Những ngày qua, người dân xôn xao tìm kiếm vaccine Pentaxim 5 trong 1, vì những tưởng đây là loại vaccine không gây phản ứng mà chỉ có vaccine Quinvaxem mới gây phản ứng.
Nhưng sự thực không phải vậy. Cho đến nay, mới chỉ có chừng vài trăm ngàn liều vaccine Pentaxim được tiêm ở Việt Nam, trong tổng số khoảng 5 triệu liều vaccine Quinvaxem đã được tiêm cho trẻ ở Việt Nam.
Về những nghi ngại với vaccine Quinvaxem, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: Thế giới cũng đã chứng minh phản ứng nặng của vaccine Quinvaxem cũng tương đương như các vaccine khác.
Nếu Việt Nam tiêm 4,5 triệu liều Pentaxim như Quinvaxem hiện nay, thì chắc chắn cũng có tỉ lệ tai biến. Nhưng nếu không tiêm vaccine phòng bệnh, thì trẻ dễ mắc bệnh và khi mắc một loại bệnh nào thì tỉ lệ tử vong ít nhất cũng tới 100-200 trường hợp/triệu trẻ.
Trong khi nếu tiêm phòng, dù là vaccine Pentaxim hay Quinvaxem thì nếu có, tử vong cũng chỉ xảy ra 1-4 trường hợp/triệu liều vaccine, chưa kể nếu có các bệnh trùng lặp kèm theo như tim bẩm sinh, hay hội chứng đột tử của trẻ không rõ nguyên nhân.
Trong thực tế, cả khi không tiêm gì thì mỗi ngày Việt Nam cũng có 30-50 trẻ chết do nhiều nguyên nhân.
GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chuyên gia về vaccine tiêm chủng, khẳng định: Điều khác biệt cơ bản mà mọi người quan tâm đó là sự khác biệt về thành phần ho gà.
Vaccine ho gà toàn tế bào (Quivaxem) là vaccine chế từ vi khuẩn ho gà sau khi được nuôi cấy tăng sinh trong môi trường và làm chết bằng nhiệt độ.
Còn vaccine vô bào (Pentaxim) là vaccine tinh chế chỉ chứa thành phần kháng nguyên đặc hiệu sau khi đã loại bỏ những thành phần kháng nguyên không cần thiết khác của vi khuẩn.
Điều đó giải thích cho lý do tại sao vaccine ho gà toàn tế bào gây phản ứng tại chỗ và sốt nhiều hơn vaccine ho gà vô bào.
Trước hiện tượng người dân đang xô nhau cho con đi tiêm vaccine Pentaxim, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế báo cáo về tình hình vaccine tiêm chủng.
Các chuyên gia của Bộ Y tế nhấn mạnh rằng vaccine Quinvaxem có tác dụng phòng bệnh tốt hơn vaccine Pentaxim vì sử dụng công nghệ nguyên bào.
Mặc dù vaccine Quinvaxem có tỉ lệ gây phản ứng cao hơn, nhưng không có nghĩa là Quinvaxem có tỉ lệ tử vong cao hơn.
Hơn nữa, các trường hợp tử vong do tiêm vaccine Quinvaxem thường xảy ra ở vùng núi, vùng sâu vùng xa, còn ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh không có tử vong.
Tuy vậy, theo đại diện Bộ Y tế, không nước nào trên thế giới lại có 2 hệ thống tiêm chủng như Việt Nam: Chương trình TCMR và chương trình tiêm chủng dịch vụ.
Mà ở các nước, khi xác định số lượng bệnh cần được tiêm vaccine cho toàn dân thì chỉ có một cơ chế là tiêm mở rộng và miễn phí cho người dân. Còn, tiêm chủng dịch vụ ở các nước chỉ dành cho các loại vaccine phòng các bệnh không phổ biến.
Ví như hiện nay ở nước ta có 12 loại vaccine phòng bệnh trong chương trình TCMR, ngoài 12 loại đó mới có vaccine dịch vụ.
Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế xây dựng lộ trình để tới năm 2020 chỉ còn một cơ chế tiêm mở rộng như các nước. Khi đó người dân sẽ được tiêm miễn phí khi chọn một trong các loại vaccine mà Nhà nước đã chọn cho mỗi loại bệnh.
Trao đổi với báo giới về chủ trương “hợp nhất hóa” để chỉ còn một cơ chế tiêm vaccine phòng bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay:
Trong dự thảo về Nghị định tiêm chủng đang được Bộ Y tế lấy ý kiến, vẫn đề xuất cho tiêm vaccine dịch vụ song song với tiêm miễn phí.
Hiện nay, tiêm chủng miễn phí có 12 loại vaccine trong khi tiêm phòng dịch vụ có hơn 30 loại vaccine. Do đó, những vaccine không có trong TCMR vẫn phải mở dịch vụ cho người dân tiêm, còn sau này các loại vaccine đã có trong TCMR sẽ được quy về một mối.
Hiện ngành y tế vẫn lo đủ vaccine Quinvaxem để tiêm phòng cho trẻ em. Nhưng tại các thành phố lớn, khi người dân có nhu cầu, có điều kiện đăng ký tiêm dịch vụ, thậm chí ra nước ngoài tiêm phòng cũng hoàn toàn là bình thường.