rất lạ. Nhà anh ta mở lò mổ heo, mỗi ngày giết cả trăm con, nhưng gia đình dặn trung tâm đừng cho anh ta ăn thịt heo, bởi cứ thịt heo vào là anh ta lên cơn điên. Ông Nam vẫn cho ăn bình thường, nhưng không thấy ông Vĩnh lên cơn điên nữa. Hiện Vĩnh đã khỏi bệnh, trở về gia đình làm ăn bình thường.

Trở lại chuyện của bệnh nhân Nguyễn Mạnh Cường, lúc mẹ mất, Cường được cơ sở cho về chịu tang, nhưng ở nhà được một lúc anh ta vác dao đuổi chém người, làm hỗn loạn cả đám tang. Nhận điện thoại của gia đình, ông Nam chạy đến bảo vứt dao, ra quay đầu xe cho ông, lập tức Cường ngoan ngoãn làm theo rồi lên xe cho ông Nam chở về.

Chia sẻ về bí quyết thuần hóa người điên, ông Nam chia sẻ: “Gặp bệnh nhân mới, chưa nắm được đặc điểm tâm lý, tôi cũng sợ chứ. Nhưng cứ vừa làm vừa thăm dò, may sao không có lần nào tôi bị đánh. Tôi có nhiều cách để đe dọa, an ủi, vỗ về người điên tùy theo tình huống. Chẳng hạn có ông giám đốc doanh nghiệp ở Sài Gòn bị vợ "cắm sừng", chiếm đoạt hết tài sản nên khủng hoảng rồi tâm thần. 

Tôi bịa chuyện với anh ta rằng, trước đây tôi sướng như ông hoàng, nhà ở Hà Nội với Sài Gòn có mấy căn, đi mỗi bước đều có người đưa đón. Vậy mà bây giờ có ai khổ như tôi không, nhưng có sao đâu, tôi vẫn sống lạc quan, vui vẻ đấy thôi. Từ đó anh ta rất quý tôi, chịu ở đây chữa bệnh, bây giờ anh ta hết bệnh về rồi”.

Các tình nguyện viên ngồi nói chuyện, cắt móng tay móng chân cho người điên mà không sợ... bị đánh.

Điều trị bằng niềm tin và lòng nhân ái

Từ khi thành lập đến nay, cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức của ông Thu, bà Tươi luôn nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh tâm thần nhân miễn phí. Có gia đình tự nguyện nộp mỗi tháng vài trăm nghìn đồng, nhưng phần lớn là không đóng góp. Nguồn tài chính phục vụ bệnh nhân chủ yếu do các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các đoàn từ thiện giúp đỡ. 

Vào thời điểm khó khăn, vợ chồng ông được các vựa gạo bán chịu không tính lãi, các vựa rau cho không lấy tiền, vật liệu xây dựng cũng mua chịu giá vốn. Đến khi có nguồn giúp đỡ, ông bà trả nợ. Song gia đình người điên tìm đến không phải vì miễn phí, mà chủ yếu do khả năng hết bệnh kỳ diệu.

Khi hỏi về bí quyết gì chữa bệnh tâm thần, ông Bùi Văn Thu lắc đầu nói: "Có bí quyết gì đâu. Tôi chỉ nghĩ nơi này khí hậu mát mẻ, thích hợp với bệnh nhân tâm thần. Có câu nóng quá hóa điên, hết nóng thì hết điên. Tôi cũng tập cho họ lao động, bắt đầu từ những công việc nhẹ nhàng để cải tạo trí nhớ, khôi phục dần các năng lực, hành vi đã mất. 

Bệnh nhân ở đây còn tập đàn hát cho nhau nghe mỗi tuần hai buổi, khi hát họ rất vui, nhờ vậy thần kinh đỡ căng thẳng".

Những bệnh nhân tâm thần ở trại nam hát cho nhau nghe.

Còn bà Trần Thị Tươi thì cho biết, cơ sở không có chuyên môn về điều trị bệnh tâm thần, chỉ biết chữa bệnh bằng niềm tin và lòng nhân ái. Cũng theo bà Tươi, ngoài ăn uống ngày 3 bữa theo chế độ dinh dưỡng bình thường, người bệnh chỉ được uống một loại thuốc an thần nhẹ vào buổi tối cho dễ ngủ. Ông Nguyễn Huy Sân - bố của bệnh nhân Nguyễn Huy Cường, được ông Thu, bà Tươi giao nhiệm vụ quản lý thuốc men. Ông Sân nói: "Đó chỉ là viên Aminazin, một loại dược lý hướng tâm thần, không có vai trò quyết định trong điều trị".

Ông Bùi Văn Thu cũng thừa nhận giải thích như thế là chưa ổn lắm, nhưng ông không biết nói thế nào nữa, nhiều đoàn bác sỹ của các bệnh viện tâm thần đến đây cũng chỉ nhận được những câu trả lời như thế. Tại sao những người điên hung dữ hóa hiền lành, rồi đỡ bệnh, khỏi hẳn...? Người nhà bệnh nhân và chính các bệnh nhân cũng không hiểu được, nhưng họ tin "mái nhà điên" của vợ chồng ông Thu, bà Tươi có những điều kỳ diệu, là một cách mà tạo hóa sắp đặt để giúp họ thoát khỏi bệnh tật.

Còn theo cụ Nguyễn Văn Long (83 tuổi), một người chuyên xem phong thủy nổi tiếng ở Lâm Đồng thì có những vùng đất hội tụ rất nhiều điều kỳ bí, con người chỉ cảm nhận mà chưa thể lý giải được. “Trước hết khu đất của gia đình bà Tươi chắc chắn có nhiều điều kỳ diệu, hoặc một thứ năng lượng đặc biệt nào đó mà chúng ta chưa biết được " - cụ Long nói. 

Nhà bà Tươi ở cách quốc lộ 27 chừng 3km, tọa lạc trên lưng chừng một quả đồi lớn, chung quanh là những vườn cà phê xanh tốt. Vùng này dân cư còn thưa thớt nên khá yên tĩnh. Ông Bùi Văn Thu cũng cho biết, gia đình ông sinh sống tại đây gần 30 năm, hai vợ chồng và bốn người con đều khỏe mạnh. "Thỉnh thoảng người trong nhà chỉ ốm vặt một, hai ngày rồi tự khỏi, nhờ vậy mới có sức lo cho mấy trăm người điên chứ" - ông Thu nói.

Sau một thời gian hoạt động tự phát, năm 2006, cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức đã được Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng ra quyết định cho phép thành lập. Với thành tích xuất sắc trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, cơ sở đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng bằng khen...

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại