Trao đổi với phóng viên ĐBQH Lê Như Tiến cho biết: “Nếu chúng ta làm thật nghiêm minh, minh bạch khi điều tra có luật sư tham gia từ đầu hoặc là phòng hỏi cung có camera, ghi âm, ghi hình…. để thể hiện sự minh bạch trong quá trình tố tụng thì những cái đó sẽ giảm dần đi và sẽ không ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
Không chỉ bồi thường về mặt vật chất mà thiệt hại về mặt tinh thần, tâm lí nặng nề vô cùng đó mới là cái mà chúng ta cần phải quan tâm.
Khi khẳng định là họ oan sai rồi thì phải minh oan cho họ, bồi thường về mặt vật chật, minh oan cho họ về mặt tinh thần và trả lại công bằng, công lí cho họ, không phải chỉ là cá nhân họ mà còn cả gia đình, dòng họ, bạn bè anh em…
Sự ảnh hưởng cực kì lớn, sự chấn động tâm lí về mặt tinh thần đó là cái mà chúng ta cần phải thấy rõ”.
Thưa ông, rõ ràng báo cáo giám sát cũng chỉ ra việc bồi thường rất là chậm mặc dù oan sai thấy rõ, tại sao lại như vậy?
Như một đại biểu quốc hội đã nêu: Sau khi mà đã xác định là oan sai thì các cơ quan tiến hành tố tụng mà cơ quan nào làm sai tạo nên sự việc đó thì phải bồi thường một cách kịp thời và đó cũng là để thấy rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật rất là công khai, minh bạch.
Thấy sai thì sửa sai chuyện đó là bình thường và sửa sai sớm thì còn tăng thêm uy tín cho những người làm tố tụng và phải có những quy định cụ thể sau đơn giám sát này.
Tôi tin chắc là sẽ có chuyển biến trong các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Liệu ông có đồng tình khi người để xảy ra oan sai phải bỏ một phần tiền ra để bồi thường thay vì trích toàn bộ ngân sách nhà nước?
Tôi cũng đồng tình với quan điểm ấy. Bởi vì bản thân tạo nên sự oan sai đó nên phải chịu trách nhiệm cùng chứ không thể cứ làm oan sai rồi dùng ngân sách hoặc dùng tiền của cơ quan tổ chức để bồi thường thay.
Mà cũng phải có quy định tỉ lệ để hạn chế oan sai.
Từ những vụ oan sai vừa qua thì ông có đồng tình với cách xử lí các cán bộ làm ra oan sai không?
Vừa rồi, có các cơ quan tiến hành tố tụng đã xử lí trực tiếp những người tạo nên oan sai cho người dân nhưng mà tôi mong rằng là sự xử lí nghiêm khắc hơn nữa, xử lí nghiêm khắc hơn kể cả bằng xử lí vi phạm, việc cá nhân bỏ ra bồi thường vì đã gây ra oan sai chứ không phải để cho nhà nước, tổ chức phải chịu toàn bộ.
Như vậy, trách nhiệm sẽ cao lên và hiện tượng oan sai sẽ giảm đi.
Thưa ông, một số quốc gia thì họ để tránh oan sai thì họ bỏ luật tử hình vì khi đã tử hình rồi sẽ không còn cơ hội để phục sai được nữa thì quan điểm của ông với vấn đề này thế nào?
Luật Tố tụng Hình sự mà Quốc hội đang xem xét có bỏ một số tội bị tử hình nhưng mà rất nhiều ý kiến khác nhau.
Vì thế trong quá trình tố tụng hình sự cần phải rất thận trọng vì khi đã tuyên tử hình, thi hành án rồi thì làm sao có thể minh oan cho người ta được nữa!?
Đối với những tội như vậy lại thêm một quy trình thủ tục chặt chẽ hơn và phải luôn luôn có luật sư bào chữa.
Còn xu hướng bỏ bớt tội tử hình là một xu hướng rất tiến bộ vì nó phù hợp với tố tụng của các nước trên thế giới.
Thưa ông, gần đây có rất nhiều vụ án vi phạm nghiêm trọng tố tụng thì kết luận sau khi xem xét lại thường ghi rằng "mặc dù vi phạm tố tụng nhưng không thay đổi bản chất của vụ án".
Vậy điều này có mâu thuẫn gì với suy đoán vô tội mà pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam ghi nhận?
Ngay trong luật tố tụng chúng ta cũng khẳng định suy đoán vô tội, bởi người điều tra không bao giờ dùng ý nghĩ chủ quan của mình để áp đặt tội cho người khác khi mà không có chứng cớ, nhân chứng, vật chứng thì sẽ là vi phạm nguyên tắc mà chúng ta vừa nói, suy đoán áp tội chứ không phải suy đoán vô tội- tức là ép tội cho người khác trong khi chưa đủ chứng cứ để kết tội.
Vậy những vụ án vi phạm nghiêm trọng tố tụng, bị can bị cáo có được coi là vô tội hay không, thưa ông?
Những vụ án vi phạm như thế thì người đứng ra tiến hành tố tụng phải chịu trách nhiệm nhưng phải khẳng định được là người ta vô tội mà mình lại khép người ta thành có tội đó là oan sai thì người làm ra oan sai phải chịu trách nhiệm hoặc bồi thường trong thời gian điều tra dùng bức cung nhục hình để thay đổi bản chất của vụ án thì cũng đã bị truy tố thì đó là sự nghiêm minh của pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Báo cáo giám sát về oan sai của UBTV Quốc hội ghi:
"Trong kỳ giám sát của Quốc hội (2011-2014), tổng số tiền phải bồi thường cho các trường hợp bị oan tuy không lớn (khoảng trên 30 tỷ đồng) nhưng nhiều trường hợp bồi thường còn chậm.
Hiện đang có một số vụ người bị oan đề nghị bồi thường với số tiền rất lớn như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) hơn 9 tỷ đồng (hiện nay ông Chấn đã chấp nhận bồi thường 7,2 tỉ đồng); vụ ông Lương Ngọc Phi (Thái Bình) trên 22 tỷ đồng và kéo dài 09 năm đến nay chưa giải quyết xong".