- Thời gian qua, tại Hà Nội liên tục xảy ra cháy lớn ở các chung cư cao tầng. Tại một cuộc tiếp xúc cử tri trước đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, Hà Nội sẽ mua trực thăng để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy.
Hiện nay, công việc này đã tiến triển như thế nào thưa ông?
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội: Tôi rất mong muốn cần phải có phương tiện chữa cháy cao hơn nhưng không phải cứ mua trực thăng chữa cháy là sẽ thay cho tất cả vấn đề.
Bí thư Hà Nội nói hoàn toàn đúng và theo các lộ trình. Tuy nhiên, không phải cứ mua trực thăng là sẽ đảm đương được việc chữa cháy, vì nhà ở Việt Nam làm gì có chỗ để đỗ?
Hà Nội bây giờ nếu như xảy ra sự cố với nhà cao tầng thì Keang Nam là một, Lotte là hai tòa nhà có sân bay trực thăng đỗ ở đó.
Do đó, cái chính là các tòa nhà khi được xây dựng phải tự đảm đương được việc phòng cháy chữa cháy của mình.
Trực thăng chỉ là phần hỗ trợ thêm một phần. Nhà hàng nghìn người, trực thăng chỉ chở được 1-2 người, do vậy sẽ chở đến bao giờ mới hết. Xe thang bao giờ phục vụ hết được?
Điều quan trọng là trong các tòa nhà cao tầng được xây dựng phải có công tác thẩm duyệt về công tác phòng cháy chữa cháy, đảm bảo cho việc không để cháy xảy ra và khi có cháy xảy ra thì tòa nhà đó tự đảm đương việc chữa cháy và thoát nạn cho mọi người sống trong tòa nhà đó.
Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy Hà Nội. (Ảnh: MTG)
- Hiện nay các thang chữa cháy mới vươn được đến tầng 17, trực thăng chữa cháy chưa có. Trong khi đó, nhiều tòa cao ốc cao 30-40 tầng vẫn được cấp phép xây dựng.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều này đồng nghĩa với việc người dân sống trên những cao ốc trên phải chấp nhận sống trong rủi ro khi có cháy xảy ra?
Không thể nói như vậy được. Như tôi đã nói khi xây dựng những tòa nhà cao tầng đều được thẩm duyệt về công tác phòng cháy chữa cháy và chủ đầu tư đều phải đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy của tòa nhà, hệ thống thoát nạn.
Vậy nên, khi xảy ra sự cố, tòa nhà tự vận hành tất cả các thiết bị phòng cháy chữa cháy để chữa cháy và thoát nạn cho mọi người.
Hiện nay thang cứu hỏa của thế giới cũng chỉ hơn mình 20 mét (khoảng 7 tầng) nhưng với điều kiện đường sá phải đảm bảo. Tuy nhiên, mỗi lần thang cứu hỏa cũng chỉ chở được hai người.
Vì vậy, khi đã xây dựng thì tòa nhà phải đảm đương được nghĩa vụ chữa cháy từng phần một và phải báo cháy kịp thời và thoát nạn cho những người sinh sống ở trên đó.
Nghĩa là việc chữa cháy nhờ vào tòa nhà đó chứ không phải nhờ vào xe thang, mấy cái cầu thang máy hay trực thăng.
- Từng tham gia nhiều cuộc chữa cháy lớn, cảm giác của ông thế nào khi chứng kiến hàng chục người mắc kẹt trên các tòa nhà cao tầng đang cháy nghi ngút?
Tôi thấy một việc như thế này, dân mình khi phổ biến kiến thức thoát nạn người ta không đi học. Khi xảy ra sự cố thường dẫn đến sự hoảng loạn lớn dẫn đến việc lực lượng chữa cháy mất rất nhiều thời gian để giải thích về công tác thoát nạn.
Vì vậy, cần phải phổ biến sâu hơn, kỹ hơn bằng nhiều biện pháp hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng về biện pháp thoát nạn tới từng người để khi có sự cố người ta sẽ bình tĩnh thoát nạn một cách an toàn nhất, không để xảy ra sự cố đáng tiếc.
- Vậy ông có lời khuyên gì với những người đang sống trên các cao ốc mỗi khi xảy ra cháy lớn?
Nếu như mọi người đang sinh sống ở nhà cao tầng thì trước hết nên chấp hành nội quy về công tác phòng cháy chữa cháy. Khi đã xảy ra sự cố cháy, nổ hãy bình tĩnh theo sự hướng dẫn của người có trách nhiệm để thoát nạn.
Tôi yêu cầu các cấp, các ngành cùng với lực lượng phòng cháy chữa cháy tăng cường công tác kiểm tra các chủ đầu tư để yêu cầu họ thực hiện theo đúng Luật Phòng cháy chữa cháy và phải có trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thoát nạn để khi có sự cố xảy ra không có thiệt hại đáng tiếc.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!