Trước “làn sóng” chưa đồng thuận của dư luận xã hội đối với đề xuất mẫu chứng minh nhân dân (CMND) mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi nội dung quy định về “tên cha, mẹ” trong CMND quy định tại điều 2 Nghị định 05/1999 theo thủ tục rút gọn.
Kết nối “số cũ” và “số mới”
Chiều 5/6, báo cáo trước Hội đồng tư vấn thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi điều 2 Nghị định 05/199/NĐ-CP, ông Trần Thế Quân - Phó vụ trưởng vụ pháp chế (Bộ Công an) cho biết: Nội dung “tên cha, mẹ” trong CMND đã không nhận được sự đồng thuận, gây bức xúc trong xã hội nên Bộ Tư pháp và Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề nghị xem xét sửa điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP theo hướng “bỏ thông tin về cha mẹ” và điều chỉnh một số điểm về hình thức CMND (mặt trước, sau) cho cân đối vì không có nội dung “tên cha, mẹ”.
Vấn đề khiến các thành viên Hội đồng thẩm định quan tâm nhất là “sự kết nối giữa số CMND cũ và mới” bởi việc cấp CMND mới sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch giấy tờ mà công dân đã thực hiện bằng CMND cũ.
Ông Lê Hồng Sơn - Cục trưởng cục kiểm tra văn ban quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) khẳng định, “thông tin kết nối giữa số cũ và số mới là rất quan trọng với cả công dân và công tác quản lý của cơ quan nhà nước”.
Cũng như đại diện Vụ pháp luật hình sự hành chính (Bộ Tư pháp), ông Sơn đề nghị, “cần có thông tin tối thiểu kết nối giữa số CMND cũ và mới để tạo thuận lợi, tránh cho người dân phải đi xác nhận về số CMND khi thực hiện giao dịch bằng CMND, vì việc đổi CMND mới là do cơ quan nhà nước thay đổi để phục vụ cho công tác quản lý”.
Băn khoăn về việc 1 qui định về CMND có đến 3 văn bản điều chỉnh là Nghị định 05/1999, Nghị định 170/2007 (sửa đổi Nghị định 05/1999) và dự thảo Nghị định sửa đổi điều 2 Nghị định 05/1999, nhiều thành viên Hội đồng kiến nghị, nên cân nhắc mở rộng sửa đổi luôn những nội dung khác có vướng mắc của Nghị định 05/1999 hoặc “hợp nhất Nghị định 170/2007 vào dự thảo Nghị định sửa đổi điều 2 Nghị định 05/1999”.
Theo phản ánh của nhiều người dân, thủ tục cấp CMND vẫn còn phiền hà, “tưởng cải cách mạnh nhưng thực tế lại không làm theo thủ tục qui định”. Vì thế, thành viên Hội đồng thẩm định lưu ý cơ quan soạn thảo xem xét về thủ tục cũng như thời gian giải quyết thủ tục cấp mới, cấp đổi CMND “có thể rút ngắn nhưng phải đảm bảo hợp lý để cơ quan thực thi đủ thời gian hoàn thành thủ tục cấp mới, cấp đổi CMND, không nên gò ép gây khó cho người thực thi”.
Số phận của 45.000 CMND mới
Từ tháng 9/2012, mẫu CMND mới đã được thí điểm cấp mới tại 4 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội (Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ) với trên 45.000 CMND nhưng trước khi có thể tổng kết để triển khai toàn quốc, việc thí điểm cấp mới theo mẫu CMND này đã 2 lần phải tạm dừng, chủ yếu vì những phản ứng của dư luận đối với nội dung “tên cha, mẹ” trong CMND.
Vì thế, ông Nguyễn Quốc Cường - Phó cục trưởng cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) lo lắng cho “số phận” của 45.000 CMND đã được cấp theo mẫu mới sau khi dự thảo Nghị định sửa đổi điều 2 Nghị định 05/1999 có hiệu lực. Dù biết sẽ “thêm việc cho cơ quan công an”, ông Cường vẫn kiến nghị, “có quy định trong dự thảo Nghị định cho phép đổi (giữ nguyên số CMND mới, bỏ tên cha mẹ ) nếu người dân có nhu cầu. Nếu không đổi thì CMND đã cấp theo mẫu mới (có tên cha, mẹ) vẫn có giá trị”.
Liên hệ với Đề án về số định danh công dân (đang chờ Thủ tướng phê duyệt), một thành viên của Hội đồng thẩm định lưu ý, sửa đổi Điều 2 Nghị định 05/1999 là cơ sở để thực hiện cấp CMND theo mẫu mới (12 số) và là số CMND duy nhất trong suốt cuộc đời công dân nên cần cân nhắc để tương thích với đề án này.
Hiện ngoài những địa bàn thí điểm, việc cấp CMND vẫn thực hiện theo mẫu cũ nên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên – Chủ tịch hội đồng thẩm định đề nghị, bỏ ghi tên cha, mẹ trong CMND nhưng giữ nguyên hình thức CMND đã thiết kế vì “thay đổi hình thức sẽ dẫn đến những phản cảm trong xã hội không cần thiết”.
Thứ trưởng cũng đồng tình nên có quy định “nếu người được cấp CMND theo mẫu mới rồi muốn đổi lại thì thực hiện theo yêu cầu, giữ nguyên số và bỏ “tên cha, mẹ”.